“Món nợ ân tình” của cựu sinh viên

(Dân trí) - Đó là những lần sinh viên xa nhà không một xu dính túi, phải đi ăn chịu ăn nợ mà vẫn được thông cảm. Là những đêm tụ tập bạn bè, ký túc đóng cửa, phải lang thang nơi quán cóc ven đường. Là những lần được thầy cô “xí xoá” bỏ qua… Và còn nhiều mảng ký ức khác nữa, ra trường họ mãi không quên.

Nói là nợ cho nó to tát, chứ đấy đơn giản chỉ là những tình cảm đẹp mà sinh viên dành cho người họ quý, đã giúp đỡ họ dù chỉ là chốc lát. Đó có thể là bà bán trà đá ở vỉa hè, là bác bảo vệ, là cô chủ quán, là giảng viên… là tất cả những ai dạy cho họ bài học giữa con người với con người.

 

Phương - cựu SV trường ĐH Sư phạm rất quý “Mít xi Bầu” - cái tên cô đặt cho cô giáo quản sinh. Giờ học Triết hay Kinh tế chính trị là Phương trốn một đến hai tiết xuống phòng y tế, gặp “Mít xi Bầu” buôn chuyện sau khi đã giả vờ “em ốm”.

 

Phương nói, cô khó tính lắm, nhất là khi có bầu. Lúc nào mặt cũng như sát thủ khiến sinh viên le lưỡi tránh xa, đụng vào cô lại đụng vào quy chế thì chết. Nhưng Phương hay chào, lại toe toét miệng mỗi khi cô “hỏi thăm”. Có lần đi nhanh quá đụng vào cô, bị mắng “đi đứng kiểu gì đấy, con gái con đứa”, Phương cười toe “em đố cô biết đấy” khiến cô cười trừ.

 

Nhớ nhất là lần Phương bị ngất ở trường, được đưa lên phòng y tế, tỉnh dậy thấy cô ngồi quạt cho mình. Hôm đó mất điện, nóng nực oi ả, Phương lại sốt cao. Cô cứ vừa lau mồ hôi, vừa quạt. Tí nữa là Phương tủi thân khóc. Sau này ra trường làm nghề giáo, cứ tâm niệm mình sẽ là một cô giáo tốt như thế.

 

Không chỉ giáo dục học sinh bằng kiến thức mà còn bằng tấm lòng của một giáo viên, một giảng viên đại học. Không ít sinh viên ra trường với bài học cuộc sống thầy cô gửi gắm, mang theo suốt cuộc hành trình sau này. Dù là ít hay nhiều, đấy cũng là những cái “ân” mà không bao giờ họ có thể trả hết. Chỉ có thể trả bằng chính cách sống trong cuộc đời mà thôi.

 

Khoa - cựu SV Kinh tế lại kể về bác bảo vệ ký túc bằng tình cảm dành cho một người cha. Cứ đi chơi về muộn là Khoa lại cười rõ tươi “con chào bố”. Bố bố, con con, đôi lúc ông già cứ nghĩ nó là con mình thật.

 

Khoa kể nhớ nhất là một lần thất tình đi uống rượu về,  Khoa gọi cửa phụ. Ông ra thấy cu cậu say, đi không nổi liền bảo thằng đi cùng đưa vào phòng. Nghe kể lại là đêm đó Khoa cứ ôm ông già mà khóc tu tu, bị ông già tát cho mấy phát mắng: “Mày là con tao mà mày phải khóc vì gái à?”. Thằng bạn thấy thế, buồn cười quá sau cứ trêu anh suốt.

 

Nho nhỏ thế thôi, ra trường, có việc làm, thỉnh thoảng Khoa về thăm trường cũ, thấy ông già thì mời chén rượu, không thấy thì vào tận nhà tìm. Gặp bác gái cũng “con chào U, già con có nhà không U” khiến bà cười, chắc mẩm: “Nó còn tình cảm hơn con mình”.

 

Xa nhà, thiếu thốn tình cảm cha mẹ. Không ít sinh viên tếu táo gọi một người thân quen nào đó ở trường là bố già, là U xưng con. Tuy chỉ là cái danh xưng nhưng vô hình đã tạo nên tình cảm thân thiết, bớt đi cảm giác xa lạ, bơ vơ nơi đất khách quê người. Để rồi những món nợ nho nhở cứ ra đời, không phải là món nợ vật chất. Mà là món nợ tinh thần. 

 

Mấy chàng cựu sinh viên Báo chí lại kháo nhau về ông bán nước cổng sau trường. Ông có cái bàn cờ tướng cũ kỹ dưới gốc cây, ấy thế mà cứ chiều nào cũng chục thằng quây lại, đọ trí. Uống một cốc nước mà ngồi hàng giờ.

 

Vui cái là cứ bỏ tiết, trốn tiết hay rỗng tiết, ra chơi, chẳng hẹn hò gì hết các chàng cứ tụ tập vây quanh. Ngồi đàm đạo từng nước cờ như những tướng quân thực thụ. Có thằng đùa “tao thấy bọn mình giống mấy ông già, uống trà đá, làm điếu thuốc lá, ngồi chiến cờ tướng”.

 

Không ít chàng cùng trường quen thân nhau ở đây, thỉnh thoảng lại gạ gẫm nhờ vả nhau làm đề cương thi, hoặc xin tài liệu môn nào đã học qua để đỡ phải mua tốn tiền. Hơn nữa tài liệu cũ thường có chú thích của người đi trước, học dễ vào. Vô hình trung nơi đây thành nơi “Giao lưu - học tập - kết bạn”. 

 

Sinh viên có những nơi rất bình dân để làm lên kỷ niệm. Đó là quán nước cổng trường, là góc nhỏ sân ký túc, căn tin… nơi họ tìm thấy niềm vui lành mạnh, chia sẻ vui buồn. Được cùng nhau trao đổi học tập, họ biết ơn những người chủ quán dễ tính. Chỉ 500 hay 1.000 đồng lại có thể ngồi cả buổi chiều. Đối với sinh viên như thế là quý lắm.

 

Còn nhiều, rất nhiều những khoảng ký ức nho nhỏ đẹp đẽ mà sinh viên không thể nào quên được. Đi học xa nhà, hay không xa nhà, bước vào cánh cửa đại học họ không còn vô tư như hồi cấp ba. Gánh nặng nghề nghiệp với những môn học chuyên ngành khiến càng đến năm cuối, mỗi sinh viên đều tự nhận mình càng ngày càng “bon chen”. Bon chen trong học tập, trong cuộc sống, và đôi khi có cả ghen tỵ lẫn nhau. Nhưng ở một ai đó, một khoảng không gian nào đó họ vẫn được là chính mình, được hiểu, được thông cảm. Dù chỉ là những hành động nhỏ nhoi, những tình cảm tếu táo, cũng đủ để giúp họ cảm thấy mình có ý nghĩa hơn, để có thêm nghị lực mở nốt cánh cửa vào đời.

 

Món nợ ân tình - đó là cách cựu sinh viên gọi những kỷ niệm đẹp trong khoảng thời gian ngồi trên ghế giảng đường. Món nợ giúp họ vượt qua bao khó khăn, vất vả, rèn luyện để bước ra đời với đôi chân tự tin và một tâm hồn luôn mong sống tốt - ít nhất là với một ai đó để trả lại món nợ xưa.

 

Tùng Nhi