“Mỗi người trẻ phải trở thành công dân quốc tế”

“Chúng tôi muốn thể hiện thuyết phục, để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh đang hội nhập của đất nước và thế hệ trẻ ở Việt Nam”... Bốn cô gái đại diện Việt Nam tham gia diễn đàn “Sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi (HYLI)” đã bày tỏ mong muốn như vậy.

Phạm Thị Thu Hằng: Vừa tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội với tấm bằng xuất sắc, hiện Hằng đang làm việc tại Trung tâm Trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam.

 

Khi là sinh viên, Hằng đã sáng lập đồng thời là chủ tịch CLB Nguồn nhân lực, phó chủ tịch CLB Nhà doanh nghiệp tương lai... Thu Hằng cũng là chủ hàng loạt giải thưởng dành cho sinh viên.

 

Có mặt ở nhóm thảo luận về kinh tế của diễn đàn với chủ đề “Vai trò của sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đối với châu Á”, Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi có thể hoàn toàn tự tin khi chia sẻ với bạn bè đồng trang lứa những suy nghĩ, cảm nhận về những vấn đề quốc gia và quốc tế, về những thách thức của khu vực mà thế hệ chúng tôi sẽ cùng nhau gánh vác. Không lâu nữa, có thể chúng tôi sẽ là những người phải ra quyết định liên quan đến sự phát triển của quốc gia, của khu vực. Bản thân tôi thấy qua diễn đàn này bắt đầu thiết lập được một “mạng lưới” quan hệ làm việc cho tương lai”.

 

Theo Hằng, giới trẻ Việt Nam tuy còn những hạn chế nhưng đang rút ngắn dần khoảng cách với thế hệ trẻ các quốc gia phát triển trong khu vực.

 

Trần Thị Lê Dung: Vừa tốt nghiệp khoa ngữ văn Anh và hiện là học viên cao học ngành ứng dụng ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM. Sinh viên giỏi nhiều năm liền, là một trong 10 SV xuất sắc nhất trường 2006; từng đoạt giải nhất cuộc thi “Hướng tới ASEM V” và là tình nguyện viên của nhiều hoạt động lớn.

 

Dung tham dự thảo luận về lĩnh vực môi trường với chủ đề “Các thách thức của châu Á trong việc bảo vệ và quản lý nguồn nước”. “Đây là một cơ hội hiếm có để tôi nhìn nhận về thái độ của chính bản thân cũng như cộng đồng về vấn đề môi trường” - Lê Dung cho biết. “Đến với diễn đàn, tôi đã thu lượm lại được nhiều kết quả vượt qua mong đợi. Đáng kể nhất là sự thay đổi nhận thức về môi trường nói chung và nguồn nước nói riêng - một vấn đề mà có lẽ ở Việt Nam chưa được cộng đồng thật sự quan tâm”.

 

Theo Dung, “thế hệ trẻ Việt Nam đang bắt kịp với bước tiến của giới trẻ trong khu vực về nhận thức, suy nghĩ... Cái chúng tôi còn thiếu hoặc chưa tận dụng hết những cơ hội để thể hiện bản thân, cơ hội tiếp xúc và trao đổi...”.

 

Hoàng Hạnh Dung: Từ khi là sinh viên năm 2, Hạnh Dung đã là cộng tác viên dẫn chương trình cho chương trình “Bếp Việt” của Đài truyền hình Việt Nam và “Khám phá” của Vietnamvet TV. Ở trường, Dung là phó chủ tịch kiêm trưởng ban đối ngoại CLB SV nghiên cứu khoa học.

 

“Tôi mong muốn trở thành một nữ lãnh đạo doanh nghiệp thành đạt” - đó là ước mơ của Hạnh Dung, Sinh viên trẻ nhất (sinh 1986, SV năm 3 khoa kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Ngoại thương).

 

Hạnh Dung cho biết thêm: “Từ những gì các bạn quốc tế thể hiện, tôi thấy bản thân mình cần phải chú ý rèn luyện rất nhiều kỹ năng, phát triển năng lực cá nhân. Đó là tinh thần học hỏi, kỹ năng tranh luận, thể hiện chính kiến của bản thân.

 

Khi có khả năng về ngôn ngữ, giao tiếp, kiến thức không bó hẹp trong những gì được học..., bạn mới có thể tự tin “ra biển lớn”. Đó là điều tôi cảm nhận rõ nhất khi đến với diễn đàn”.

 

Hà Hồng Hạnh: Ủy viên ban chấp hành Đoàn trường, chi hội trưởng liên chi hội sinh viên khoa ngoại ngữ, là chủ xị của của CLB E - Club và CLB Điện ảnh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

 

“Gặp gỡ các diễn giả, đặc biệt với nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan, trao đổi với bạn bè quốc tế mang đến cho tôi một suy nghĩ thế hệ trẻ càng ngày càng phải sống và hành động có trách nhiệm hơn với đất nước, bắt đầu từ những công việc rất cụ thể, thậm chí là những việc làm rất nhỏ. Nhìn rộng hơn trong xu thế hội nhập, mỗi người trẻ còn phải hướng đến trở thành những “công dân quốc tế”, có tiếng nói và trách nhiệm đối với những vấn đề phát triển chung của cộng đồng, của khu vực”.

 

Theo Hạnh, các bạn trẻ hiện nay không thể chỉ nghĩ đến tương lai, sự nghiệp của bản thân. Mỗi mục tiêu phấn đấu trong cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn nếu gắn với sự phát triển chung của đất nước, cộng đồng. 

 

Theo Thanh Hà

Tuổi Trẻ