Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại

Huy Khánh

(Dân trí) - Hiến máu nhân đạo không còn là trách nhiệm bổn phận riêng của một cá nhân cụ thể nào mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

Hiến máu nhân đạo không còn là trách nhiệm bổn phận riêng của một cá nhân cụ thể nào mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Đồng thời, việc hiến máu cũng là giá trị tích lũy cho chính bản thân mỗi người. Đó là cơ hội để bạn trẻ có thể tạo cho mình những lợi ích về cả tinh thần và bảo hiểm lâu dài. 

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn có nhiều tác dụng tích cực đối với cơ thể của người hiến máu. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực nhưng rất cần thiết cho xã hội và rất đáng tự hào bởi "mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại".

Thời gian vừa qua, do tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra đã khiến tình trạng thiếu máu cho điều trị càng trầm trọng hơn. Thậm chí, lượng máu dự trữ cạn kiện thời gian gần đây khiến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phải "kêu cứu" trên các kênh thông tin đại chúng. Chính vì vậy, việc hiến máu tình nguyện là rất cần thiết.

Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại - 1

Ngày hội Hiến máu nhân đạo "Giọt hồng kết nối dòng máu Việt".

Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại - 2

Sinh viên hăng hái tham gia hiến máu.

Trên tinh thần ấy, hòa chung với phong trào hưởng ứng Tháng thanh niên và kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2022), sáng ngày 21/03/2022, tại Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC) phối hợp cùng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức Ngày hội Hiến máu nhân đạo "Giọt hồng kết nối dòng máu Việt", nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Mục tiêu của chương trình "Giọt hồng kết nối dòng máu Việt" là: Tập hợp nguồn dự trữ máu cho đơn vị chuyên môn là Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; Nâng cao tinh thần nhân văn, hướng đến giáo dục tinh thần "tương thân tương ái" với cộng đồng trong môi trường giáo dục, sinh viên, cán bộ giảng viên Nhà trường; Lan tỏa thông điệp "Hiến máu cứu người" là ý nghĩa của nghĩa cử cao đẹp trong sinh viên, đoàn viên, giảng viên trẻ trong toàn trường; Hãy cho đi để được nhận lại.

Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại - 3

Giảng viên, sinh viên góp giọt máu hồng cứu người.

Sự kiện "Giọt hồng kết nối dòng máu Việt" được đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên hưởng ứng.  Sự kiện hiến máu trở thành một ngày hội để những người trẻ tuổi thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng; thể hiện sâu sắc truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.

Tính đến cuối buổi sáng ngày 21/3, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội đã huy động được gần 200 đơn vị máu từ hơn 300 cán bộ, nhân viên, đoàn viên, thanh niên hưởng ứng tham gia.