Mệt mỏi khi làm việc nhóm cùng với thành viên "ám ảnh hoàn hảo"

Bùi Ngọc

(Dân trí) - "Mặc dù, cầu toàn trong công việc không có gì sai. Thế nhưng, bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo lại là câu chuyện khác". Trịnh Ly cho biết.

Người ám ảnh bởi chủ nghĩa hoàn hảo (perfectionism) luôn muốn cầu toàn trong mọi thứ, họ luôn lo lắng và sợ sệt rằng bản thân sẽ gặp thất bại hoặc khuyết điểm.

Tuy nhiên, nỗi sợ hãi sự thất bại sẽ cản trở rất lớn đến hiệu suất công việc. Đó là lý do tại sao những người thành công thường ít có khả năng là người cầu toàn.

Trong teamwork, một thành viên quá khắt khe với mọi thứ, luôn "bới lá tìm sâu", quan trọng hóa mọi vấn đề, không những không thể làm bản thân trở nên xuất chúng hơn mà còn khiến những thành viên còn lại trong nhóm mệt mỏi, không muốn hợp tác và thậm chí còn có thái độ xa lánh, tẩy chay.

Nỗi mệt mỏi của những người làm việc chung

Trịnh Ly (24 tuổi, Nhân viên văn phòng) cho biết bản thân cũng đã nhiều lần hợp tác để thực hiện dự án chung cùng các nhân viên khác. Trong những lần ấy đã có vô số chuyện xảy ra khiến cô cảm thấy khó chịu khi làm việc chung với người cầu toàn.

Ly cho biết: "Mình là một nhân viên văn phòng nên việc phải làm nhóm chung về một dự án hay kế hoạch là việc thường xuyên. Vì vậy mình đã tiếp xúc với vô số kiểu người khi làm chung dự án.

Có một số người đã khiến mình cảm thấy không có thiện cảm khi làm việc chung, đó là kiểu người luôn vạch ra lộ trình quá khắt khe, cứng nhắc và buộc mọi người phải làm theo. Họ rất sợ vì một quyết định sai sót dẫn đến sự thất bại toàn bộ công việc".

Mệt mỏi khi làm việc nhóm cùng với thành viên ám ảnh hoàn hảo - 1

Với nhiều người, mong muốn hoàn hảo không phải là điều gì sai trái hay bất thường, bởi lẽ "hoàn hảo" là sự tốt nhất, tuyệt đối nhất (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên trên thực tế, hoàn hảo quá mức còn có tác dụng ngược. Nó không những không giúp công việc thăng tiến và thành công mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý, cũng như duy trì những mối quan hệ xã hội.

Theo Ly, làm việc một cách máy móc, rập khuôn, thiếu sự nhạy bén và linh hoạt còn ảnh hưởng cực kỳ xấu đến chất lượng và tiến độ công việc.

"Có lần nhóm mình đã lên kế hoạch chỉn chu một dự án nhưng chỉ vì phát sinh một lỗi nhỏ mà trưởng nhóm không vừa ý liền đổi kế hoạch mà không có sự thông qua ý kiến mọi người. Mặc dù dự án đã được đưa vào hoạt động và sắp hoàn thành, khiến cho công sức của cả nhóm mấy ngày qua như "đổ sông đổ bể".

Sau sự thay đổi đột ngột ấy, nhóm mình đã có những tranh cãi lớn dẫn đến thành quả làm việc cũng không được như mong đợi.

Đối với mình làm việc nhóm là một công việc chung, là lợi ích của tất cả mọi người nên mình nghĩ rằng việc lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của mọi người là vô cùng cần thiết". Ly tâm sự.

Cũng như Trịnh Ly, Trịnh Quỳnh Anh (23 tuổi, Nhân viên Marketing) cũng không ít lần đối diện với những người có thiên hướng làm việc "hoàn hảo" theo một cách tiêu cực.

Quỳnh Anh chia sẻ: "Điển hình trong một lần làm dự án mình đã phải thức liền ba đêm chỉ để thỏa mãn sự hoàn hảo về design (thiết kế) từ trưởng phòng của mình.

Mệt mỏi khi làm việc nhóm cùng với thành viên ám ảnh hoàn hảo - 2

Trịnh Quỳnh Anh (23 tuổi, nhân viên Marketing) không ít lần đối diện với những người có thiên hướng làm việc "hoàn hảo" theo một cách tiêu cực (Ảnh: NVCC).

Sau quãng thời gian đó, mình cảm thấy bức bối, khó chịu, tâm trạng thất thường, sức khỏe suy giảm. Không chỉ riêng mình mà cả những người đồng nghiệp khác trong công ty cũng thường xuyên gặp phải những tình huống như vậy".

Theo Quỳnh Anh, những người cầu toàn như vậy thường khó có thể thành công vì với họ không bao giờ là "đủ". Điều này không chỉ tích tụ lâu có thể gây nên những bệnh lý và ảnh hưởng một cách trầm trọng tới sức khỏe của bản thân mà còn ảnh hưởng đến cả những người có cơ hội làm việc cùng. Thậm chí, họ rất dễ bị cô lập bởi sự cứng nhắc quá mức của mình.

Làm thế nào để vượt qua nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo?

Dưới đây là một số lời khuyên từ Fast Company giúp bạn có thể làm việc một cách hiệu quả năng suất nhất mà không còn luẩn quẩn trong nỗi ám ảnh "mọi thứ phải thật hoàn hảo".

Mệt mỏi khi làm việc nhóm cùng với thành viên ám ảnh hoàn hảo - 3

Nhiều người yêu cầu quá cao trong công việc khiến đồng nghiệp mệt mỏi (Ảnh minh họa: 3ccontactservices).

  1. Hiểu được bản thân còn nhiều nhiệm vụ khác cần hoàn thành

Khi bạn bị mắc kẹt trong chủ nghĩa hoàn hảo, công việc hiện tại bạn đang làm sẽ được ưu tiên. Trong khi đó, hàng tá deadline cũng đang cần được xử lý.

Theo tiến sĩ tâm lý Art Markman, bài học quan trọng cần nhớ rằng hầu hết công việc bạn đang làm không xứng đáng để dồn toàn bộ tâm trí và sức lực. Bạn chỉ cần làm công việc đó đủ tốt để có thể đáp ứng với hoàn cảnh.

Và điều đó có nghĩa là bạn cần đánh đổi giữa năng suất và độ chính xác. Nỗ lực đúng mức để có thể đảm bảo tiến độ chung. Đồng thời, có thể tiết kiệm thời gian cho những ưu tiên khác.

Để thay đổi thói quen cầu toàn, bạn nên bắt đầu từ những công việc không quá quan trọng.

Chẳng hạn như việc soạn email, thay vì dành thời gian để đọc đi, đọc lại xem bản thân có mắc lỗi chỗ nào không và người đọc sẽ cảm nhận như thế nào khi email được gửi tới thì hãy chỉ dành vài phút để viết ra mọi ý tưởng, những yêu cầu cần thiết và đọc lại nhanh trước khi gửi.

Bạn vẫn sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách đầy đủ cẩn thận, thay vì quá trau chuốt. Lúc này, việc mắc lỗi nho nhỏ vẫn được chấp nhận vì không gây ra hậu quả nghiêm trọng nào.

  1. Vạch ra kỳ vọng thực tế và đừng so đo với người khác

Mỗi người đều có những điểm khởi đầu khác nhau, bạn không nên tự so sánh sự khởi đầu của mình với kết quả của người khác. Thay vào đó, hãy tự đặt cho mình những kỳ vọng thực tế, để khi không đạt được mục tiêu nó cũng sẽ không khiến bạn cảm thấy thất vọng.

Hãy chia dự định thành các mục tiêu nhỏ theo từng ngày, từng tuần để có thể dễ dàng kiểm soát đầu việc và định hướng công việc một cách rõ ràng.

  1. Hãy ngừng mong muốn kiểm soát

Hầu như những người ám ảnh hoàn hảo và cầu toàn đều thích kiểm soát và mong muốn điều khiển tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, khi làm việc trong môi trường công sở hoặc đi học, bạn thường có những công việc cần phải giải quyết theo hướng teamwork.

Lúc này để đạt được tiến độ công việc chúng ta cần san sẻ nhiệm vụ với các thành viên khác.

Tiến sĩ tâm lý Art Markman cho biết thay vì độc chiếm toàn bộ công việc thì hãy chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ các thành viên giỏi trong lĩnh vực họ làm và có thành tích trong việc hoàn thành các dự án.

Hãy cho họ biết rằng bạn tin tưởng vào sự hợp tác này sẽ đem lại thành quả xứng đáng. Nên nhớ rằng, một khi đã hợp tác để tiến tới mục đích chung, bạn nên có sự tin tưởng đồng nghiệp của mình.

Thời gian đầu, bạn có thể sẽ không thực sự thoải mái khi nhường quyền kiểm soát công việc cho người khác. Song, học cách từ bỏ sự cầu toàn và mong muốn điều khiển toàn bộ công việc sẽ là một phần của kỹ năng vượt qua chủ nghĩa hoàn hảo.

Có những đồng nghiệp tuyệt vời sẵn sàng hỗ trợ bạn trong công việc chính là những bước đi tuyệt vời trên con đường sự nghiệp của chính bạn đó.