Mec - Tình yêu của những chàng cơ khí

(Dân trí) - Gặp nhau và làm quen trên diễn đàn Cơ khí Việt Nam, cả bốn thành viên sáng lập ra cà phê Mec đều có một điểm chung đó là tình yêu đối với ngành học của mình.

Từ tình yêu cơ khí…

 

Nằm trong một con ngõ nhỏ ở số 29 Lê Thanh Nghị đoạn gần đường Bạch Mai, cà phê Mec là một căn hộ 4 tầng vốn được xây để cho thuê nhà ở chứ không phải là cho quán cà phê, ngay cả biển quán “Cà phê Mec” cũng được trưng ở một góc rất khuất mà nếu không phải khách quen thì sẽ khó nhìn ra. Ấy thế nhưng đã từ lâu đây được coi là nơi tụ họp của sinh viên Bách Khoa nói chung, đặc biệt là của sinh viên nghành cơ khí.

 

Sở dĩ quán có tên là cà phê Mec là bởi cả bốn thành viên sáng lập ra quán đều là dân cơ khí của trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. (Mec viết tắt của Mechanic) Thành viên nhỏ nhất của quán là Hoàng Anh Đức, sinh năm 1983 - sinh viên năm cuối khoa cơ khí, phó bí thư liên chi đoàn trường Đại Học Bách Khoa. Ba thành viên khác là: Nguyễn Văn Cảnh, Vũ Sỹ Long, Nguyễn Tiến Cường, đều là sinh viên k46 khoa cơ khí.

 

Nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm hết 4 tầng của quán, Đức giới thiệu thêm trong 4 tầng này bọn mình có dành ra tầng 3 để làm văn phòng của công ty, cũng do 4 anh em lập nên. Đó là công ty TNHH Thương Mại và Cơ Khí Việt Nam, chuyên sản xuất các thiết bị thí nghiệm về vi điều khiển, cơ khí tự động hoá, tay máy… tất cả đều do anh em tự làm không thuê nhân công.

 

Qua mấy tháng hoạt động bước đầu công ty đã có những hợp đồng như hợp đồng sản xuất thiết bị giáo dục cho tỉnh Quảng Bình… Tất cả đều bắt nguồn từ sự thích thú, tình yêu đối với cơ khí.

 

Đức tâm sự: “Bây giờ cũng khá bận vì sắp tới hai trong bốn người đi du học, một người đi học thác sỹ, còn mình thì đang bận làm đồ án cuối khoá nhưng cả 4 anh em vẫn cố dành thời gian cho quán cũng như công ty vì đây là đứa con tinh thần của cả nhóm”.

 

…đến mô hình cà phê Mec

 

“Tôi là người sống nội tâm nên thích đến những chỗ một mình hoặc những nơi có những người bạn thân thiết”. Đây là tâm sự của anh Nguyễn Thăng - một khách quen của quán. Mặc dù không phải dân cơ khí nhưng anh Thăng hay tới đây cũng bạn bè vì theo anh đây là một mô hình quán cà phê khá hay và lạ.

 

Khi được hỏi điều anh thích nhất ở cà phê Mec là gì? anh Thăng cho rằng: "Tôi thích nhất cái máy chiếu ở đây. Khách của quán nếu sinh viên có thể dùng một phòng trên tầng hai để trình chiếu, thảo luận những vấn đề quan tâm. Nếu không thì có thể xem phim, các phim chủ yếu của quán là các phim đang chiếu rạp, hoặc là những phim mới".

 

Chất cơ khí thể hiện đậm nét nhất là ở phòng đọc trên tầng 2, một phòng nhỏ, ấm cúng và thân thiện với lối trang trí đơn giản:  Thảm ngồi, một lọ hoa được làm từ các loại giấy màu nhỏ nhắn với nhiều màu sắc, một vài bức tranh treo trên tường, cây đàn ghi ta ở góc phòng và đặc biệt là một thư viện gồm rất nhiều những cuốn sách hay về cơ khí.

 

Sách được xếp trên một chiếc giá gỗ dựng đứng và được trưng ở giữa hai dãy bàn. với nhiều loại: từ những cuốn sách phô tô, hay những cuốn sách đã cũ được xuất bản từ những năm 1968 như: Thiết kế nguyên lý máy đến những cuốn được gửi mua từ nước ngoài về như: Handbook of Die Design; Handbook of induction Heating, hay Mecchanical Testing and Evaluation… Sinh viên làm đồ án nhiều lúc chỉ cần tra các thông số khoảng 1 -2 dòng trong một cuốn nào đó, những lúc như thế họ cần dùng đến sách, nhưng những cuốn kiểu đó thì ai dám bỏ tiền mua vì nó có giá không phù hợp với sinh viên và thư viện thì không phải lúc nào cũng có thể phục vụ.

 

Đức cũng cho biết thêm, có những cuốn sách hay là của những người bạn là những người đã từng học cơ khí nay họ quay lại tặng sách và ký tặng vào sách cho quán như cuốn: Cẩm nang kỹ thuật cơ khí là của một cậu bạn bên bộ quốc phòng tặng lại. Không chỉ có sách cơ khí, quán còn có các loại truyện, những cuốn sách nói về cuộc sống. “Bọn mình còn nhiều sách lắm nhưng vì quán không được rộng nên không thể bày hết ra đây được.”

 

Không khí ngoài trời với gió và cách bài trí cũng độc đáo không kém với bàn tre, chuông gió, kính thiên văn…

  

Hoàng Ngọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm