"Mẹ ơi, Tết này con xa nhà…"

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Tết này, ở một góc nhỏ của thành phố, vẫn có những người ngậm ngùi nhắn dòng tin: "Mẹ ơi, Tết này con xa nhà"...

Dòng tin vừa kịp gửi đi cũng là lúc cô cảm nhận được vị mặn đắng của hai dòng nước mắt đang lăn dài trên má. Năm nay, cô đón Tết ở một miền đất xa lạ, cách xa quê hương đến hàng nghìn km. Chỉ những ai từng trải qua cảm giác lạc lõng dịp Tết nguyên đán như cô mới hiểu được rằng: dù đi đến đâu, nhà vẫn luôn là nơi muốn trở về nhất.

Mẹ ơi, Tết này con xa nhà… - 1
Đón Tết xa xứ, nỗi nhớ nhà chỉ đành gói gọn trong tim… (Ảnh minh họa: Lê Kim Hưng)

Năm ấy, cô quyết định đến miền xa lập nghiệp. Bỏ lại sau lưng những lời can ngăn "con gái sao phải vất vả quá làm gì", hay "cuộc sống ổn định ở quê thì không chịu, còn muốn đi xa như thế"...

Cô học đại học tại một ngôi trường ở quê, tốt nghiệp cũng lựa chọn công việc gần nhà. Nhưng cuộc sống quẩn quanh "ba cọc ba đồng" khiến cô cảm thấy bất lực. Vốn dĩ, cô hy vọng sẽ mang đến cho mẹ cha cuộc sống sung túc, chăm lo cho đàn em thơ đủ đầy hơn.

Thế nên, năm 23 tuổi, cô từ bỏ công việc hiện tại, đến thành phố xa lạ để xây dựng sự nghiệp. Cô không hối hận, mà cũng chưa từng nghĩ sẽ hối hận bởi quyết định của mình.

Thế nhưng, khi vòng tròn thời gian sắp sửa đến hồi kết, nỗi nhớ nhà quay quắt và thao thiết. Cô nhớ không khí rộn ràng nơi xóm nhỏ mỗi dịp Tết đến, nhớ vị bánh chưng thơm ngậy, nhớ tiếng cười giòn tan của các em thơ khi được xúng xính những bộ quần áo mới thơm tho, phẳng phiu.

Có lẽ, dù ở thành phố tấp nập phồn hoa, nhưng phần người chân thật nhất vẫn chỉ một lòng hướng về quê hương - miền đất bình lặng và an yên.

Mẹ ơi, Tết này con xa nhà… - 2
Dù đi xa đến đâu, nhà luôn là nơi ta muốn trở về nhất! (Ảnh minh họa: Lê Kim Hưng)

Những ngày cuối năm, khi các đồng nghiệp đã lên chuyến xe về quê, người ở thành phố tranh thủ đi sắm sửa, chuẩn bị Tết, cô vẫn ở lại văn phòng, tất bật hoàn thành những deadline còn dang dở và chuẩn bị cho công việc phải làm ngay sau Tết bởi dịch Covid-19 khiến mọi kế hoạch sớm phải điều chỉnh. Cô chọn cách làm bạn với công việc để khỏa lấp hết nỗi trống vắng của đứa con xa xứ.

Với cô gái 25 tuổi - ngưỡng tuổi lưng chừng giữa con dốc thanh xuân, mỗi thành công đều được đánh đổi bằng kiên trì, bằng sức lực và cả nước mắt nữa. 25 tuổi, lần đầu tiên cô đón Tết xa quê, lần đầu tiên cảm nhận được nỗi cô đơn tột cùng và cũng lần đầu tiên cô hiểu cái giá của sự trưởng thành không hề rẻ một chút nào.

Trưởng thành là khi chưa kịp cam tâm nói lời giã từ với trang đời thơ ấu, đã bị cuộc đời tạt vào mặt gáo nước lạnh ngắt. Thế giới của người lớn bộn bề với muôn vàn nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền.

Chỉ khi trở về, sà vào lòng mẹ, ta bỗng bé lại như đứa trẻ năm nào. Mong ước của cô lúc này chính là được về nhà, bởi tình thân mãi luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, đáng trân quý nhất trên đời.

Có rất nhiều người như cô gái ấy, đón Tết xa xứ với muôn vàn nỗi lòng không biết ngỏ cùng ai. Chỉ biết giấu nhẹm nước mắt mặn đắng vào trong khi mẹ hỏi "con có ổn không?" mà đáp lại "con rất ổn, Tết ở đây không thiếu thứ gì" cho mẹ an lòng.

Tết xa xứ giữa mùa dịch Covid-19 ẩn chứa điều khó lường, ầng ậc nước mắt và mênh mang nhớ thương…