MC đám cưới - nghề tay trái hái ra tiền cực “hot“

Mấy năm gần đây, dịch vụ MC cho đám cưới không chỉ phổ biến ở thành thị mà còn lan về các vùng nông thôn. Việc "người người cần MC đám cưới, nhà nhà cần MC đám cưới" không thể thiếu trong lễ cưới…

Nghề dẫn chương trình đám cưới được xem là nghề "làm dâu trăm họ", không khó nhưng cũng không dễ. Muốn trụ được với nghề, đòi hỏi MC đám cưới phải có một số kỹ năng nhất định như: đam mê, năng khiếu (hát hò), kỹ năng nói trước đám đông...

 

 Để có thể dẫn được đám cưới một cách thuần thục, từ lời mời, lời cảm ơn mọi người đến dự đến lời giới thiệu, ví von bằng thơ về cô dâu, chú rể, của các MC cưới phải chuẩn bị bài bản từ trước.

 

MC cưới thường học lỏm và sáng tạo tùy hứng với mục đích gây cười, tăng thêm niềm vui cho các đám cưới như: "Sắp đến giờ  BTC và gia đình chúng tôi tổ chức nghi lễ thành hôn của chú rể Đ.V.K sánh duyên với cô dâu M.T.H.

 

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn TW thì sắp có một đợt mưa đá thật to do trai làng ném, đề nghị chúng ta khẩn trương vào bên trong hôn trường để bảo đảm đến cái đầu và sự nguy hiểm, một lần nữa BTC kính mời!".

 

Hay những vần thơ tếu táo của MC cưới, làm người nghe không khỏi phì cười như: "Chúc cô dâu má đỏ môi hồng/ chúc cho chú rể từ tối nay, có lồng để... nuôi chim!"; "Kính thưa quý vị!/ Các bậc tiền bối có câu rằng:/ Có súng thì phải có nòng/ Có trai, có gái hợp lòng dân quân!/ Để thay đổi không khí của chương trình hát mừng hạnh phúc, quý vị sẽ được chiêm ngưỡng một mỹ nhân, một giọng hát mà sẽ làm cho quý vị quên ăn quên ngủ: Và đây giọng hát cô Thu"; "Kính thưa bà con hai họ/ Họ lọ, họ chai/ các anh hai tóc đỏ/ Các cháu nhỏ tóc đinh/ Các chị sinh con gái/ Các em gái còn nguyên/ Các vị chuyên ăn xin ăn chực/ Các anh lực sĩ ở trần..."
 
MC Đinh Như Huy trong một đám cưới. Ảnh: NVCC
"MC" Đinh Như Huy trong một đám cưới. Ảnh: NVCC

 

"Việc nhầm lẫn tên cô dâu, chú rể của đám cưới này xướng tên trong đám cưới khác hoặc những màn xướng tên bố chú rể ghép với… mẹ cô dâu, nhầm lẫn giữa lễ thành hôn và lễ vu quy là điều MC đám cưới thường mắc phải", anh Phạm Công Sơn- MC đám cưới  ở Thanh Hóa cho hay.

 

Chú rể Xuân Nam (Nam Định) chia sẻ: "Mình tên là Nam, vợ mình tên Mai Linh. Hôm đám cưới anh MC nói ngọng líu ngọng lịu cứ giới thiệu chú rể Xuân Lam, cô dâu Mai Ninh làm mọi người và mình không khỏi buồn cười vì nhiều người không biết có khi nghĩ cô dâu là Xuân Lam còn chú rể là Mai Ninh ấy chứ. Mình nghĩ MC đám cưới tếu táo, pha trò... đôi khi hơi lố nhưng họ giúp cho sự lo âu, hồi hộp của cô dâu, chú rể giảm đi ít nhiều ”.

 

Hầu hết, làm MC cưới chỉ là "nghề tay trái" của các MC "nhà vườn" nhưng thu nhập từ nghề này cũng không hề thấp.

 

Anh Phạm Đan Phong (Thanh Liêm- Hà Nam) có thâm niên làm MC đám cưới hơn 2 năm bật mí: "Công việc chính mình đang làm là nhân viên kinh doanh tại một Công ty về xi măng. Tuy là nghề phụ nhưng nhiều khi thu nhập những tháng cao điểm trong mùa cưới còn cao hơn là lương chính. Trung bình thu nhập của mình từ nghề dẫn chương trình đám cưới vào khoảng 10 - 15 triệu/tháng".

 

Anh Đinh Như Huy (Huế) là thầy giáo dạy toán tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông - Thừa Thiên Huế đã làm MC đám cưới hơn 7 năm cho biết: "Tuy là nghề tay trái nhưng mình thấy thu nhập rất ổn, thực tình mà nói, tiêu chí của mình là đi làm nghề này cảm thấy vui, yêu đời hơn.

 

Phong tục ở quê mình người ta thường tổ chức cưới vào buổi trưa nên mình cũng tranh thủ được ngoài giờ lên lớp. Mỗi tháng trung bình mình dẫn khoảng 12 đám cưới. Có một số đám cưới người ta tổ chức 2 đến 3 tiệc, mỗi tiệc làm là 400.000 đồng, khoảng 2 giờ đồng hồ. Nói chung là thu nhập tương đương với lương giáo viên. Ngoài ra mình kiêm luôn cả in thiệp cưới, giấy khen... nên thu nhập cũng ổn".

 

Bên cạnh đó, MC đám cưới cũng cho biết, việc làm trong một môi trường phức tạp, xô bồ, khách đến đám cưới đủ thành phần từ trí thức đến lao động tự do, lao động chân tay... nên phải mềm mỏng để tránh những xích mích xảy ra....

 

Theo Đông Vũ

Dân Việt