Mặt trái của việc chia sẻ tin tức trên mạng xã hội mà không hiểu rõ

Minh Hiếu

(Dân trí) - Chia sẻ tin tức trên mạng xã hội có thể làm sai lệch nhận thức về bản thân nhiều hơn chúng ta nghĩ.

Chia sẻ không phải là một khái niệm mới, con người sống trong các nhóm xã hội và cần sự tương tác xã hội. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Adrian Ward, trợ lý giáo sư Marketing tại Đại học Texas (Mỹ), truyền thông xã hội đã làm thay đổi cách con người hiểu thế giới xung quanh bằng việc thay đổi phương thức tiếp cận, chia sẻ, hiểu và cả hiểu sai thông tin". 

Mặt trái của việc chia sẻ tin tức trên mạng xã hội mà không hiểu rõ - 1

Mạng xã hội là một phần trong cuộc sống hàng ngày đối với hơn 4,6 tỷ người trên toàn thế giới (Ảnh: FreshSplash/Getty Images).

Ước tính 70% người dân Bắc Mỹ sử dụng mạng xã hội để kết nối với nhau và chia sẻ thông tin. Trong thời đại truyền thông xã hội, với việc liên tục tiếp cận nhiều thông tin hơn từ nhiều nguồn khác nhau, tại sao mọi người lại chia sẻ tin tức và việc này ảnh hưởng đến họ như thế nào?

Chia sẻ thông tin mang lại cho con người sự tự tin

Theo kết quả khảo sát vừa được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu do The New York Times đặt hàng, chia sẻ trực tuyến giúp mọi người cảm thấy bản thân tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội.

Khảo sát được thực hiện trên 2.500 người dùng mạng xã hội cho thấy 49% có mục đích thay đổi quan điểm của người khác hoặc khuyến khích hành động, 68% mong muốn giúp mọi người hiểu rõ hơn về bản thân và những gì họ quan tâm.

Vậy chia sẻ của mọi người tác động như thế nào đến những gì họ biết hoặc những gì họ cho rằng họ biết? Đây là trọng tâm của nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Giáo sư marketing Susan M. Broniarczyk và Tiến sĩ Adrian Ward, tại Trường Kinh doanh McCombs thuộc Đại học Texas (Mỹ).

Tiến sĩ Adrian Ward cho biết, môi trường chia sẻ thông tin mới, cụ thể là mạng xã hội, có thể đang thay đổi cách con người hiểu về bản thân. Khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, chúng ta không chỉ chia sẻ tin tức mà còn chia sẻ hình ảnh về con người mình và những gì chúng ta biết.

Nghiên cứu cũng chỉ ra hành vi chia sẻ với người khác có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Chúng ta bắt đầu tin rằng bản thân thực sự giống như những gì người khác nghĩ.

Kết quả nghiên cứu này, được đăng trên Tạp chí Tâm lý Người tiêu dùng (Journal of Consumer Psychology), cho thấy, việc chia sẻ thông tin đơn giản mang lại cho mọi người sự tự tin, khiến họ cảm thấy hiểu biết hơn về chủ đề được chia sẻ ngay cả khi họ chỉ đọc mỗi tiêu đề.

Chia sẻ mà không đọc

Trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học đã điều tra tác động của việc "chia sẻ mà không đọc" và ảnh hưởng của nó đối với kiến thức chủ quan. Kiến thức chủ quan là những gì mọi người nghĩ rằng họ biết và kiến thức khách quan là những gì mọi người thực sự biết.

Ở những nghiên cứu đầu tiên, người tham gia liệt kê các bài báo họ đã chia sẻ trên Facebook và số lượng mỗi bài báo họ đã đọc trước khi chia sẻ. Chỉ 28% người tham gia đã đọc toàn bộ bài báo trước khi chia sẻ và 25% thừa nhận chỉ đọc vài dòng, hoặc thậm chí không đọc.

Trước đó, một đề tài khoa học khác cùng tác giả đã phát hiện ra mọi người liên kết việc chia sẻ trên mạng xã hội với kiến thức và cảm thấy rằng việc chia sẻ khiến họ trông có vẻ tri thức hơn.

Để hiểu cách chia sẻ ảnh hưởng đến kiến thức chủ quan và khách quan của một người, các chuyên gia đã cho một nhóm sinh viên đọc và chia sẻ một loạt các bài báo.

Sau đó, các sinh viên phải đánh giá kiến thức chủ quan của họ đối với mỗi bài báo trước khi hoàn thành ba câu hỏi trắc nghiệm đánh giá kiến thức khách quan của họ.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu hỏi những người tham gia xem họ đã đọc bài báo hay chưa. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc chia sẻ làm cho mức độ kiến thức chủ quan cao hơn ngay cả khi sinh viên chưa đọc bài báo.

Kiến thức chủ quan ảnh hưởng như thế nào đến việc ra quyết định

Trong nghiên cứu cuối cùng, 300 người tham gia được yêu cầu đọc một bài báo về đầu tư cho người mới bắt đầu trước khi được chỉ định chia sẻ trên trang cá nhân Facebook của họ hay không.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu cho họ lập một kế hoạch nghỉ hưu. Sau khi được tư vấn về các khoảng đầu tư cá nhân, họ được yêu cầu chi 10.000 USD vào cổ phiếu và/hoặc trái phiếu.

Những người đã chia sẻ bài báo trên đã chọn đầu tư có rủi ro lớn hơn. Điều này cho thấy việc chia sẻ thông tin không chỉ ảnh hưởng đến kiến thức chủ quan mà còn cả cách một người hành động.

Tiến sĩ Dam Hee Kim, trợ lý giáo sư truyền thông tại Đại học Arizona, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận xét việc chấp nhận rủi ro trong hoạt động tài chính gia tăng do nhiều người nghĩ rằng họ có hiểu biết sau khi chia sẻ tin tức, nhưng sự thực là họ không hiểu.

Tiến sĩ Kim cho biết thêm: "Cuối cùng, các khoản đầu tư rủi ro hơn có thể gây hại nhiều hơn cho những người đã chia sẻ tin tức".

Bên cạnh đó, chia sẻ với bạn bè cũng cho thấy sự gia tăng kiến thức chủ quan so với việc chia sẻ với người lạ. Và thú vị là khi những người tham gia khảo sát bị ép phải chia sẻ thì không có sự gia tăng về kiến thức chủ quan.

Chia sẻ khiến người dùng mạng xã hội cảm thấy bản thân thông minh

Phương tiện truyền thông xã hội là một công cụ mạnh mẽ để làm cho mọi người cảm thấy hiểu biết hơn và có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tâm thần của mọi người. Tiến sĩ Ward nhận xét "Việc cảm thấy bản thân thông minh có thể nâng cao lòng tự trọng".

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chia sẻ tin tức có thể dẫn đến một xã hội học hỏi và tham gia chính trị, khuyến khích mọi người đóng vai trò tích cực hơn trong cộng đồng của họ.

Tiến sĩ Kim đồng ý lợi ích của việc chia sẻ tin tức trên mạng xã hội. Tiến sĩ giải thích rằng những người chia sẻ cảm thấy họ có được "quyền lực" của tri thức, hoặc thậm chí là cảm giác của những người đứng đầu.

"Theo một cách nào đó, những người chia sẻ tin tức đang học hỏi để trở thành những thành viên tích cực tốt của cộng đồng", Tiến sĩ Kim bày tỏ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Ward cũng cảnh báo về những hậu quả tiêu cực của việc chia sẻ tin tức này.

Nhận thức về kiến thức cá nhân bị thổi phồng có thể dẫn đến xung đột giữa các cá nhân. Nếu những người có quan điểm khác nhau về một vấn đề gây tranh cãi nào đó đều rất tin tưởng vào kiến thức của mình, nhưng lại thiếu hiểu biết sâu sắc về các vấn đề, thì việc tìm ra điểm chung, hòa hợp quan điểm sẽ còn khó khăn hơn.

Tin giả

Theo Tiến sĩ Kim, vấn đề đáng lo ngại của hành động chia sẻ các bài báo khi chưa đọc là có thể lan truyền tin tức giả mạo và thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm trong cộng đồng.

Nhất quán với quan điểm này, Tiến sĩ Ward giải thích: "Nếu mọi người không đọc những gì họ chia sẻ, họ nhiều khả năng sẽ chia sẻ tin tức giả mà không hề nhận ra".

Giáo sư Broniarczyk đồng ý: "Nếu mọi người cảm thấy hiểu biết hơn về một chủ đề, họ cũng cảm thấy có thể không cần đọc hoặc tìm hiểu thêm thông tin về chủ đề đó".

Giải pháp

Tiến sĩ Ward vạch ra bước tiếp theo cho công việc này là hiểu được "ngoài các quyết định tài chính, những hành vi nào khác có thể bị ảnh hưởng bởi việc chia sẻ và ảnh hưởng như thế nào?".

Ông tiếp tục lưu ý, quan trọng là phải hiểu cách chống lại xu hướng chia sẻ mà không đọc và hạn chế cảm giác lầm tưởng kiến thức đi kèm với hành vi này.

Cuối cùng, theo Tiến sĩ Ward, thổi phồng sự hiểu biết của bản thân có thể gây ra những hậu quả tệ hại không chỉ đối với hành vi cá nhân mà còn đối với khả năng giao tiếp với người khác và hoạt động xã hội.

Theo www.medicalnewstoday.com