Mang quà “độc” ra Trường Sa

Đến với Trường Sa và nhà giàn DK1, nhiều thành viên Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2014 đã có dịp trổ tài và trao những món quà ý nghĩa tới cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

Vẽ chân dung chiến sĩ

 

Trong hành trình, Trần Văn Thược (SV năm 3 chuyên ngành Điêu khắc ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) đã tặng cán bộ chiến sĩ Trường Sa bức tượng Âm vang Điện Biên – Hào khí Trường Sa được làm từ một phần đất Đồi A1 Điện Biên Phủ.

 

Đại diện cho nhóm tác giả sinh viên, trưởng nhóm Trần Văn Thược gửi tới các cán bộ chiến sĩ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và tình cảm dành cho những người lính đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

 

Tại những điểm đảo đến thăm, Thược còn có cách thể hiện tình cảm riêng dành cho các cán bộ chiến sĩ nơi hải đảo, đó là ký họa chân dung. Thược nói: “Hành trình là cơ hội để mình hiểu hơn và có những trải nghiệm về biển đảo. Mỗi người có nhiều cách thể hiện tình yêu biển đảo khác nhau, người học mỹ thuật như mình muốn truyền đạt qua những đường nét, khối hình”.
 
Trần Văn Thược ký họa chân dung chiến sỹ
Trần Văn Thược ký họa chân dung chiến sỹ

 

Cậu chọn ký họa chân dung vì nhanh gọn, có thể thực hiện tại hiện trường, phù hợp với thời gian hoạt động của Hành trình. “Một bức ký họa mất từ 20 đến 30 phút. Khó của ký họa là người vẽ cần nhanh nhạy bắt được thần thái khuôn mặt, nhất là đôi mắt của nhân vật”. Với cây bút chì, tệp giấy vẽ, Thược lặng lẽ tìm những góc riêng, chuyện trò với chiến sĩ và chăm chú vẽ.

 

Góc sáng tác của nam sinh viên mỹ thuật này có lúc dưới tán bàng vuông xanh như vẽ chiến sĩ Nguyễn Văn Dũng trên đảo Sơn Ca; Có khi bên hiên nhà cho chiến sĩ Trịnh Văn Đức trên Sinh Tồn Đông… Nhiều bức được Thược vẽ khi mọi người vây xung quanh.

 

Là một trong số những “người mẫu” của Thược, chiến sĩ Trịnh Văn Đức chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình được vẽ chân dung nên cảm thấy vừa vui, vừa hồi hộp. Đây sẽ là một trong những món quà, kỷ niệm ấn tượng từ đất liền thân thương đối với mình”.

 

Trong 10 ngày hành trình, Trần Văn Thược đã vẽ được gần 80 bức chân dung và tặng luôn cho cán bộ chiến sĩ; Thược chỉ mang theo về đất liền một số bản ký họa về khung cảnh, cuộc sống trên đảo. Không chỉ trổ tài vẽ chân dung, trên tàu Hành trình Tuổi trẻ vì quê hương, Trần Văn Thược còn góp phần thể hiện, trang trí trang báo tường của Trung đội mình…

 

Tại buổi tổng kết Hành trình trên tàu HQ 571, Trần Văn Thược vinh dự nhận bằng khen là một trong những cá nhân có hoạt động tích cực và xuất sắc trong chuyến thăm và làm việc của Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2014.

 
Nguyễn Thị Dẹn (giữa) trong chương trình giao lưu.
Nguyễn Thị Dẹn (giữa) trong chương trình giao lưu.
 

Đờn ca tài tử và những điệu múa ngẫu hứng

 

Trong những tiết mục văn nghệ giao lưu trên tàu Hành trình và tại nhiều đảo, Nguyễn Thị Dẹn (SN 1986, Tỉnh Đoàn Bạc Liêu) mang đến nét văn hóa đờn ca tài tử của miền Tây sông nước.

 

Nguyễn Thị Dẹn chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều biết đờn ca tài tử, mình được học hỏi rất nhiều. Khi biết được cơ quan cử đi, mình đã rất vui và tích cực tập luyện để có thể giao lưu văn nghệ với các thành viên và hát tặng các chiến sĩ. Trước khi đi ngủ, mình thường hát nhẩm để thuộc trọn lời nhiều bài hát”.

 

Bằng chất giọng ngọt ngào, chị Dẹn đã thể hiện những sáng tác nổi tiếng như Dạ cổ hoài lang, Lá trầu xanh…; Hát những ca từ được thành viên khác sáng tác trên tàu Hành trình như: “Em đến với anh trên chuyến tàu 571/ Cuộc hành trình vì biển đảo quê hương/ Trường Sa ơi đã bao lần nhớ thương/ Hoàng Sa đó vấn vương người con đất Việt/ Từ Hậu Giang, đất phù sa đồng bằng châu thổ, tôi theo đoàn hành trình tuổi trẻ đem đến với anh tình yêu trìu mến người lính đảo oai hùng… Ơi đất đảo hiên ngang bất khuất kiên cường/ Anh ở Trường Sa ngày đêm canh giữ biển trời quê hương"…

 

Trên nhà giàn DK1/8 giữa mênh mông biển trời vào ngày mưa giông, câu hát Lá trầu xanh của chị Dẹn thêm ấm lòng chiến sỹ nhà giàn: Thương nhau cau bổ làm đôi mảnh/ Một lá trầu xanh thắm nở duyên/ Cứ mỗi chiều về tan buổi chợ/ em còn hoài vọng tiếng người thương…

 

Nguyễn Thị Dẹn tâm sự: “Được lên nhà giàn chứng kiến, sẻ chia những khó khăn, thiếu thốn tình cảm của cán bộ chiến sĩ giữa biển khơi, lại trong khoảng thời gian ngắn vì thời tiết xấu, mình càng cảm phục hơn ý chí, nghị lực của các anh”.

 

Chị cũng bảo: Đối với chị, may mắn là được cán bộ chiến sĩ đón nhận dành tặng những tràng pháo tay, nụ cười tươi rói và vỏ ốc càng, nhành hoa hồng làm bằng ốc…

 

Góp phần trong những chương trình giao lưu của Hành trình còn có những diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc. Diễn viên múa Ngô Kim Huế (SN 1993) chia sẻ: “Vì điều kiện thời gian tham gia biểu diễn, các thành viên trong nhóm múa có một tuần để chuẩn bị và luyện tập được 6 bài múa”.

 

Các bài múa thể hiện tuổi trẻ và tình yêu nước như Duyên dáng Việt Nam, Tổ quốc nhìn từ biển, Tổ quốc gọi tên mình; Hay mang đậm những nét văn hóa bản sắc dân tộc Những cô gái Khơ mú, Múa Thái… đã được gửi tới cán bộ chiến sĩ tại Trường Sa.

 

Thêm nữa, nhiều tiết mục biểu diễn của các thành viên Hành trình và cán bộ chiến sĩ trên đảo, các diễn viên đội múa cũng ứng tác phụ họa, như: Tiết mục độc tấu sáo trúc của Thượng úy Đỗ Đức Nam (đảo Sơn Ca) bài Về quê; Tiết mục song ca Tình ta biển bạc đồng xanh trên đảo Sinh Tồn Đông…

 

Những bức ký họa chân dung, tiếng hát, điệu múa… cùng những sẻ chia từ tình cảm chân thành, các thành viên trên chuyến tàu thanh niên đã góp phần quyện chặt tình yêu giữa đất liền và Trường Sa. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…

 

Theo Mai Xuân Tùng

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm