Mai Khanh - Hoa khôi ghét… giày cao gót

(Dân trí) - Cao 1m73. Nguyễn Mai Khanh mới chân ướt chân ráo vào trường Y đã được mệnh danh là cô gái cao nhất trường. Đến lớp Y1b hỏi cô thì bạn bè đều ồ lên: “Tân hoa khôi hả…”

“Sợ nhất phải đi giày cao gót”

 

Cấp III là lớp trưởng, cầm đầu một đội quân hơn 40 tên bất trị với biết bao trò đùa tinh quái không chịu thua ma thua quỷ. Chẳng thế mà hôm thi “Duyên dáng nữ sinh Y khoa”, chính đội quân này làm náo loạn cả hội trường khi cổ vũ nhiệt tình cho “thủ lĩnh” đang dự thi.

 

Thủ lĩnh vừa mới thướt tha với điệu múa “Phút yêu đầu” đã quay ra “Tao cám ơn chúng mày nhiều lắm” ngay trên sân khấu. Khán giả và Ban giám khảo... choáng! Nhưng chính cô gái cao kều tự tin trong chiếc áo blouse trắng và thông minh trong câu hỏi ứng xử đã thuyết phục Ban giám khảo.

 

Nhớ lại mấy ngày luyện tập cho cuộc thi, Khanh lắc đầu lè lưỡi: “Sợ nhất là suốt 4 ngày phải đi giày cao gót, sưng hết cả chân”. Trong mắt bạn bè, hình ảnh Khanh lúc nào cũng là quần jean, giày thể thao, chạy… và chạy. “Là hoa khôi nhưng mình vẫn là mình thôi”. Đó cũng chính là điều bạn bè quý nhất ở Khanh.

 

Trên lớp Khanh hay “cặp kè” với cô bạn dễ thương Vương Hoàng Mai. Điều bất ngờ là “đôi bạn cùng tiến” này lại rủ nhau đi thi nữ sinh thanh lịch. Nói về Khanh, Mai tâm sự: “Khanh hoàn toàn xứng đáng. Từ khi đăng kí mình đã tin là danh hiệu này sẽ thuộc về Khanh mà.” Nhưng Khanh lại khiêm tốn ngay trong câu trả lời ứng xử của cô: “Các bạn sinh viên Y khoa đều rất duyên dáng.”

 

Trưởng thành nhờ 3 người phụ nữ

 

Ở trường thuộc tốp “nhất quỷ nhì ma”, nhưng về nhà lúc nào Khanh cũng là đứa cháu ngoan của bà và dì. Nhìn Khanh lúc nào cũng tươi cười, hồ hởi, dễ gần, ít ai biết Khanh có hoàn cảnh gia đình khá éo le. Bố mẹ chia tay khi cô bé Mai Khanh chưa vào cấp III. Từ đó mẹ sang Đức, 5 năm chưa một lần về nước. “Nhưng lúc nào mình cũng thấy mẹ như đang ở gần bên vì mẹ rất quan tâm đến mình”.

 

Mẹ đi rồi. Căn nhà nhỏ ở phố Phúc Tân giờ chỉ còn hai bà cháu. Bà bảo: “Nó khổ từ bé. Bà có bù đắp bao nhiêu cũng không lấp được khoảng trống vắng mẹ”. Vì thế đối với bà và dì, Khanh vừa là cháu, vừa là con, lại có khi giống như những người bạn.

 

Dì Khanh vẫn qua lại thường xuyên cho nhà đỡ neo người. Dì để Khanh độc lập trong suy nghĩ và tự lập trong cuộc sống. Thế nên giờ mới có Mai Khanh chững chạc và tự tin trong chiếc áo blouse trắng cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

 

Căn nhà nhỏ tối tối vẫn đầy ắp tiếng cười. Một già, một trẻ, một trung niên có khi kể những chuyện trên trời dưới bể, có khi tâm sự thủ thỉ hoặc những bài học làm người thấm thía cho “cô bé út”. Bà vẫn thường hay bảo: “Mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Những bài học như thế theo Khanh suốt từ những ngày thơ ấu.

 

Không khí gia đình thoải mái và đầm ấm chính là lí do khiến Khanh lúc nào cũng vui tươi. “Mỗi khi gặp chuyện gì không vui, chỉ cần về đến nhà là có thể vứt hết để cười”.

 

Học Y, mê… ngoại thương

 

Ít ai nghĩ một cô gái học khối A, thích ngoại thương nhưng lại quyết tâm “dùi mài kính sử” thi Y khoa. Khanh nói là thi chơi thôi nhưng bạn bè chẳng thấy chơi chút nào khi cô đậu ngay vào trường đại học hàng đầu của khối ngành này.

 

Hỏi Khanh sao lại thế, cô tâm sự: “Đó là ý nguyện của gia đình em, những người em tin tưởng và yêu quý nhất”. Chính sự quan tâm của người mẹ nơi đất khách quê người là động lực giúp cô cố gắng.

 

Vào học rồi, Khanh vẫn không từ bỏ ước mơ của mình. “Chiếc bằng Y khoa có lẽ sẽ được phát triển theo ngành mà em thích. Nhưng dù sau này làm gì thì bây giờ vẫn phải học tốt”.

 

Không biết sau này sẽ gặp lại Khanh trong chiếc áo blouse trắng hay một nhà kinh tế, nhưng hiện thời cô đang bước những bước đầu tiên rất tự tin trên giảng đường đại học.

 

Nguyên Hạnh