Mặc “mốt” và có “gu” - xu hướng mới của tuổi teen Việt
Cuộc khảo sát người tiêu dùng trẻ ở Việt Nam từ 16 - 24 tuổi của ACNielsen cho thấy họ rất coi trọng các nhãn hiệu quần áo và các đồ dùng khác. Biệt danh là “Saigon Cool”, họ ăn mặc rất mốt, thích hàng hiệu và thích đánh bạn với người đồng “gu”.
Không nơi nào thị trường thời trang lại phát triển rầm rộ như ở TPHCM. Các kiểu mẫu, xu hướng thời trang mới nhất được cập nhật liên tục với tốc độ chóng mặt. Và giới trẻ thành phố là những người rất nhanh nhạy trong lĩnh vực này.
Đồ hiệu hạng 2
Gần đây, tuổi teen Sài Gòn say sưa với những hàng hiệu "made in Vietnam" đổ bộ trong hàng loạt shop thời trang lớn nhỏ, ngoài phố, trong hẻm. Chẳng cần đi đâu xa, những nhãn hiệu quen thuộc của thời trang quốc tế như Gap, Old Navy, Guess, Holister, Tommy, Banana Republic, Adidas, Nike, Abercrombie… hiện diện ngay giữa lòng Sài Gòn.
Nhưng chúng chỉ được xếp hạng 2 bởi đó là những sản phẩm của các hãng nổi tiếng, đặt gia công ở những nước đang phát triển như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan… và mắc lỗi kỹ thuật nên bị "gác" lại, hoặc là hàng thanh lý của các công ty may xuất khẩu trong nước.
Vì có xuất xứ đặc biệt nên dòng thời trang này có nhiều mẫu mã độc đáo, có "phom" đẹp và "xì-tai" riêng biệt, chất liệu tốt. Những lỗi bé tí ti về đường may, khuy áo, thiếu size… không thành vấn đề đối với dân teen ít tiền nhưng thích xài hàng hiệu.
Shop Ngọc Sương, ABE đường Lê Văn Sỹ, Piggy-Nguyễn Thiện Thuật, Anh Khôi-Cao Thắng, N&H-Hai Bà Trưng… là những địa chỉ được dân teen lui tới thường xuyên. Mức giá 35.000 - 80.000đ/áo, 50.000-150.000đ/váy, đầm, 70.000-180.000đ/quần… quả là hấp dẫn.
Nhưng "đó là giá trong các shop, vẫn còn cao, có chỗ mua hàng hiệu còn rẻ hơn nhiều", Tuyết Ngọc - học lớp 11 trường Lê Quý Đôn hào hứng nói. Chỗ cô muốn nói là một cửa tiệm trong con hẻm đường Vườn Chuối, Q.3. Không bảng hiệu, nhưng quần áo thì nhiều loá cả mắt, người mua tha hồ xục xạo tìm kiếm, giá lại rẻ hơn so với hàng trong shop từ 10.000- 30.000đ.
Muốn xài hàng hiệu giá bèo phải chịu khó đi tìm, rồi canh me lúc hàng mới về để "vớt". Chỉ cần khoảng 200.000đ là bạn đã có bộ quần áo mới, thậm chí chỉ mất một nửa số tiền đó cũng đã đủ để "rinh" về một sản phẩm theo ý thích. Ngoài các shop rải rác, dân săn hàng cũng có thể đến những khu chuyên như Saigon Square, Intershop, lầu 3 thương xá Tax, trục đường Nguyễn Văn Thủ…
Nhanh nhạy với thị trường, Thu Giao tranh thủ "đánh hàng" ra Hà Nội, tất nhiên mức giá cũng "đội" lên gấp hai, ba lần. "Thế mà ngoài ấy hàng bán chạy lắm," Giao nheo mắt bật mí.
Không chỉ có quần áo, các phụ liệu đi kèm như giày, dép, túi xách cũng là đồ hiệu hạng 2. Muốn biết một đôi giày có phải hàng hiệu xịn hay không, hãy nhìn vào đường may, "phom" giày, chất liệu và phần đế có ghi series hàng, size giày và ký hiệu các khu vực: US, UK, Asia sẽ biết ngay. Tìm phụ liệu loại này, hãy đến Lê Thánh Tôn- Nguyễn Trung Trực, Lý Chính Thắng, Nguyễn Đình Chiểu - CMT8.
Thoả cơn khát thời trang
Một chiều dạo phố, Nghĩa - một Việt kiều ở Mỹ về thăm Việt Nam tròn mắt ngạc nhiên: "mới thấy tụi teen bên đó mặc cái quần jean ống lật, xé rách hiệu Abercrombie theo kiểu của Lindsay Lohan. Qua đây đã gặp con gái Sài Gòn mặc cái y chang".
Quả thật, với sự trợ giúp của các phương tiện internet và hàng không hiện đại, khoảng cách giữa thời trang quốc tế và Việt Nam, đặc biệt là TPHCM hầu như không quá cách biệt. Tại các dịch vụ internet, hình ảnh những bạn trẻ lướt web truy cập vào những địa chỉ thời trang một cách thành thạo không phải là hiếm hoi. Họ thường chọn những trang web thời trang và download về ngắm nghía, bình luận.
Như Thảo - SV Đại học KHXH& NV mách nhỏ: "Chị thử chọn www.abercrombie, sau khi chọn 1 item yêu thích, sản phẩm hiện ra và sẽ thấy cái mục ghi là changing room. Vào đấy có thể thoải mái kết hợp quần áo sao cho vừa ý. Nhiều hãng thời trang khác cũng có changing room, nếu không thì là recommendation".
Một cái USB nhỏ gọn có thể tha hồ chứa những ngân hàng hình ảnh thời trang. Nếu cần, họ in ra, đi chọn vải tương tự và đem đến các tiệm may nổi tiếng, thế là có ngay một bộ quần áo đúng mốt. Còn nếu rủng rỉnh "xiền", xin mời ra phố thời trang cao cấp Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi, Đồng Khởi Q.1 hoặc Diamond Plaza, thậm chí mua hàng ngay trên mạng hoặc nhờ người quen ở nước ngoài mua giúp.
Việc các bạn trẻ chủ động tiếp cận thông tin thế giới đã rất phổ biến. Họ mua và đọc các tạp chí thời trang nước ngoài như Vogue, Instyle, HerWorld, Marie Claire… ngày càng nhiều và ứng dụng nhanh, sáng tạo. Hiện teen Sài Gòn đang chuộng mốt áo váy 2 trong 1, đeo kính gọng nhựa bản to màu trắng, đi dép "xuồng" và giày dây bằng satin. Nếu đối ứng với những kiểu mẫu quốc tế sẽ thấy không khác biệt mấy.
Nhiều nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Levi's, Mango, United Color of Benetton, S& K… mới xuất hiện trên thị trường TPHCM với những bộ sưu tập có mặt gần như đồng thời với các thị trường khác cũng đã góp phần làm dịu "cơn khát" của giới trẻ sành điệu.
Xem ra thế giới rộng lớn đang ngày càng thu nhỏ!
Theo Hiền Lê
Sài Gòn Tiếp Thị