Lương Ngọc Trâm: “Chất Ams” là “thương hiệu” của bọn tớ

(Dân trí) - Mới đây trường THCS Amsterdam tung ra một Đội cổ vũ cực “oách” cho thể thao trường mình. Để biết thêm “thông tin chi tiết”, cô nàng đội trưởng dễ thương và mê “diễn thuyết” Lương Ngọc Trâm đã bật mí...

Bề dày nhiều năm kinh nghiệm, những thành tích học tập và vui chơi của Ams là không thể chối bỏ. “Tái xuất giang hồ” bằng một Đội cổ vũ hùng hậu và “bán chuyên nghiệp”, teen Ams hoàn toàn có thể tự hào rằng đây là hoạt động vô cùng thú vị và hấp dẫn. Với vai trò là Đội trưởng năm thứ hai, Trâm rất nhiều bất ngờ, vui tính nhưng trách nhiệm cực kì.

Chào Trâm! “Nghe lỏm” được các bạn có đội cổ vũ (cheer team) hay lắm, Trâm hãy “phác thảo” vài nét về đội mình?

Trường Ams có một đội bóng rổ hết sức “hùng mạnh”, vì thế sao không có một đội cổ vũ nào như ở nước ngoài để “tiếp sức” cho các tuyển thủ nhỉ? Chính từ câu hỏi ấy, Đội cổ vũ của Ams (cheer team) đã được “ra đời” từ năm 2006 xuất phát từ ý tưởng của chị Trần Huyền Sương (lớp 10 Anh 2). Mục đích chính của cheer là để phục vụ cho các hoạt động thể thao giải trí của trường cũng như tham gia các cuộc thi, chào mừng hay ngày lễ...

Lương Ngọc Trâm: “Chất Ams” là “thương hiệu” của bọn tớ - 1

Nghe thật thú vị, thời kì đầu, các bạn có gặp nhiều khó khăn không?

Mình được nghe kể rất nhiều về khó khăn của năm thứ nhất (thế hệ mình là năm thứ hai mà). Hồi đó, các “đàn chị” chưa có đồng phục chính thức, chưa có phòng tập riêng, phải tập tại một góc sân của trường. Các chị ấy còn phải tự gây dựng quỹ đội để duy trì hoạt động cổ vũ từ tiền tiết kiệm, tiền lương đi làm thêm... Rồi đến những ý kiến trái ngược về mục đích thành lập đội như các bạn sẽ cổ vũ cho ai, cổ vũ cái gì, hay bạn sẽ làm gì để xin được giấy phép, duy trì đội và thuê thầy về dạy.
 
Cũng may năm đó cheer team có anh Thanh, đội trưởng của nhóm nhảy hiphop C.O. Anh Thanh đã giúp đỡ, dạy bảo cho Cheer rất nhiều. Kĩ thuật lạ lẫm nên ai cũng như “ngố tàu”. Chưa kể đến những hôm tập dựng tháp, khi mà điều kiện vật chất chưa có phải trồng tháp cao hơn 2 mét mà ở dưới không có lấy một tấm nệm! Chắc các bạn cũng hiểu nếu ngã thì sẽ như thế nào đấy. (cười)

Lương Ngọc Trâm: “Chất Ams” là “thương hiệu” của bọn tớ - 2

Mời thầy dạy vốn là thành viên của một nhóm nhảy hiphop, Cheer không thấy có sự mâu thuẫn sao ?

Không hề đâu, chỉ lúc đầu đầu thôi! Ngày đó, khi mời anh Thanh về, mọi người vẫn đùa nhau rằng cheerteam như một đội hiphop... “nửa mùa”. Mình không phủ nhận, dù sao “cheer” cũng là một hoạt động khá mới mẻ ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Lúc đó, ít người biết “cheer” là gì và cũng không ai được đi học để về dạy nên khó khăn về kĩ thuật là không tránh khỏi. Nhưng anh Thanh ham học hỏi lắm, anh ấy đi kiếm thông tin ở khắp nơi, trên mạng, trên tivi, trong... phim để luyện tập và về dạy lại cho đội. Cũng thật may là chúng mình đã có một thầy giáo như như anh Thanh.

Lương Ngọc Trâm: “Chất Ams” là “thương hiệu” của bọn tớ - 3

Vậy ở năm thứ 2, chắc hẳn các bạn “pro” hơn rồi?

Tất nhiên, “đàn em” mà. Ở năm thứ 2, đội đã bắt đầu có sự tài trợ cũng như nhận được sự ủng hộ từ nhà trường. Song luôn có ý kiến hai chiều về vấn đề này và chúng mình cũng đã cố gắng hết sức để làm hài lòng tất cả các bạn. Đội đã có đồng phục rất đẹp, được cấp giấy phép. Nhất là đội xin được tài trợ của một công ty luật và có phòng tập với dụng cụ riêng đàng hoàng. Dĩ nhiên lần này không thể thiếu nệm đâu nhé!

Thời điểm này, anh Thanh bận việc phải vào Nam cùng nhóm C.O. Vì thế anh ý “chuyển nhượng” chúng mình cho anh Hải. Anh Hải lúc đầu có vẻ ngoài lạnh lùng nhưng sau đó thấy anh ý hiền khô mà rất hòa đồng. Buổi đầu tiên, vừa giới thiệu xong, anh bắt chúng mình lấy giấy bút ra ngay để ghi chép lý thuyết. Thực sự là ai cũng “choáng” vì chưa bao giờ biết lý thuyết về cổ vũ là gì cả. Nhưng mình cũng vui vì “thầy” Hải là một con người rất nghiêm túc và tâm huyết, như thế Cheer sẽ có cơ hội được nâng cao “tay nghề” lên rất nhiều.

Các bạn đã tuyển chọn và sắp xếp thành viên ra sao ?

Điều đó dựa trên khả năng của họ. Chúng mình sẽ “xét” xem bạn có dẻo dai hay không, bằng cách thực hiện các động tác mẫu, nhào lộn, hô khẩu hiệu. Tính cách của bạn đó cũng là một yếu tố quan trọng, vì chúng mình không muốn mọi người hiểu sai về Đội cổ vũ như một lũ con gái đua đòi chỉ biết nhảy nhót. Điều đó thực sự rất quan trọng.

Khi đã có thành viên rồi, chúng mình bắt đầu chia ra theo khả năng từng bạn. Ví dụ như những bạn khỏe thì sẽ được xếp làm “móng” tháp, những bạn nhẹ sẽ được xếp làm “thân” tháp. Những bạn nhảy tốt thì xếp lên đầu, những bạn nhảy chưa thuần thục thì sẽ xếp xuống dưới... Tất cả chỉ để khẳng định rằng bất kì ai trong cheerteam cũng là một phần quan trọng và để thành công thì không thể thiếu một ai.

Lương Ngọc Trâm: “Chất Ams” là “thương hiệu” của bọn tớ - 4

Hiện tại trường bạn có những hoạt động thể thao nào?

Đầu tiên phải nói đến bóng rổ này, tiếp đó là bóng đá, khiêu vũ thể thao. Ngoài ra còn có đội nhảy hiphop... Thực chất “cổ vũ” cũng được coi là một môn thể thao, có điều nó không chỉ đòi hỏi bạn phải vận động mà còn đòi hỏi trái tim của bạn nữa.

Đòi hỏi cả “trái tim” ?
Khi đã thành viên của một đội cổ vũ, trách nhiệm lớn nhất của bạn là phải khuấy động được đám đông. Không những thế còn phải truyền được cảm hứng cho môn thi đấu mà mình cổ vũ... quan trọng lắm chứ vì hoạt động này khích lệ tinh thần thể thao mà, cũng như làm sao để thể hiện được cái “chất Ams” trong mỗi học sinh vậy.

Lương Ngọc Trâm: “Chất Ams” là “thương hiệu” của bọn tớ - 5

“Chất Ams”? Lại một” từ mới” nữa?

(Cười) “chất Ams” (trường Amsterdam) là một cái gì đó toát ra từ phong cách của mỗi học sinh trường Ams. Nó là một yếu tố được hình thành khi bạn được học trong chính ngôi trường này. Đó như là... được tích lũy từ thầy cô, các anh chị khóa trước, từ bạn bè…những người mà có vô số “tài lẻ”. Tức là ai cũng có một cái tài năng riêng biệt nào đấy, tự tin, phong cách “khác biệt”.

Trong một nhóm có rất nhiều bạn gái như thế, mà con gái là “chúa rắc rối”. Vậy với cương vị đội trưởng, Trâm giải quyết ra sao?

Con gái thì lắm tật xấu lắm! Tớ cũng thế chứ không riêng gì các bạn ấy đâu, đôi khi còn giờ cao su, lơ là, “hóng hớt”. Nói chung là con gái thì ai cũng gặp phải những vấn đề bao gồm cả tính trẻ con, mâu thuẫn, bất đồng. Để giải quyết, Cheerteam có một ngày họp chung, bầu phiếu kín về người “có vấn đề” nhất trong nhóm.

Nếu bạn thực sự muốn tập bạn hãy sống sao cho hòa đồng với tập thể, bằng không bạn có thể nghỉ tập để giải quyết vấn đề của bạn. Nhưng các thành viên của Đội cổ vũ dù “quậy” nhưng rất hăng hái, nhiệt tình và đoàn kết. Cho đến bây giờ vẫn chưa xảy ra một vụ việc bất đồng nào cả.

Lương Ngọc Trâm: “Chất Ams” là “thương hiệu” của bọn tớ - 6

Vậy đội trưởng đã có dự định gì cho tương lai của cheerteam chưa?

Chúng mình sẽ cố gắng nâng cao kĩ thuật để có thể làm được những động tác khó hơn. Mình sẽ đi tìm thêm nguồn tài trợ. Điều đặc biệt ở trường mình đó là không hoạt động nào lấy quỹ của nhà trường, chính điều đó làm cho học sinh Ams rất năng động, luôn tìm tòi nhiều cách để đạt đến mục tiêu và không chịu thua!

Ngoài ra mình mong đội sẽ có cơ hội được đi biểu diễn ở nhiều nơi, kéo theo nhiều hoạt động xã hội như thăm trại trẻ môi côi, làng trẻ S.O.S để mọi người biết nhiều hơn về đội. Và quan trọng nhất là để quảng bá hình ảnh học sinh Ams, những bạn học sinh hết sức năng động và cuồng nhiết đó các bạn!

Cám ơn Trâm! Chúc Trâm cùng Đội cổ vũ sẽ luôn “giữ” và “thổi” lửa vào mọi chương trình các bạn tham gia!

Bài: Đoàn Linh
Ảnh: Cheerteam