“Lớn lên” từ những chuyến đi
(Dân trí) - Trong đời sinh viên của mỗi người đều trải qua ít nhất một lần đi thực tế. Tuỳ tính chất ngành học, nghề học, trường và khoa sẽ bố trí, sắp xếp kế hoạch đi thực tế phù hợp nhất cho từng nhóm sinh viên…
Đối mặt với thực tế
Mai Trang - năm 3 khoa Đông phương học - ĐH KHXH&NV Hà Nội có hẳn hai tuần đi thực tế mà sinh viên các khoa khác chỉ có… mơ, là chu du tận Thái Lan. Ba năm học chay trên giảng đường, chỉ có lý thuyết suông, những con chữ, hình ảnh trên giấy. Giờ tận mắt chứng kiến hiện thực, ai cũng ngạc nhiên, ngỡ ngàng vì nó không như mình tưởng tượng.
Trang là một trong những sinh viên chuyên ngành Đông Nam Á, trong đó tiếng Thái Lan được nhiều sinh viên trong khoa theo học. Đó cũng là lý do Khoa Đông phương học chọn Thái Lan là điểm đến trong suốt thời gian du ngoạn này.
Quan điểm mà Khoa Đông phương học đưa ra trước khi lên đường là đi học ngôn ngữ Thái - một nhiệm vụ khó khăn, sau đó là giao lưu, tham quan một số địa danh. Việc cuối cùng không kém phần quan trọng là viết báo cáo tổng kết.
Ngày thứ hai sau khi đặt chân tới Thái Lan, Mai Trang cùng các bạn của mình giao lưu với những sinh viên theo học tiếng Việt tại ĐH Chulabong Korn - trường ĐH nổi tiếng của Thái Lan, đi tham quan trung tâm nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của ĐH Mahidol, nghe giảng về văn hoá Thái Lan, thăm bảo tàng Sapong ở tỉnh NaKhonPathom...
Bên cạnh những hoạt động bổ ích phục vụ cho chuyến thực tế, các bạn còn được tham quan một số danh lam thắng cảnh của thủ đô Bangkok như Cố đô Ajnthaja, cung điện Bang Pa-in, chùa Phật Ngọc, cung điện Hoàng gia…
Phương - sinh viên năm thứ 3 khoa Triết học (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng vừa có chuyến thực tế 12 ngày tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Lớp Phương được “thực tế” tại xã Phong Sơn, thị trấn Phong Điền.
Nhiệm vụ thực tế xong, các thầy cô phụ trách còn hướng dẫn cả lớp đi thăm sông Hương, cầu Tràng Tiền, đặc biệt những di tích như lăng Khải Định, lăng Tự Đức, Đại Nội là những địa điểm “bắt buộc” phải đến vì theo lời thầy Danh - trưởng đoàn: “Đây là nơi lý tưởng để sinh viên tìm hiểu lịch sử Triều Nguyễn cũng như ứng dụng trong lĩnh vực tôn giáo vào việc xây dựng nhà thờ, lăng tẩm, cung đình…”
Dân kỹ thuật lại có cách thực tế khác, tuỳ khoa, tuỳ trường, có năm đi năm không. Cảnh - khoa Công trình - ĐH Xây dựng đi thực tế ngay tại Trung tâm thương mại ở Phố Huế (Hà Nội). Cả nhóm mấy chục sinh viên nhìn công trình kiến trúc đồ sộ mà xuýt xoa. Đứa cười, đứa nói rôm rả, thầy hướng dẫn nhắc nhở: “Các em để ý họ làm còn biết, sau này ra trường cũng phải những việc như họ thôi, đây không phải là dịp đi chơi rồi… ăn chè”.
Giống như các khoa khác, khoa Báo chí - ĐH Quốc gia Hà Nội hàng năm cũng tổ chức cho sinh viên năm thứ 3 đi thực tế (thực chất là đi học nghề). Năm nay điểm đến là thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai).
Lớp chia làm ba nhóm, nhóm Lan tới huyện Chưprông. Tại đây lãnh đạo huyện đón tiếp niềm nở. Ông chủ tịch huyện hân hoan, tươi cười vì lần đầu tiên có đoàn sinh viên báo chí về huyện. Buổi chiều nhóm xuống các đồn điền cao su, đi thăm nhà Rông, đến xã Ngo Iavêr. Bà con dân tộc thấy lạ lắm, cả người lớn và trẻ con cứ thế nhìn chằm chằm. Đoàn xe đi tới đâu là bọn trẻ con chạy theo tới đó một cách ngây thơ và dễ thương lạ.
Những ngày sau, cả lớp tham quan công trình thuỷ điện Ialy, thăm nơi ở của anh em công nhân nhà máy. Thú vị hơn, chúng tôi được đến Biển Hồ - đôi mắt Pleiku xinh đẹp. Ngày cuối cùng thật vui và đáng nhớ, toàn bộ lớp giao lưu với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Hội nhà báo Gia Lai, và được thưởng thức bữa tiệc liên hoan chia tay tại công viên Đồng Xanh…
Đi một ngày đàng, học một sàng… kinh nghiệm
“Có đi mới biết thiên hạ” - Mai Trang nói vậy sau khi đi Thái Lan về. Quả thực vốn tiếng Thái của Trang phong phú hơn, không những thế Trang nói lưu loát và trôi chảy hơn trước rất nhiều. Cô còn biết thêm một số phong tục, tập quán, tính cách người Thái… mà trước đây cô chỉ biết qua sách vở mà thôi.
Mai Trang tâm sự: “Mình cũng tiếc vì đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội khi đoàn giao lưu, khi tiếp xúc với người dân địa phương. Thầy giáo mình nói muốn học tốt ngoại ngữ thì hãy tranh thủ xuống đường “sống” với người dân vài giờ, kết quả sẽ khả quan hơn là ngồi trong khách sạn nhìn ra đường phố. Mình công nhận đúng thật. Giá như có dịp trở lại…”
Còn Lan, sau chuyến thực tế đáng lẽ phải cho ra những tác phẩm hay về con người, phong cảnh Tây Nguyên, nhưng… Lý do thật đơn giản, Lan nghĩ đi Tây Nguyên coi như một lần đi chơi xa, cô không hề chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết về vùng đất bazan đầy nắng và gió này. Gặp gỡ với bà con, cô trò chuyện vì tò mò là chính; giao lưu với lãnh đạo tỉnh, cô thờ ơ. Đến nhà máy thuỷ điện Ialy, cô chụp ảnh lia lịa, chụp càng nhiều càng thích. Đến Biển Hồ cũng với suy nghĩ là cho biết, đến để ngắm cảnh, thư giãn…
Bây giờ nghĩ lại tiếc nối vô cùng…
Một cô gái xứ Thanh, tốt nghiệp ĐH Vinh, tình nguyện vào tận vùng xa hẻo lánh để dạy học cho con em đồng bào dân tộc, 2-3 năm cô mới về quê một lần cũng đáng viết lắm chứ.
Những công nhân trên công trình thuỷ điện thế kỷ Ialy thật đáng khâm phục. Họ đến từ nhiều tỉnh khác nhau trong cả nước, ngày đêm thay phiên nhau trực, trông coi máy móc, theo dõi chỉ số kỷ thuật… cũng đáng viết bài ca ngợi.
Sẽ rất hay và lý thú nếu viết bài ký chân dung về cuộc đời NSƯT Minh Tâm - Trưởng đoàn ca múa nghệ thuật Đam San, một con người nhân hậu, sống nội tâm và đam mê nghệ thuật đến lạ. Cũng như phong cách thưởng thức cà phê buổi sáng của người dân phố núi. Nếu Hà Nội có phở thì Pleiku nổi tiếng với món “phở hai tô” đậm đà, khó quên…
Chuyến thực tế kết thúc, kết quả đọng lại trong Lan chỉ là đêm giao lưu đốt lửa trại, uống rượu cần và ca hát. Nếu sau này có dịp trở lại Tây Nguyên, Lan sẽ làm được nhiều điều hơn thế…
Đến hẹn lại lên. Hàng năm nhiều khoa trong các trường đại học lại tổ chức cho sinh viên đi thực tế. Kinh phí có thể là khoa hỗ trợ một phần, hoặc do sinh viên tự túc đi. Dù sao ai cũng hân hoan đón chờ dịp để được đi vì đó là vừa là cơ hội vừa là môi trường tốt cho tất cả kiểm nghiệm và áp dụng lý thuyết vào thực tế.
Thành quả thu được sau chuyến thực tế là rất lớn. Có người cảm giác trưởng thành hơn một chút, trải nghiệm hơn một chút. Đặc biệt, họ phát hiện nhiều điều thú vị từ thực tiễn mà khi ngồi trên ghế nhà trường không bao giờ có được…
Hà Lâm