“Lời nhử” gây sốc từ “sổ tay tin nhắn”

Cuốn sổ tay tin nhắn (STTN) này “dư sức” gây sốc cho teen bởi mức độ “độc hại” của nó. Nhất là ở mục “thắc mắc... biết hỏi ai” với khoảng 200 mã số cùng những lời gợi ý đầy tính tò mò.

 
“Lời nhử” gây sốc từ “sổ tay tin nhắn” - 1

Vũ Phương nhắn tin từ "gợi ý" của STTN. (ảnh: Punki)

 


Kiểu tiếp thị... mới

 

Theo lời kể của H.K (lớp 11 Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TP.HCM), khi bạn đang đứng dừng đèn đỏ ngay kênh Hiệp Tân (Q. Tân Phú) thì có một chị chạy đến phát một cuốn sổ nhỏ, trong đó ghi những bài hát để tải về làm nhạc chuông. Hí hửng cầm cuốn sổ đến lớp học thêm, K đem "khoe liền" với bạn.

 

Mấy trang đầu chỉ đơn giản là mã số những bài hát dùng để tải nhạc chuông nhưng từ trang thứ 3 trở đi thì... hỡi ôi. Những mã số với lời gợi ý "gây tò mò chết được" lần lượt hiện ra. Nào là "Làm thế nào để nàng cuồng si bạn", "Quan hệ khi nào là đến đỉnh điểm"... rồi "Để sưu tập bộ ảnh nóng bỏng, chỉ cần soạn tin ext mã số diễn viên gửi đến 8xxx". Đặc biệt ở trang cuối cùng là "Bộ sưu tập cấm" mà ở dưới có dòng chữ "cấm trẻ em dưới 18".

 

Theo điều tra của chúng tôi, không chỉ H.K mà rất nhiều teen cũng nhận được những cuốn sổ tay như vậy từ người phát tờ rơi. Bạn Tuyết Thanh (lớp 11 trường Nguyễn An Ninh, Q.10) bị người phát tờ rơi "dí" vào tay cuốn STTN khi dừng xe trên đường Ngô Gia Tự (Q.10). "Chuyện mới xảy ra tuần rồi thôi", Tuyết Thanh kể. STTN thường được phát tại các ngã ba, ngã tư. Nhưng cũng có khi, người phát tờ rơi còn "chịu khó" đến cổng trường để đưa "tận tay" học trò.

 

"Lợi hại" hơn, họ "ném" vào nhà, ai nhận được thì nhận. Và đó là cách mà STTN đến tay bạn Vũ Phương (lớp 12 trường THPT Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh). "Thấy nó cũng đẹp, mở ra xem mới... tá hoả tam tinh", Phương cho biết. Với những kiểu tiếp thị "lợi hại" này, hẳn là bất kì ai cũng có thể nhận được STTN như chơi.

 

"Sốc" nhiều tập

 

Đúng như bày tỏ của H.K, cuốn STTN này "dư sức" gây sốc cho teen bởi mức độ "độc hại" của nó. Nhất là ở mục "thắc mắc... biết hỏi ai" với khoảng 200 mã số cùng những lời gợi ý đầy tính tò mò. Điều dễ nhận thấy là có rất nhiều lời gợi ý sai chính tả tùm lum (phụ nữ viết thành phụ nử, chỗ ấy viết thành chổ ấy... ) chứng tỏ, người soạn vô cùng cẩu thả, vội vàng. Liệu như vậy thì những kiến thức mà họ đưa ra có "đáng tin cậy" không? Chúng tôi "thử" tìm câu trả lời bằng cách soạn tin nhắn có mã số là 1046 với "lời nhử" là "10 bí quyết đưa nàng vào cuộc" và thật sự "sốc" với những hướng dẫn chỉ thích hợp ở "chốn phòng the" được gửi lại từ tổng tài 85xx.

 

Điều gì xảy ra nếu những nội dung ấy được "save" lại trong điện thoại của teen? Trong cuốn sổ tay bé tí này còn nhiều "lời nhử" kinh dị khác mà chúng tôi không tiện dẫn chứng. Hoàng Hải (lớp 11CD3 trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10), người từng nhận STTN ngay trước cổng trường "thành thật" cho biết: "Tụi mình không thể không tò mò trước những gợi ý như vậy".

 

Bên cạnh chuyện tư vấn "tâm lí giới tính" vô cùng "thoáng", cuốn sổ tay này còn "nổi bật" hình ảnh các cô gái mặc đồ cực kì "nóng bỏng" từ trang đầu đến trang cuối cũng như các mã số để tải game điện thoại. Điều đáng nói, các game này đều được "gắn nhãn" bạo lực và... xxx.

 

Không chỉ sốc mà còn... bị lừa!

 

"Bữa đó, mình nhắn một tin, mất 5k (5 ngàn) nhưng chỉ nhận được một đoạn ca khúc ngắn củn. Chán!", Vũ Phương "kể khổ". Cũng soạn tin nhắn tải nhạc chuông nhưng Hoàng Hải còn "bi đát" hơn: mất tiền nhưng chỉ nhận được tin nhắn từ tổng đài: bạn sai cú pháp. "Sai thế nào được, mình soạn y chang hướng dẫn mà!", Hải đành tự an ủi mình.

 

Tuyết Thanh thì gặp một kinh nghiệm "đau thương" khác. Cũng tò mò vì những "lời nhử" trong STTN, bạn liền soạn tin gửi theo mã số gợi ý. Thay vì gửi tin nhắn trả lời trọn vẹn, tổng đài chỉ gửi một đoạn rồi bảo muốn biết thêm thì soạn tin nhắn gửi tiếp. "Đây chẳng khác nào là kiểu móc tiền khách hàng", Thanh chua chát kết luận. Như vậy, không chỉ bị "sốc" vì nội dung và hình ảnh trong STTN mà nhiều bạn còn bị lừa mà chẳng biết kêu ai.

 

Có lẽ do những nội dung nhạy cảm như thế này không được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nên nhà cung cấp tìm cách quảng cáo bằng cách thuê người đi "phát tờ rơi". Dĩ nhiên, người phát tờ rơi (thường ăn lương theo sản phẩm) nên rất sẵn sàng "gặp đâu phát đó", bất kể người nhận là ai. Và teen là một trong những đối tượng dễ dàng được nhắm đến. "Như vậy, chỉ cần điện thoại có kết nối GPRS và một thao tác nhắn tin đơn giản, các bạn đã có được những bộ ảnh, video clip nóng bỏng cùng vô số lời tư vấn chuyện tế nhị và có thể phát tán cho nhau bất cứ lúc nào", bạn H.K bức xúc.

 

Trong khi chờ đợi biện pháp xử lí từ cơ quan chức năng, có lẽ điều cần làm với teen là nên tự "bảo vệ", bằng cách nói không với STTN: không nhận, không xem và... không làm theo!

 

Theo Mực Tím