Lính trẻ phục viên quyết tâm làm giàu từ giống gà Bình Định

(Dân trí) - Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê, anh Chế Hoàng Pháp (23 tuổi), ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đã tự tìm tòi, học hỏi để nuôi giống gà Bình Định. Nhờ đó mà kinh tế gia đình được ổn định.

Vay 30 triệu đồng mua gà giống

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào tháng 8/2012, anh Pháp quay về quê tìm công việc thích hợp để ổn định kinh tế của gia đình. Thời điểm đó, anh phải hái cam mướn, rồi theo xe tải chở cam sành đi bán khắp các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thế rồi, trong một lần giao cam ở Cống Đôi (Sóc Trăng), anh Pháp đã bị cuốn hút bởi mô hình nuôi gà Bình Định nơi đây.

Sau chuyến đi đó về anh Pháp luôn ấp ủ ước muốn mang giống gà này về chăn nuôi tại gia đình, vì anh cho rằng: “Gà Bình Định mang sức đề kháng mạnh, ít dịch bệnh, tương đối dễ nuôi đặc biệt giá thành luôn ở mức ổn định”.

Sau khi xuất ngũ về quê, Pháp tìm tòi kỹ thuật nuôi gà Bình Định để phát triển kinh tế gia đình
Sau khi xuất ngũ về quê, Pháp tìm tòi kỹ thuật nuôi gà Bình Định để phát triển kinh tế gia đình

Từ những suy nghĩ trên, đầu năm 2013 anh Pháp quyết định vay ngân hàng 30 triệu đồng theo chương trình hộ trợ phát triển nông thôn. Có tiền trong tay, anh Pháp tức tốc trở lại Cống Đôi để tìm mua con giống, cũng như học hỏi kinh nghiệm. Sau khi có được vốn kiến thức nhất định, anh Pháp quay về xây dựng chuồng trại và liên hệ đặt mua 200 con gà giống với giá 17.000đ/con (gà 5 ngày tuổi).

Có được gà giống, anh Pháp mang về cần mẫn chăm sóc ngày đêm. Nhưng do là lần nuôi đầu tiên và thiếu kinh nghiệm thực tế dẫn đến việc gà không đạt chất lượng như mong đợi.

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn, anh Pháp chia sẻ: “Do lần nuôi đầu, mình thiếu kinh nghiệm, không cắt mỏ nên giữa các con trong đàn cạnh tranh nhau dẫn đến việc gà cắn mổ nhau làm rụng lông, thân gà bị nhiều sẹo. Vì thế, thương lái không thu mua, gia đình phải mang ra chợ bán lẻ, may mắn thu hồi được tiền vốn”.

Thu nhập chục triệu đồng/tháng

Khởi đầu chưa thật thuận lợi, anh Pháp không hề nản chí mà lấy đó làm động lực để thực hiện ước mơ làm giàu của mình. Dồn hết số tiền còn lại anh Pháp tiếp tục đầu tư thêm 500 gà giống. Từ những kinh nghiệm đút kết từ lứa gà trước, công với việc học hỏi thêm từ mạng internet nên sau 3 tháng chăm sóc, đàn gà được xuất bán thu lãi gần 20 triệu đồng.

Lấy đó làm nguồn vốn anh đầu tư tiếp vào gà giống, cũng như xây dựng chuồng trại kiên cố hơn. Đến nay, chuồng gà của anh Pháp cứ cách 2 tháng là xuất bán một lần. Mỗi lứa gà anh Pháp thu lãi từ 15 – 20 triệu đồng (tùy theo giá cả thị trường), giúp ổn định được cuộc sống gia đình.

Anh Pháp cho biết, việc cắt mỏ dưới của gà được xem là khâu quan trọng trong kĩ thuật chăn nuôi vì nếu không khéo sẽ khiến gà mất sức, ảnh hưởng đến thể trạng. Theo đó, khâu cắt mỏ được tiến hành định kì 3lần/lứa. Khi gà được 15 ngày tuổi cách đợt 1, sau đó cứ cách 15 ngày là cắt tiếp đợt 2 và 3.

Trại gà Bình định của Chế Hoàng Pháp ở Hậu Giang

Ngoài việc cắt mỏ thì vệ sinh chuồng trại cũng là yếu tố tiên quyết đến chất lượng của đàn gà. Theo anh Pháp, chuồng nuôi gà được chia làm 2 loại là chuồng úm và chuồng chăn thả. Đối với chuồng úm được thiết kế kính gió và treo nhiều bóng đèn nhằm giúp gà giữ ấm.

Còn đối với chuồng chăn thả thì được xây theo hướng thoát mát, có mái che và đặc biệt phải tương đối rộng rãi (ngang 4m, dài 11m cho khoảng 400 – 500 con). Cả 2 đều được sử dụng đệm lót sinh học dày khoảng 10cm (gồm trấu và men vi sinh). Gà con được nuôi dưỡng trong chuồng úm đến 1 tháng tuổi, thì chuyển sang chuồng chăn thả cho đến ngày xuất bán.

Để rút ngắn thời gian chăn nuôi, anh Pháp nuôi theo dạng “nối đuôi”. Tức là, khi lứa gà trước được 2 tháng tuổi, anh lại tiếp tục đặt gà giống về thả vào chuồng úm. Theo cách làm này, cứ cách 2 tháng là anh Pháp lại xuất bán gà thịt một lần.


Hiện nay, cách 2 tháng, Pháp xuất gà một lần và trừ hết mọi chi phí Pháp còn lời từ 15 -20 triệu đồng

Hiện nay, cách 2 tháng, Pháp xuất gà một lần và trừ hết mọi chi phí Pháp còn lời từ 15 -20 triệu đồng

Được biết với giá gà thịt hiện nay khoảng 70.000/kg thì sau 3 tháng nuôi (gà đạt trọng lượng từ 1,2 – 1,5kg/con), sau khi trừ bỏ tất cả chi phí (con giống, thức ăn) anh Pháp thu lãi khoảng 30.000đ – 50.000đ/con.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà Bình Định, anh Pháp cho biết: “Muốn nuôi gà Bình Định đạt hiểu quả cao, người nuôi cần phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, xử lý vôi để tiêu diệt mầm bệnh sau mỗi lứa gà. Theo dõi phân gà mỗi ngày nhằm nắm được tình hình của cả đàn. Tiêm phòng dịch bệnh đúng liều. Học hỏi, bổ trợ thêm kiến thức từ những hộ chăn nuôi khác từ thực tế, cũng như báo đài. Đặc biệt phải tìm con giống đúng chất lượng ở những cơ sở đáng tin cậy”.


Sắp tới để tăng thêm thu nhập, Pháp nghiên cứu cách ấp trứng để cung ứng con giống cho người dân

Sắp tới để tăng thêm thu nhập, Pháp nghiên cứu cách ấp trứng để cung ứng con giống cho người dân

Nói về hướng phát triển trong thời gian sắp tới anh Pháp phấn khởi: “Trong thời gian tới, tôi sẽ học kinh nghiệm ấp nở trứng. Để mở rộng quy mô chăn nuôi và đầu tư thêm máy ấp trứng nhằm cung ứng con giống cho bà con trong vùng. Cộng với đó, gia đình đang tận dụng nguồn phân thải sau mỗi lần thay đệm lót sinh học để trồng gừng, nhằm tăng thêm thu nhập”.

Nhận định về mô hình chăn nuôi gà Bình Định tại địa phương, ông Nguyễn Thiện Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành cho biết: “Đây là mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao, giúp người dân ổn định được cuộc sống trong thời buổi cây cam sành – cây trồng chủ lực của địa phương đang bị hư hại do dịch bệnh.

Hiện địa phương có 4 hộ đang nuôi gà Bình Định với số lượng trên 2000 con. Sắp tới, sẽ thành lập CLB chăn nuôi gà Bình Định nhằm hộ trợ người nuôi về kĩ thuật ấp nở trứng đồng thời đứng ra kí hợp đồng với công ty cung cấp thức ăn, nhằm giảm thiểu tối đa chi phí chăn nuôi cho bà con”.

Nguyễn Trần