Lên sàn xả stress

Lâu nay, sàn nhảy, vũ trường thường được coi là chốn ăn chơi thác loạn. Tuy nhiên, có khá nhiều bạn trẻ cũng lên sàn, cũng nhún nhảy, cũng hoa tay múa chân nhưng chỉ với mục đích xả stress.

Phần lớn thanh niên bây giờ ít khi tìm đến những sàn nhảy cổ điển, nơi dập dìu những bản nhạc cổ điển chachacha, rumba, valse... mà hứng thú với các loại sàn nhảy disco, techno hiện đại. Ở đó, họ tha hồ đắm mình trong những giai điệu sôi nổi, náo nhiệt được mở hết công suất từ dàn âm thanh cực kỳ hiện đại.

 

Nhờ khả năng cảm thụ âm nhạc tuyệt vời và đôi tay thao tác điêu luyện cùng các độc chiêu đầy sáng tạo như ngắt, xóa, rung, tạo vang, kéo dài, làm méo tiếng..., DJ thực hiện việc ráp các bản nhạc với nhau liền mạch một cách tài tình đồng thời cũng làm cho âm nhạc tăng thêm sức quyến rũ.

 

Tất cả các màn kỹ thuật âm thanh ấy cùng với màu sắc biến hóa kỳ diệu của đèn quét, đèn flash, martin và laser đem lại niềm hưng phấn, kích động khiến cho ai đã đến sàn đều muốn hòa nhịp nhảy múa. Những giây phút ngẫu hứng đầy mê say ấy đối với nhiều bạn trẻ đang chịu áp lực của nhịp sống hiện đại chính là liều thuốc giải tỏa tinh thần hiệu quả.

 

Do đó mà hiện nay, vũ trường trở thành một trong những điểm hẹn lý tưởng của giới trẻ để nhảy vào mỗi cuối tuần. Bỏ lại biết bao căng thẳng của một tuần làm việc, cánh cửa sàn nhảy mở rộng đưa bạn trẻ vào một thế giới đầy đam mê và háo hức.

 

Cảm giác đầu tiên của bất kỳ ai khi đến sàn nhảy là niềm phấn chấn được hòa mình trong bầu không khí hội hè rộn rịp. Bao âu lo thường nhật đang đè nặng vai bỗng như biến mất khi ngắm nhìn những nụ cười tươi tắn những ánh mắt sáng ngời, những động tác nhún nhảy khỏe khoắn của những người xung quanh. 

 

Hiện nay, cả TPHCM có khoảng 30 vũ trường và hàng trăm quán bar lớn nhỏ với mức độ sang trọng khác nhau. Tuy nhiên, sàn nhảy phù hợp với túi tiền sinh viên hay giới nhân viên công ty không nhiều, có thể kể như P.Đ., M.R. (quận 1) và một số vũ trường bình dân khác. Tại đây, giá một chai bia Heineken 70.000-100.000 đồng, một chai rượu nhỏ khoảng 500.000-1.000.000 đồng, có thể “ráng” được.

 

Thanh Nga, sinh viên năm thứ ba Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết: “Nhóm chúng tôi gồm có 5 người, sáng đi học, chiều tối làm thêm tại khách sạn Sheraton. Do khối lượng công việc quá lớn, chúng tôi không có nhiều thời gian để thư giãn bằng cách xem phim hay di dạo... vì vậy thỉnh thoảng chúng tôi góp mỗi người vài trăm ngàn rồi cùng nhau vào vũ trường để được sống hết mình trong âm nhạc”.

 

Cao Thái bức xúc: “Thời gian học tập ở nước ngoài, tôi vẫn cùng bạn bè đến vũ trường như một hình thức giải trí lành mạnh. Còn ở mình, hễ ai đi nhảy đều bị coi là ăn chơi hư hỏng. Hiện tại, tôi đang công tác tại một công ty liên doanh với mức thu nhập tương đối cao và áp lực công việc khá nặng nề, do đó việc chúng tôi chọn sàn nhảy là nơi thư giãn. Sàn nhảy không bẩn, chỉ có con người làm bẩn nó thôi?”

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng