@ lên chùa
Giống như ông bà cha mẹ mình, lớp trẻ thời nay cũng dành thời gian đầu năm để đi chùa, nhưng không chỉ để cầu may, họ còn cầu cho… sợi dây tơ hồng “vô tình” vướng phải!
Lên chùa thử vận may
Với tâm lý lên chùa thử vận may, “nếu được thì đúng là trời cho, còn không được thì là trò chơi”, rất nhiều thanh niên lên chùa với túi tiền lì xì còn rủng rỉnh sẵn lòng mua cả xấp vé số.
Tại chùa Chấn Quốc, Phủ Tây Hồ, Chùa Hà… trước cổng chùa là dãy dài những hàng bán vé số, vé cào. Cô Luân - một người bán vé số ở cổng Phủ Tây Hồ cho biết, từ đầu tháng giêng đến giờ trung bình một ngày có thể bán được khoảng 300 vé, có ngày lên tới 500 vé, mỗi vé giá 5.000 đồng.
Cô kể: “Một cậu “tóc đỏ” cưỡi a còng còn mua cả xấp 100 vé. Có cô cậu còn cẩn thận hơn, ngồi chọn số trong cả đống vé, rồi xếp vào đĩa lễ với hoa, quả, vàng hương để lên điện thờ rồi vái lấy vái để…”
Với những ai hay chơi xổ số thì đây chính là dịp để họ cầu trời khấn phật mang đến “vận đỏ” trong năm nay. Còn với phần đông bạn trẻ, mua vé số chỉ là để thử vận may. Hiền (sinh viên ĐHQG Hà Nội): “Thấy mọi người mua, bọn mình cũng mua cho vui gọi là lấy may đầu năm, biết đâu…!”.
Ngày rằm lên chùa cầu tình
Diện những bộ quần áo đẹp nhất, xúng xính lên chùa đầu năm, các cô, cậu đều sẵn sàng “trẩy hội”. Tuy không phải là “sàn diễn thời trang” vì lên chùa phải ăn mặc kín đáo lịch sự, nhưng họ cũng tìm được cho mình những bộ quần áo đủ để bắt mắt với đủ loại màu sắc.
Những cô cậu đang còn “single” thì cầu sớm thoát khỏi hiện trạng, còn những người đã có đôi thì sao(!?) Đạo diễn cho cả hành trình đi lễ chính là các cô gái, và chùa Hà là chọn lựa ưu tiên số một.
Các cô sẽ sắm lễ, thường là có vàng mã, ít bánh kẹo và hoa quả đặc biệt không thể thiếu là hoa hồng có cành lộc. Cô sẽ thuê thầy viết sớ trong đó có tên, tuổi, địa chỉ của cả hai người. Phần việc của các chàng chỉ là đứng bên cạnh khi nàng khấn xong thì chắp hai tay để vái theo nàng.
Dù có phải chen chúc và dù nàng có khấn lâu đến bao lâu thì chàng cũng cứ hãy đứng đó với vẻ thành tâm nhất. Có thể điệu bộ của nàng sẽ rất buồn cười theo kiểu như “mắt lim dim, miệng lầm rầm” mà đố bạn nghe thấy nàng cầu những gì, thì bạn cũng chớ dại mà cười, như thế mới chứng tỏ sự “tâm đầu ý hợp” của cả hai bên cùng cầu mong hạnh phúc bền lâu, nàng làm thế là vì cả hai người cơ mà!
Thêm một lí do chính đáng nữa là theo lịch dương thì ngày Valentine (14/2) chỉ cách ngày rằm âm lịch có một ngày, mọi hoạt động nên hướng tới ngày này. Đi chùa cầu duyên cũng rất quan trọng cho dù bạn mê tín hay không.
Lên chùa… không cầu gì cả
Một bộ phận giới trẻ đi chùa đầu năm không phải để cầu may mắn hay cầu tình duyên, họ cũng không mê tín. Họ lên chùa có thể chỉ để vãn cảnh chùa hay đơn giản là đến những chỗ đông người để hưởng cái không khí lễ hội xuân đầu năm cùng bè bạn. Không thắp hương, không khấn vái. Chùa cũng là một nơi lý tưởng để gặp gỡ và hỏi chuyện bạn bè.
Ngọc Anh (sinh viên ĐH Thương mại): “Thú thật đây là lần đầu tiên mình đi chùa mà không có mẹ, mình chẳng biết khấn thế nào. Cũng nhiều người như mình lắm. Đi nhiều dần chắc rồi mình cũng biết khấn. Vì mọi người đi mà mình không đi thì cứ lạc lõng thế nào ấy, mình đi vì rất thích không khí ở đây”.
Người xưa lên chùa đầu năm để cầu cho một năm mới thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. Thời nay lên chùa, người ta cầu cho làm ăn phát đạt, để giải hạn, cầu cho “số đỏ vận vào mình”, cầu cho sợi dây tơ hồng vô tình vướng phải…
Và những thanh niên thế hệ @ lên chùa bằng những con xe đời mới luôn là hình ảnh gây ấn tượng cho mọi người trong những ngày lên chùa đầu năm này.
Theo Thanh Trà
Vietnamnet