Làm sao để sống sót khi bị sóng dữ cuốn đi xa?
(Dân trí) - Để vui chơi an toàn khi ra biển, mỗi chúng ta cần có kiến thức để có thể giữ an toàn cho bản thân trước những nguy cơ có thể xảy đến ngoài biển, đặc biệt là khi bất ngờ bị dòng chảy xa bờ cuốn đi.
Vào trưa ngày 29/12/2013, trong lúc tắm tại bãi biển 30/4 ở Cần Giờ, TPHCM, 7 nam sinh của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Bình Dương đã bị sóng dữ cuốn trôi.
Theo người dân, bãi biển nơi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng này có nhiều hố sâu và nước xoáy bất ngờ. Tuy nguyên nhân 7 nam sinh bị nước biển cuốn trôi vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng một trong những tai nạn nguy hiểm nhất mà chúng ta có nguy cơ mắc phải khi đi biển chính là bị dòng chảy cuốn đi xa bờ dẫn đến đuối nước.
Để vui chơi an toàn khi ra biển, mỗi chúng ta cần có kiến thức để có thể giữ an toàn cho bản thân trước những nguy cơ có thể xảy đến ngoài biển.
Dòng chảy xa bờ là gì?
Dòng chảy xa bờ là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển.
Vận tốc trung bình của dòng chảy này có thể thay đổi từ 0,5m đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược dòng để trở vào bờ. Nhiều khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy có thể lên đến 2,5m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic.
Dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1-3 m, cũng có dòng chảy xa bờ rộng đến cả chục mét.
Các loại dòng chảy xa bờ
- Dòng ngược tức thì: Dòng chảy hình thành và biến mất nhanh chóng.
- Dòng ngược cố định: Dòng chảy có thể tồn tại trong khoảng thời gian từ vài ngày đến hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
- Dòng ngược vĩnh cửu: Dòng chảy này tồn tại thường xuyên, liên tục, thậm chí là vĩnh viễn.
Cách nhận biết dòng chảy xa bờ
Dòng chảy xa bờ có thể xuất hiện tại bất kỳ nơi nào có sóng, kể cả hồ lớn nhưng để xác định được dòng chảy xa bờ không phải dễ dàng.
Hãy chú ý những đặc điểm sau đây:
Dòng nước bị khuấy tung, ngầu bọt.
Dòng nước cuốn theo rong biển, rác rểu, tạo thành dòng hướng ra xa bờ.
Dòng chảy có vùng nước đục hoặc đậm màu hơn hẳn so với các vùng xung quanh.
Có một đoạn đứt gãy trong con sóng.
Cách để thoát khỏi dòng chảy xa bờ
Nếu không may bị lọt vào dòng chảy xa bờ, bạn cần phải đủ bình tĩnh và tỉnh táo để không bị cuốn ra xa bờ:
Việc bị dòng chảy mạnh cuốn trôi ra ngoài biển sẽ khiến bạn ngay lập tức cảm thấy sợ hãi, kinh hoàng, bất lực vì sức sóng quá lớn nhưng bạn buộc phải cố gắng giữ bình tĩnh để có thể đương đầu với tình huống hiểm nguy này. Dòng chảy xa bờ sẽ chỉ có thể đưa bạn ra xa bờ thôi.
Thông thường, dòng chảy xa bờ sẽ đưa bạn ra xa khoảng 30m. Đó không phải khoảng cách quá xa để bạn cảm thấy nản lòng hoặc phải buông xuôi. Với khả năng bơi lội khá, bạn hoàn toàn có thể giữ an toàn trong tình huống nguy hiểm này.
Tuyệt đối bạn không nên ngay lập tức cố bơi ngược dòng để mong có thể vào bờ bởi lực sóng lúc này rất lớn, bạn sẽ không thể ngay lập tức đảo ngược tình hình. Càng cố làm vậy, bạn sẽ càng tốn sức vô ích.
Các trường hợp chết đuối vì bị dòng chảy xa bờ cuốn đi thường vì người bị nạn quá hoảng loạn, cố gắng bơi ngược dòng nước và bị kiệt sức vì chống lại dòng nước, cuối cùng, không còn đủ sức để bơi trở lại vào bờ.
Hãy nhớ rằng, việc bơi ngược dòng lúc này là điều không thể, vì với vận tốc 2,5m/giây thì dù “kình ngư” Michael Phelps của Mỹ “ra tay” cũng sẽ bị vắt kiệt sức trong lúc cố bơi ngược vào bờ.
Thay vì cố bơi ngược dòng và mất sức vô ích, bạn nên bơi song song với bờ biển, vuông góc với dòng chảy. Sau khi đã bơi ra ngoài vùng nước chảy xa bờ, hãy bơi chéo góc và hướng về phía bờ.
Trong trường hợp xấu nhất, bạn đã đuối sức, không còn đủ sức để thoát khỏi dòng ngược, hãy thả mình trôi theo dòng. Khi đã trôi ra ngoài dòng chảy xa bờ, hãy tiếp tục cố gắng bơi song song với bờ biển hoặc ra hiệu cho cứu hộ tới ứng cứu.
(Tổng hợp)