Làm ra tiền, sao vẫn phải “giật gấu vá vai”?

Ăn cơm nhà, chưa phải chi tiêu gì lớn cho gia đình, vậy mà Thắng vẫn thường xuyên lâm vào tình trạng “cạn túi”, phải “giật tạm” bạn bè, để rồi đến khi lĩnh lương, đem đi trả nợ cũng chỉ còn lại “vài đồng uống nước”!

28 tuổi, chưa lập gia đình và ở chung với bố mẹ như Thắng, lương 2,5 triệu đồng/tháng với mức sống tại Hà Nội có thể coi là ổn định. Đó là chưa kể cậu còn có những khoản thu nhập ngoài lương, ít thì vài ba triệu, nhiều thì vài chục triệu. Thế nhưng, chuyện cất dành gần như "không tưởng" với chàng kiến trúc sư trẻ này.

 

Không được may mắn ở cùng với gia đình như Thắng, Bảo Lộc từ tỉnh về TPHCM làm việc và hằng tháng phải chi một khoản tiền nhà cố định: 500.000 đồng. Mức sống ở TPHCM khá đắt đỏ, bù lại, thu nhập của phóng viên một tờ báo lớn như Lộc cũng không đến nỗi tệ: cả lương cả nhuận bút cũng 5-6 triệu đồng/tháng. Thế mà anh chàng này vẫn thường xuyên phải gãi đầu gãi tai nhờ bạn bè "chi viện" và "chết tên" với biệt danh “Bèo công tử”.

 

Chưa lập gia đình, cho dù lương có cao thì tiền bạc vẫn cứ thiếu trước hụt sau! Một phác họa chung của rất nhiều người trẻ tuổi.

 

Truy tìm “thủ phạm”

 

Thắng tự "kiểm điểm": "Tôi chẳng có thói quen gì "xa xỉ" cả, mỗi thói quen hút thuốc và uống chè chén. Mà một điếu Vinataba với một chén chè thì chỉ tới 1.000 đồng!". Thế nhưng anh chàng hút thuốc như tàu hỏa ăn than, mỗi ngày trung bình Thắng đốt hết 1 bao.

 

Có những khi tan sở, về nhà rồi, chè thuốc ở nhà đều có nhưng Thắng vẫn mò ra quán nước nhỏ gần nhà "cho có không khí"! Tính ra cứ đều đặn hằng tháng 1/5 lương của Thắng êm ái tìm tới hầu bao bà chủ quán nước. Rồi tiền ăn sáng, ăn trưa, xăng xe, "tình phí"..., hỏi sao lương không hết khi tháng chưa cạn ngày?

 

Mỗi khi nhận tiền thanh toán hợp đồng thiết kế ngoài lương, Thắng đều nghĩ ra một việc gì đó để tiêu, mà việc nào đối với cậu cũng rất hợp lý: Lần này phải nâng cấp cái máy tính để thiết kế đồ họa và chơi game "ngon lành" hơn chứ cứ chậm rì rì thì bực mình lắm! Lần khác thì lắp đường truyền internet ADSL chứ kết nối kiểu dial-up qua điện thoại "rùa" quá rồi. "Con dế" này bắt sóng yếu quá, mỗi khi đi tỉnh xa đến mệt. Thôi, lần sau có tiền ta đổi cái khác...

 

Bảo Lộc cũng có mơ ước tậu được một căn hộ để "an cư lạc nghiệp" tại TPHCM. Nhưng ước mơ vẫn chỉ là... mơ ước! Anh bạn nhẩm tính: "Một căn chung cư bình thường cũng phải 500 triệu đồng. Tôi giỏi lắm một năm để dành được 20 triệu, vậy là 25 năm sau tôi mới có thể nghĩ tới "một cõi đi về"! Quá lâu nên tôi nản và không thể nào dành dụm được!".

 

Sống xa gia đình, anh chàng "Bèo công tử" này chẳng bao giờ ăn cơm nhà và thường xuyên nhậu cùng bạn bè. Nhóm "độc thân vui tính" của cơ quan ới lúc nào là chàng có mặt ngay lúc đó. Mỗi cuộc nhậu bèo thì vài trăm, sang thì vài triệu. Lộc kể: "Có tuần tôi nhậu đến 7 cuộc. Tuần nào ít thì 2 cuộc. Cho vui ấy mà!". Cái khoản "cho vui ấy mà" cũng nuốt  gần trọn tiền lương của Lộc.

 

"Tôi cũng có kế hoạch chi tiêu đàng hoàng lắm. Tiền lương được cơ quan chuyển thẳng vào tài khoản, tôi tính sẽ để dành, chỉ tiêu bằng tiền nhuận bút hằng tháng thôi. Thế nhưng khi bạn bè "giật tạm", tôi rút tiền ở tài khoản cho vay, đến khi bạn trả lại thì lười nạp vào tài khoản, thế là tiêu béng mất!".

 

Hầu bao ơi, thắt lại!

 

Có chung nỗi lo ngại về sự "không kiểm soát được chi tiêu" khi sử dụng tài khoản và máy rút tiền tự động ATM, Thanh Huyền - hiện đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại TPHCM, lương tháng hơn 10 triệu đồng - bộc bạch: "Tấp vào một máy rút tiền tự động bên đường, cho thẻ vào và rút! Quá đơn giản, quá dễ dàng nên tôi rút liền tay. Tài khoản cứ thế vơi dần".

 

Huyền đưa ra một giải pháp: Để dành được một món kha khá là cô sẽ gửi ngân hàng theo hình thức sổ tiết kiệm. "Gửi cách này khi rút tiền sẽ mất nhiều thời gian, trải qua nhiều thủ tục hơn nên tôi sẽ ngại rút. Như thế may chăng mới giữ được tiền ở lại với mình lâu lâu" - cô bạn này hóm hỉnh.

 

Còn Bảo Lộc thì so đo: "Có lẽ tôi phải sớm kiếm người yêu thôi. Đừng tưởng có người yêu, tốn thêm một khoản "tình phí" thì càng "viêm màng túi" nhé! Người yêu mình thật lòng thì sẽ giúp tôi quản lý chi tiêu tốt hơn, và tôi cũng sẵn sàng "gửi trọn niềm tin và hầu bao" cho người đó".

 

"Tôi phục mấy bạn công nhân về cách quản lý tiền bạc. Họ thu nhập cả tháng chỉ xấp xỉ 1 triệu đồng, vậy mà vẫn đều đặn hằng tháng gửi tiền về quê. Làm thế nào mà hay vậy ta?".

 

Khó gì đâu, bạn thử một lần cầm tờ giấy và cây bút, lục lọi trong đầu tất cả những khoản chi từ sáng tới tối, từ chỏm tóc tới gót chân, từ đầu tháng tới cuối tháng..., chắc chắn bạn sẽ tìm ra những khoản chi không hợp lý. Hãy kiểm soát chi tiêu nếu không muốn có những lúc "tiền khô cháy túi", hỡi những người trẻ tuổi lương cao!

 

Theo Phương Nguyên
Thanh Niên