Làm quen một Phi Yến “không ngại và không sợ”
Quan điểm sống không ngại, không sợ của cô gái trẻ Phi Yến vừa trở về từ diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu đang thổi luồng gió mới vào đời sống giới trẻ Việt Nam.
“Nhờ hội nhập, thế giới không còn khoảng cách và trở nên rất nhỏ bé. Chúng ta có thể đi xa hơn, khám phá nhiều điều thú vị hơn, làm được nhiều việc lớn hơn”, thông điệp ấy đang được Nguyễn Trần Phi Yến truyền tới bạn trẻ.
Cô gái 23 tuổi, cựu SV ĐH KHXH&NV TP.HCM trở về từ diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2010 do UNESCO tổ chức tại trường ĐH Connecticut (Mỹ) mang theo một quan điểm sống mới, thay đổi cách sống từ ba yếu tố: Đầu, Tim, Chân và tinh thần không ngại, không sợ khi bước ra thế giới (Go Global).
Phi Yến (ngoài cùng bên trái) cùng bạn bè tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Nguyễn Trần Phi Yến là đại diện Việt Nam duy nhất Diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2010 cùng 100 bạn trẻ đến từ 83 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Phi Yến trao đổi với bạn bè thế giới câu chuyện phát triển năng lực của thế hệ trẻ, nhu cầu giáo dục bản thân, khát khao học tập, cống hiến trong mỗi thanh niên.
“Tôi đã giới thiệu với bạn bè thế giới hình ảnh một Việt Nam năng động, thế hệ thanh niên khao khát học hỏi, luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội phát triển”, Phi Yến nói. Câu chuyện của bạn đã tạo cảm hứng cho nhiều đại biểu trẻ quốc tế, nhiều bạn sát lại gần hỏi thăm về thanh niên Việt Nam và những hoài bão lớn.
Điều giá trị nhất của chuyến đi là giúp Phi Yến khẳng định tinh thần Không Ngại và Không Sợ. Không ngại thử thách, không ngại vất vả. Không sợ mình làm không được và không sợ sự bất biến.
Yến chia sẻ: “Vì không ngại, không sợ, tôi có động lực, tự tin đăng kí thi tuyển trở thành đại biểu của Diễn đàn, vượt qua hàng trăm hồ sơ khác với 3 vòng thi gay cấn. Vì không ngại, không sợ, tôi tự tin tham dự với tư cách là đại biểu trẻ của Việt Nam”. Cô gái trẻ quê Hà Tĩnh khẳng định đây sẽ là quan điểm sống, lối sống mới của mình.
Thoát khỏi vùng an toàn
Giao lưu với bạn bè năm châu cũng giúp Phi Yến hiểu rằng: Hãy cố gắng thoát ra khỏi vùng an toàn của mình, giao tiếp nhiều hơn, đặt câu hỏi nhiều hơn để làm giàu nhân sinh quan.
“Đâu cũng là nhà” đang dần là xu hướng sống của nhiều người trẻ trong thế giới phẳng. Cuộc hội ngộ ở Mỹ mang giúp Phi Yến chợt nghĩ rằng thế giới rất lớn nhưng với quá trình hội nhập, nay gần như không có khoảng cách.
Phi Yến lý giải: “Có bạn sinh sống ở Phần Lan, nhưng học tại Đức và đang làm việc tại Thụy Điển. Phần đông các bạn di chuyển không ngừng giữa các quốc gia để có những trải nghiệm và cảm nhận ở từng vùng khác nhau trên thế giới. Họ là những công dân toàn cầu”.
Theo TPO