Làm phim bằng…niềm tin
Và chỗ dựa của niềm tin ấy là chính bản thân mình: Tự sản xuất phim, viết kịch bản, làm đạo diễn. “Dành cho tháng Sáu” của Nguyễn Hữu Tuấn (1984) hoàn thành, đưa “cha đẻ” của bộ phim trở thành một trong những nhà làm phim độc lập trẻ nhất, tại Việt Nam.
Dành trọn trái tim cho điện ảnh
Con đường đến với điện ảnh của Nguyễn Hữu Tuấn nhanh đến mức, chính anh chàng cũng không nhận ra. Tuấn chỉ nhớ thời điểm bước ngoặt là khi xem phim Lost in translation, lúc 21 tuổi: “Mình nhận thấy bản thân trong đó. Bộ phim bề ngoài hoàn toàn xa lạ, không có chút gì giống cuộc đời mình nhưng cảm xúc bên trong thì lại rất gần gũi. Mình không thể ngờ được, điện ảnh có thể làm được điều kì diệu đến thế!”.
Sau đó, Tuấn tìm kiếm và học kiến thức điện ảnh từ những phim độc lập tương tự, như Lost in translation. Chỉ trong vòng một năm, Tuấn quyết định làm phim khi còn đang là sinh viên trường ĐH Kiến trúc.
Hữu Tuấn quyết định "rẽ ngang" từ giảng đường để theo nghiệp làm phim.
Ra trường, Hữu Tuấn bắt tay ngay vào viết kịch bản cho bộ phim của riêng mình. Thế nhưng, ngoài một phim ngắn mà anh vẫn cho là “làm chơi”: Sáng chế của ngài Bell (Bell’s invention) năm 2006, Tuấn chẳng có gì “giắt túi” khi bắt tay làm “Dành cho tháng Sáu”.
Hữu Tuấn đã làm phim từ tiền túi, tự đi casting, tìm người quay phim, làm hậu kỳ âm nhạc… Tuấn cho biết, anh bắt tay vào việc làm phim năm 24 tuổi nhưng không hề cảm thấy choáng ngợp: “Mình chỉ biết, mình tin vào bản thân, tin là sẽ làm được. Trước đó, mình đã hình dung ra cả bộ phim, từng cảnh một và giờ chỉ làm lại những gì đã tưởng tượng”.
Được làm điều mình thích
Tuấn cho rằng, đối với một người làm phim, quan trọng nhất vẫn là được làm điều mình thích: “Sẽ không bao giờ có thể giải quyết được trọn vẹn mối quan hệ giữa người làm phim và khán giả. Khán giả có thích hay không, mình không thể biết được. Nhưng nếu không làm những gì mình thích, mình đam mê, sẽ không đủ kiên trì để theo đuổi nó đến cùng”.
Bộ phim đầu tay của Tuấn không đem lại khoản doanh thu bù đắp vào số tiền đầu tư. “Nhưng khi nhìn thấy bộ phim của mình được phát hành, thì chuyện tiền nong không còn là vấn đề quá nặng nề nữa”, Tuấn nói.
Từng ham mê phim nghệ thuật - dòng phim “slice of life”, với tiết tấu chậm rãi và câu chuyện như không có cốt truyện nhưng Tuấn sẽ không theo đuổi dòng phim này suốt sự nghiệp. Anh cho rằng, phim nghệ thuật hay phim thương mại đều có thế mạnh riêng. Bởi vậy, Tuấn muốn hướng tới sự cân bằng giữa hai dòng phim đó và phim của mình, vừa có sự gần gũi, chân thực về cảm xúc nhưng cốt truyện vẫn hấp dẫn.
“Làm những thứ gần gũi”
Cái thời còn mày mò với điện ảnh, Tuấn không có điều kiện để làm phim ngắn vì chi phí thuê máy quay phim nhựa quá đắt đỏ. Trong khi bây giờ, tất cả mọi người đều có thể làm phim bằng máy ảnh.
Nhìn về phong trào làm phim ngắn đang nở rộ trong giới trẻ, Hữu Tuấn xem đây là một điều thực sự tích cực: “Được làm phim đã là tốt rồi! Hồi trước, nhiều người có khả năng nhưng phải từ bỏ vì không có điều kiện. Phong trào này tạo điều kiện cho những người giỏi phát triển”.
Tuấn cũng chỉ ra vấn đề các bạn trẻ mắc phải chính là chưa đưa ra vấn đề của bộ phim trong vài phút đầu tiên để người xem thấy ngay phim hấp dẫn ở chỗ nào. Bên cạnh đó, đề tài thường quá xa xôi, khiến cho câu chuyện và nhân vật đều không thật.
Tuấn cho biết: “Hãy làm cái gì đó gần gũi thôi! Khi đó, các bạn sẽ biết đâu là cảm xúc thật. Nhiều người thường làm những đề tài quá cao siêu mà bản thân chẳng hiểu gì về nó như giang hồ, cave… Nếu chưa rút ra được kinh nghiệm gì, cứ làm mãi và không có gì khác biệt thì hai phim đã là quá nhiều”.
“Dành cho tháng Sáu” là một trong 20 bộ phim được trình chiếu tại LHP Việt Nam lần thứ 18, tổ chức ở Hạ Long vào tháng 9/2013. Phim là câu chuyện về 3 người bạn cuối cấp đứng trước ngã ba cuộc đời với những cảm xúc, lo lắng, suy tư trầm lắng nhưng trong trẻo, trên khung nền thơ mộng, dịu dàng của những cánh đồng và đường ray xe lửa bất tận. |
Theo Hoàng Dung – Hảo Linh
Sinh viên Việt Nam