Làm giàu với quất Tết

“Lúc mình bắt đầu lập nghiệp với việc trồng quất rất nhiều người bàn tán. Họ bảo, người ta đang muốn thoát ra chẳng được mình lại lao đầu vào. Đúng là “ngựa non háu đá””…

Tuy nhiên,  Phạm Ngọc Huy (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) còn khiến nhiều người bất ngờ hơn khi một mình rẽ hướng trồng quất bonsai. Sau bốn năm tìm tòi, giờ anh đã triệu phú trẻ với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Phạm Ngọc Huy
Phạm Ngọc Huy

 

Mê quất từ nhỏ

 

Huy sinh năm 1987 trong một gia đình có truyền thống về trồng quất ở Tứ Liên (Tây Hồ – Hà Nội) nên cây đã trở thành người bạn thân thuộc với anh ngay từ nhỏ.  Học hết cấp 3, Huy đi nghĩa vụ quân sự. Ra quân, chàng trai khăn gói vào Nam lập nghiệp nhưng ở được 2 năm anh quyết định trở về quê nhà theo đuổi nghề trồng quất.

 

“Lúc đó, bố mẹ mình phản đối ghê lắm. Bố mẹ bảo mình đang có việc an nhàn không làm lại về làm nông dân cho vất vả. Nghề trồng quất bấp bênh, một đứa “trẻ ranh” như mình liệu có đủ kiên trì để làm tới cùng”, Huy chia sẻ.

 

Niềm đam mê thôi thúc, Huy trăn trở tìm ra hướng đi mới cho cây quất từ vườn nhà mình. Anh phát hiện ra địa phương  có rất nhiều nhà trồng quất nhưng chủ yếu là loại quất đơn giản, rất hiếm người trồng quất thế trong khi xu hướng thẩm mỹ của người tiêu dùng ngày càng cao, họ thích chọn những cây quất có dáng lạ chơi Tết.

 

Nghĩ là làm, năm 2009,  anh  đã vay mượn và xin của gia đình hơn 50 triệu đồng đầu tư mua cây giống, làm đất, chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để bắt tay thực hiện ước mơ. Tuy nhiên, lúc này sản phẩm chính vẫn là cây quất truyền thống, Huy  chỉ thử nghiệm khoảng 1/3 quất bonsai. Năm đầu thiếu kinh nghiệm, hiệu quả không cao nhưng  anh nhận thấy sức hút của quất bonsai nên đã chuyển hướng hẳn sang loại này.

 

Năm thứ hai  thắng lớn nên năm thứ ba anh quyết đầu tư 300 chậu quất bonsai. Song, ở đời không ai học được chữ “ngờ”. “Làm nông,  mọi sự nhờ trời, nhờ thời tiết. Thời tiết không thuận, sâu bệnh…là những mối đe dọa lớn nhất đến vườn quất của mình.

 

Năm  đó, mình  gần như mất trắng hơn hơn 300 chậu quất vì cây nhiễm bệnh, rễ hỏng, lá vàng, quả rụng.  Khách ra vào nườm nượp nhưng ai cũng chê không mua. Riêng năm đó mình thiệt hại gần 300 triệu đồng”, Huy cho biết.

 

Chán nản và tuyệt vọng  nhưng rồi anh lại cố gắng vì dám làm dám chịu. Tuy nhiên anh cũng ra cho mình nhiều bài học xương máu.  Người trồng quất phải biết đoán bệnh của cây qua màu sắc lá, thân cây và điều trị kịp thời. Ai tiếc tiền thuốc hoặc chủ quan thì hậu quả không hề nhỏ, có thể mất đi cả vườn quất, mất đi cả cơ nghiệp.

 

Không ngừng sáng tạo sẽ thành công

 

Để có cây đẹp thì giống cây phải tốt, cây con khỏe mạnh. Theo kinh nghiệm của  Huy những cây có cành mập, lá xanh, dày, rễ tốt, dáng khỏe, nhiều cành… thường khỏe mạnh, dẻo dai và quả đẹp.

 

Chọn được cây và tạo dáng cây mới chỉ là một phần công việc. Để thu hút khách và tăng thêm vẻ đẹp cũng như sự trang trọng của cây quất bonsai (còn gọi là quất thế),  Huy đã phải chăm chút từ những điều nhỏ nhất.

 

Vì không trồng trực tiếp xuống đất nên điều đó trở thành điểm khác biệt và hấp dẫn riêng cho vườn quất của ông chủ 8x này. Từ 50 chậu quất khi mới bắt đầu khởi nghiệp, sau 4 năm, Phạm Ngọc Huy đã sở hữu hơn 400 chậu với đủ dáng thế, phục vụ nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.

 

Trên mảnh đất rộng hơn 500m2, mỗi năm vườn của anh lại tăng thêm số quất theo cấp số nhân. Giá cả dao động từ 1-2 triệu với cây nhỏ, 2-4 triệu với cây lỡ, còn cây to có thể lên đến 10 – 20 triệu đồng. Không những thế, Huy còn tạo ra những chậu quất treo tường phù hợp với phong thủy các gia đình.

 

Vì vậy, thị trường cung ứng  của anh là các tỉnh thành khu vực miền Bắc  như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên… Tuy nhiên, nhiều người tận miền Trung cũng ra đặt hàng hoặc thuê cây về bày trí dịp Tết.

 

Bên cạnh việc bán quất ngay tại vườn  Huy còn cho khách thuê vào dịp Tết. Những khách hàng không biết chăm cây anh nhận dịch vụ đến tận nhà tư vấn. Vì vậy,  trừ các chi phí một năm anh thu lãi hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 2-3 công nhân với mức lương 3-4 triệu đồng/ tháng.

 

Có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng quất bonsai nhưng Huy vẫn không ngừng học hỏi. Anh thường xuyên lên mạng internet và đến các tỉnh thành nổi tiếng với nghề cây cảnh để  tìm hiểu, học hỏi những dáng cây mới lạ, đẹp mắt phù hợp với thị hiếu của khác hàng.

 

Anh cũng thường xuyên trao đổi, giao lưu học hỏi với những đoàn viên, thanh niên và người dân trong phường  về trồng quất bonsai. Năm tới anh dự định mở rộng thêm diện tích trồng quất, cam canh và bưởi diễn bonsai. 

 

Theo Vũ Thoa

Tuổi trẻ thủ đô