Làm gì với một ngày nhàm chán, vô dụng?
Suốt cả ngày hôm nay em chẳng làm được gì, mà thực ra hôm qua cũng vậy. Loanh quanh Facebook, lục đục coi phim, nấu mì tôm “tự xử”... Dù không có chuyện gì buồn hay thất vọng nhưng một ngày của em cứ trôi qua chậm ì y như ngày hôm trước.
Một đống bài tập đang chờ, một mớ công việc réo gọi nhưng em cứ như bị nhấn nhầm nút pause, mọi cảm xúc cứ “đơ như cây cơ”. Em ghét cái cảm giác vô dụng này vì nó làm phí phạm thời gian kinh khủng! Nhưng em chẳng biết làm cách nào để thay đổi cả. Cứ thế này thì em chết dần chết mòn mất! (Jian_diesel_mango_zara…@yahoo.com)
Hình như anh hiểu tâm trạng bứt rứt của em, vì anh cũng đã từng có một số ngày “chẳng làm được gì” như thế. Anh đến ga Amsterdam từ trưa để đợi tàu chiều về Đức, nhưng tất cả mọi chuyến tàu đều bị hoãn vì tuyết rơi quá dày. Không ai dám đi đâu vì tàu có thể đến bất kì lúc nào.
Đợi đến nửa đêm thì anh nhận được thông báo là không-có-chuyến-tàu-nào-trước-bình-minh vì bão tuyết. Nằm ngang nằm ngửa ở ga tàu khi bên ngoài nhiệt độ xuống dưới 0 độ, anh tự hỏi tại sao một ngày của mình lại trôi qua vô nghĩa thế này?
Một điều anh thấy rất hay mà em đã làm được chính là dành cho mình một khoảng thời gian cuối ngày để suy nghĩ về ngày đã qua. Nhưng đánh giá một ai đó cần cẩn trọng, còn đánh giá bản thân mình phải cẩn trọng gấp đôi!
Một ngày của em vô nghĩa thực sự hay chỉ có vẻ vô nghĩa thôi, không thể được đánh giá bằng kết quả cuối ngày “em đã làm được gì” mà bằng cách nó đem lại cho em trải nghiệm nào.
Khi bị kẹt tại nhà ga, anh đã mất một ngày dài không làm được việc gì. Nhưng cũng nhờ lúc rỗi rãi đó, anh đã có những khoảnh khắc mà mình không có cơ hội sống lại lần hai để trải nghiệm. Đó là nghe những chuyện hài của người Hà Lan, học cách giữ bình tĩnh cho một chú chó và… xuất hiện trong đoạn video thời sự về bão tuyết của một kênh truyền hình.
Em ạ, mỗi khoảnh khắc đều là những trải nghiệm xứng đáng. Trong cuộc sống, mỗi điều mà chúng ta trải qua đều mang lại một giá trị nhất định. Không phải chỉ khi sướng vui hạnh phúc mà cả những lúc bơ phờ ủ rũ cũng tặng em những món quà thông điệp.
Về việc này thì chúng ta nên học quy tắc tâm linh của người Ấn Độ: Mỗi người, mỗi việc xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều đại diện cho một điều gì đó, có thể là để dạy chúng ta điều gì đó hoặc giúp chúng ta cải thiện tình hình hiện tại. Em thấy âu sầu buồn chán, có thể đó là cách cuộc sống “nhắc” em đã đến lúc thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn của mình.
Theo Hoa học trò