Làm duyên với đao kiếm

Từng đường quyền dứt khoát, những bài roi uyển chuyển, màn loan đao múa kiếm điệu nghệ của những cô gái xinh đẹp vùng đất võ đang mê hoặc du khách mỗi khi đến Bình Định.

Múa võ trên đất khách

 

Nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ nữ võ sỹ xinh đẹp Trần Thị Trà Huy (Phước Thuận, Tuy Phước, Bình Định) mỗi khi có dịp chiêm ngưỡng cô biểu diễn võ thuật trên sân khấu.

 

Với dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng, khuôn mặt khả ái ít ai tin đây là hạt nhân của Đội tuyển võ thuật cổ truyền Bình Định, đang sở hữu nhiều thành tích cao ở các giải quốc gia và quốc tế.

 

Trần Thị Trà Huy
Trần Thị Trà Huy

 

Lúc nhỏ, Trần Thị Trà Huy giống cô bé hạt tiêu, lại hay đau ốm nên xin mẹ đi học võ để rèn luyện sức khỏe. 12 tuổi Trà Huy trở thành môn sinh của võ đường chùa Long Phước – một trong những võ đường nổi tiếng của Bình Định.

 

Đam mê cùng với chút năng khiếu bẩm sinh, Trà Huy nhanh chóng thuộc những bài cơ bản. Vài tháng sau cô được chọn đi thi giải võ cổ truyền cấp tỉnh, đoạt HCĐ, rồi tham gia Đội tuyển năng khiếu trẻ của Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định.

 

“Lúc lên thành phố Quy Nhơn nhớ nhà nên khóc nhiều lắm. Lúc ra sân luyện tập thì mọi buồn lo bay biến đâu mất”, Trà Huy chia sẻ.

 

Năm 2005, Trà Huy tham gia giải vô địch quốc gia và đoạt HCB. Năm 2006, cô tiếp tục nhận HCV Liên hoan võ thuật cổ truyền toàn quốc. Cũng năm đó Trà Huy may mắn có tên trong đợt lưu diễn tại Hàn Quốc. Rồi lần lượt có mặt ở các nước Ý, Rumani trình diễn võ thuật.

 

Đam mê và có tố chất võ thuật, Trà Huy được HLV Trần Duy Linh truyền dạy Song phượng kiếm - bài kiếm do nữ tướng Bùi Thị Xuân biên soạn trong thời gian bà huấn luyện đội tượng binh ở vùng Tây Sơn thượng đạo.

 

Huy chia sẻ, học võ quan trọng nhất là phải rèn cho mình tinh thần võ đạo và tính kiên trì gian nan khổ luyện. Vừa tốt nghiệp cao đẳng Bình Định khoa Sư phạm địa chất chưa tìm được việc làm đúng chuyên ngành nên Trà Huy mở lớp dạy võ cho sinh viên các trường ĐH, CĐ và những người yêu thích võ thuật cổ truyền. Cô vẫn nuôi ước mơ trở thành HLV cao cấp.

 

Người đẹp dùng kiếm

 
Trần Thị Tuyết Trinh
Trần Thị Tuyết Trinh
 

Từ sau khi đăng quang ngôi vị Á khôi 1 tại Liên hoan võ thuật cổ truyền quốc tế tại Bình Định, facebook của Trần Thị Tuyết Trinh (20 tuổi), sinh viên năm 3 khoa CNTT, trường Cao đẳng Bình Định càng có thêm nhiều fan kết bạn, trong đó có nhiều bạn quốc tế.

 

Xinh đẹp lại giỏi võ, sự xuất hiện của Tuyết Trinh trên sân khấu biểu diễn khiến cho đấng mày râu và người xem phải trầm trồ. Những màn múa kiếm thuần thục, điệu nghệ cùng đôi mắt đầy thần sắc lấy được nhiều cảm tình của khán giả.

 

“Em rất vui vì được mọi người yêu mến, ủng hộ. Các bạn quốc tế cùng thi cũng thể hiện sự yêu mến bằng những cái ôm nồng thắm”, Tuyết Trinh chia sẻ.

 

Hỏi Tuyết Trinh về cái duyên với võ, cô cười: Hồi bé ở làng con nít đi học võ nhiều lắm. Một lần đến nhà chị chơi với mấy đứa em thì thấy tất cả chạy đi học võ, nên cũng chạy theo.

 

Trên người mang chiếc áo thun, quần ngố cũng tham gia bái tổ vào nhập học. Là lớp võ trong làng nên binh khí cũng tự chế. Võ đường là những bãi đất trống sau làng hoặc mặt ruộng mới gặt xong. Nhưng ai nấy đều tập hăng say, chăm chỉ.

 

Có tố chất võ thuật nên ba tháng sau Trinh được giới thiệu vào Đội tuyển năng khiếu của tỉnh. Được tiếp xúc với những võ sư có tên tuổi, Tuyết Trinh học được nhiều hơn. Những bài Bát quái côn, Lão mai quyền, Song phượng kiếm, Roi thái sơn… được Trinh tiếp thu và thuần thục nhanh chóng. Trinh nói thích nhất bài Bát quái côn bởi độ khó cao, đòi hỏi người học phải tập trung cao độ, kiên nhẫn, tinh thần võ thuật cao.

 

Ba tháng sau khi luyện tập tại trung tâm, Tuyết Trinh được tham gia Giải trẻ võ thuật cổ truyền quốc gia và giành HCĐ. 16 tuổi, Tuyết Trinh giành chiếc HCV quốc tế đầu tiên với bài Bát quái côn. Những năm sau đó cô sở hữu nhiều huy chương tại các giải quốc gia, quốc tế và được phong đẳng cấp Kiện tướng.

 

Theo Hoài Văn

Tiền phong