Lâm “dế”

(Dân trí) - Những con côn trùng như châu chấu, bọ xít, bọ cạp... đang dần trở thành “hàng độc” của dân nhậu hiện nay. Đem cái sự thắc mắc về thú ẩm thực lạ gặp Lâm “dế”, một ông chủ 8X của trang trại dế ở Thái Bình mới thấy món dế thú vị đến thế nào.

Đói đầu gối phải bò 

Gặp bất kỳ ai, cậu sinh viên năm thứ ba trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Nhật Lâm cũng nói về dế một cách đầy hào hứng: “Người ta nuôi dế đã từ vài năm nay nhưng hầu như chưa có ai để ý đến việc làm thương hiệu bài bản cho món Dế. Dế thơm ngon, bổ dưỡng được mệnh danh là tôm đất đấy”.

Quay ngược thời gian trở lại những ngày đầu mới bước vào trường đại học, cậu bé người Thái Bình chỉ đơn giản nghĩ đói đầu gối phải bò, phải làm thêm nhiều việc để có tiền học tập và trợ giúp bố mẹ.

Tháng đầu tiên là sinh viên ĐH Bách khoa, Lâm bán lại sách cũ của sinh viên khoá trên cho sinh viên khoá dưới. Hơi bị lỗ một chút nhưng đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Sau đó, cùng hai người bạn mở một trung tâm luyện thi ĐH chất lượng cao, nhóm của Lâm dạy kèm nhưng chỉ thu tiền sau khi các em đã đỗ đại học. Ý tưởng lạ đó đã giúp cho Lâm và các bạn có một chút vốn và quay sang tổ chức các sự kiện, các đêm nhạc. Niềm đam mê chưa dừng lại ở đó, Lâm đã ngừng học Bách khoa để thi sang Ngoại thương, thổi cho niềm kinh doanh của mình được bùng lên.

Một chuyến du hí vào Sài Gòn đã đưa Lâm đến với dế. Để ý thấy dân Sài Gòn đi ăn dế rất đông, Lâm cũng thử và bị cuốn hút. Cậu mày mò, tìm về tận trang trại triệu phú dế Lê Thanh Tùng ở miệt vườn Củ Chi để tìm hiểu công nghệ nuôi dế. Ý tưởng đưa dế ra miền Bắc nuôi, cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng nảy nở và thực hiện tức thì. Lúc đó Lâm chỉ ấp ủ là sẽ kiếm được việc làm mang lại thu nhập cho quê hương nghèo khó của mình, chứ chưa hề có ý làm giàu từ dế.

Bắt đầu với 100 cặp dế (10.000đ/cặp) mang ra Bắc nuôi thử khiến bạn bè Lâm không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ. Tưởng chỉ là những ngẫu hứng, nào ngờ, Lâm càng nuôi dế càng hăng. Biệt hiệu Lâm “dế” bắt đầu từ đó.

Mang dế về Thái Bình nhân giống bằng những thùng xốp to, trải cỏ khô và giấy xuống, chưa có nhiều kinh nghiệm, hàng loạt dế nhân giống lại lăn ra chết hàng loạt. Vốn liếng ban đầu đã hết, không nản chí, Lâm lại tìm hiểu thì mới biết dế lạnh bởi trong Nam khí hậu luôn ấm nóng.

Món dế đen xấu xí

Lâm “dế” - 1

Từng bước vừa học vừa tìm hiểu, trang trại dế của Lâm đã hình thành và trong thời gian ngắn, lứa dế đầu tiên xuất khẩu ra thị trường. Lâm kể lại những ngày đầu tiên đi chào hàng đầy gian khổ. Những món ăn đồng quê (cào cào, châu chấu…) ở nông thôn đã ít nhiều người quen rồi. Nhưng con dế trông hình dạng màu đen xấu xí, khẩu vị người Bắc lại chưa quen.

Những buổi đầu đi chào hàng có thể nói là mỏi chân, mỏi mắt, mỏi mồm, mỏi cổ… Vừa mới chìa con dế ra chủ hàng đã xua tay, lắc đầu nguầy nguậy: “Eo ơi, con gì mà… kinh thế!” Có hôm đi chào đúng lúc nhà hàng đang đông khách, chủ bảo “chờ đấy”, “chờ” xong, chưa kịp trình bày đầu đuôi họ đã vội xua như xua tà.

Đến giờ, trang trại dế của Lâm đã cung cấp nguyên liệu món dế cho tất cả các nhà hàng ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và Hà Nội cùng một số tỉnh miền Bắc. Có nhiều khi hàng xuất không kịp. Thịt dế thơm, béo ngậy có thể chế biến thành các món chiên giòn, chiên bột, xào lăn, kho tiêu, rang mặn... và món mới nhất là dế kẹp thịt ba chỉ.

Theo Lâm, ở nước ta có các loại dế: dế mèn, dế ta, dế chũi và dế cơm. Loại dế Lâm nuôi chủ yếu là dế ta, nhiều thịt. Cứ mỗi lứa xuất chuồng, sơ chế đông lạnh, bán cho các nhà hàng 250.000 đồng/kg. Trại dế của Lâm vừa gây giống được loại dế mới là dế sữa, nhỏ hơn dế ta, nhưng thịt mềm và ngon hơn. 

Ông chủ dế cũng đang hoàn thiện website dacsandengon.com, một thương hiệu riêng quảng bá các món dế ngon để đưa vào bức tranh ẩm thực Việt Nam. Lâm cũng dự định thiết lập một hệ thống cửa hàng các món dế để bất kỳ ai cũng có thể thưởng thức món ăn mới lạ này. Nhưng hiện giờ, số vốn mở cửa hàng Lâm dành lại để đầu tư vào thiết bị công nghệ sơ chế sấy khô dế, dế sẽ chế biến được nhiều món hơn.

Bạn bè thường bảo Lâm có tham vọng khi muốn nhân rộng mô hình nuôi dế ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) nhưng Lâm chỉ cười: “Thái Bình quê Lâm nghèo, không có nghề phụ. Lâm chỉ hy vọng việc nuôi dế sẽ tạo thêm công việc và thu nhập cho người làng của Lâm”. Món ăn dế còn mới nhưng Lâm hy vọng sẽ phủ sóng và bình dân món dế trong đời sống hàng ngày.

Nam Hải