Lại cảnh nhà trọ tăng giá...
(Dân trí) - Không phải mùa nhập học nhưng khắp các ngõ ngách ở Hà Nội, nhiều sinh viên (SV) vẫn hành trình tìm nhà trọ. Nhà trọ tăng giá, nhiều SV phải bỏ chốn “an cư” lâu nay của mình, tìm đến những nơi rẻ hơn. Đời sống của SV cũng vì thế mà chật vật hơn…
Giá phòng tăng từng ngày
Cuối tháng 3 vừa chuẩn bị 400.000 đồng để thanh toán tiền nhà, thì Tuấn, ĐH Giao thông Vận tải, quê ở Bắc Ninh thì nghe chủ nhà thông báo “Sang tháng 4 sẽ tăng tiền nhà lên 550.000 đồng”. Mọi người ở đây ngơ ngác, phản ứng vì trước dịp Tết, đã có một đợt tăng giá. Bác chủ nhà vẩy tay: “Đó là đợt cũ, từ ra Tết tới giờ có bao nhiêu đợt tăng giá thực phẩm, xăng xe rồi mà tiền nhà giờ mới “vào cuộc”. Ai không thuê nữa thì đúng cuối tháng trả phòng”.
Nhiều người phải tiếp tục “cầm cự”, Tuấn và người bạn cùng phòng, và một số phòng khác không “kham” nổi bắt tay vào công cuộc tìm nhà.
Mỗi tháng gia đình trợ cấp cho Tuấn một triệu, sau Tết cậu đã xin thêm một trăm khoản “tiền nhà tăng”. Số tiền đó cả tiền học phí, nhà cửa, ăn uống, chi tiêu bố mẹ Tuấn đã phải chắt bóp lắm mới có được vì bố mẹ Tuấn đều là nông dân, thu nhập dựa cả vào mấy sào ruộng.
“Nhà trọ thì hiếm, chỉ có một tuần để tìm nhà, chẳng biết bọn tớ phải xoay xở thế nào. Giờ chẳng lẽ xin thêm khoản tiền nhà nữa thì chết, bố mẹ lấy đâu ra” - Tuấn lo lắng.
Giá điện, giá nước đang trong năm trong kế hoạch tăng giá thì ở nhiều xóm trọ SV, các chủ nhà đều đã đi trước một bước. Không chỉ tăng giá phòng mà tăng đồng loạt giá điện, nước làm SV phải dở khóc dở cười.
Dãy trọ gồm 8 phòng ở ngõ 337 Xuân Thủy, Cầu Giấy cũng đột ngột nghe tin mỗi phòng trọ tăng lên 100.000 đồng. Chưa hết, giá điện từ 2.000 đồng tăng lên 3.000 đống/số, giá nước từ 4.000 đồng tăng lên 6.500 đồng/m3.
Thúy Ngọc, khoa Báo, ĐH KHXH&NV bức xúc: “Nhà nước chưa chính thức tăng điện nước thì nhiều người cho thuê nhà đã lấy cớ tăng trước. Nước giếng khoan chứ có phải nước máy đâu mà tăng”.
Lê Tuấn Anh, SV K4, khoa Kỹ thuật điện, CĐ Thành Đô, nói: “Phòng ở hai người đã chật, giờ thêm người, thêm đồ đạc càng bức bối. Buổi tối dắt mấy chiếc xe đạp vào, mấy người chen nhau trên chiếc giường, muốn ra ngoài cũng khó. Nhưng như thế mới giảm được ít tiền nhà”.
Ở trong phòng đã khổ, “không gian ngoài” càng "rợn" hơn vì cả xóm trọ này gần 20 người chỉ có một phòng vệ sinh, một nhà tắm và một bể nước, nên đến giờ cao điểm, cả xóm lại phải xếp hàng đợi nhau.
Tuy nhiên, chỗ trọ của Tuấn Anh còn may vì được “khoán” cả phòng, chỉ phải trả thêm điện nước khi thêm người. Có những nơi, mặc chật chội, cứ thêm người vào là… phải thêm tiền phòng.
Khánh Duy, sau khi tiền nhà tăng đã phải rủ thêm một cậu bạn cùng lớp, đang trong tình trạng “vô gia cư” đến ở cùng. Vừa thông báo với chủ nhà, đã nghe tin: “Ở một mình thì 400.000, hai người thì lấy rẻ 500.000 đồng”.
Phòng trọ chưa đến 10m2 của Tuấn Anh đã hai người ở, giờ lại thêm người… (Ảnh: H.Nam)
Quốc Cường, SV năm thứ nhất ĐH Kinh tế phải thuê nhà tận Tây Tựu (Từ Liêm), con đường từ chỗ của Cường đến trường ngót nghét gần 30 cây số, phải qua ba tuyến xe buýt. “Cả ngày chỉ mỗi việc đi học, về nhà mình đã mệt mỏi, bơ phờ nhưng vẫn phải chấp nhận vì phòng trọ ở gần thì quá đắt”. - Cường nói.
Nhiều chủ phòng trọ đang tăng tiền nhà một cách vô tội vạ, rất nhiều SV đang phải sống chung với nỗi lo tiền phòng có thể tăng bất cứ lúc nào. Đây có thể được xem là “vấn nạn” mà sinh viên là nạn nhân không có cách nào để đề phòng.
Lúc này, rất cần có một quy định cụ thể đối với những người cho thuê nhà, quy định về giá giao động bao nhiều tiền một m3. Rồi tiền điện, nước cũng cần có giá quy định để SV không bị “bóp chẹt”. Có như thế, SV mới bớt đi được phần nào nỗi lo lắng hàng ngày, để chú tâm cho việc học hành. |