Lạ lùng nữ sinh 9X đi... hầu đồng
Nhiều người không lạ với hình ảnh các bà, các chị lên đền, chùa nhưng chắc sẽ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh 9x tham gia hầu đồng, với cái tâm tịnh, để cầu mong những điều tốt đẹp.
Theo mẹ đi...hầu đồng
Theo chân Hồng Minh (SV ĐH Hà Nội) sang đền Ghềnh (Long Biên - Hà Nội) để hầu đồng mới thấy sự vất vả của hành trình này. Minh theo mẹ lên chùa hầu đồng vì mẹ cô cho rằng, dạo này cô hay đau ốm, nên đi hầu đồng để mong các "ngài" phù hộ cho.
Minh bảo, các bạn trẻ 9X bây giờ hay theo bà, theo mẹ đi hầu đồng. Một phần là do tín ngưỡng của gia đình, một phần là do cái "tâm" thôi thúc.
Nếu không tận mắt chứng kiến một buổi hầu đồng mở phủ thì không ai có thể tưởng tượng hay tin được rằng: Giới trẻ cũng tham gia chuẩn bị mã, sắm lễ, trang bị quần áo, thuê phường hát văn cùng người lớn - việc mà từ trước đến nay chỉ dành cho những người cao tuổi.
Tuy đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng chúng tôi cũng không thể nghĩ được rằng, một buổi hầu đồng tại đền Ghềnh - Long Biên cách đây ít hôm lại quy mô và kéo dài đến thế. Và với đức tin là làm lễ hầu đồng để cầu mong những điều tốt đẹp, nhiều bạn trẻ đã cùng gia đình mình ngồi hầu đồng với sự thật tâm và thành kính nhất.
Để làm nên một buổi hầu đồng, thành phần không thể thiếu được là đoàn hát văn với đầy đủ đàn, sáo, trống, nhị. Tham gia trong buổi hầu đồng này, toàn là những bạn trẻ 8X, 9X. Thậm chí người hát văn mới sinh năm 1995, đang là học sinh PTTH của một trường ở Hà Nội.
Hà Linh - người hát văn cho buổi hầu đồng ở đền Ghềnh cho biết: "Em hát được chầu văn là do bà nội dạy. Ban đầu em cũng không để ý lắm, nhưng càng nghe, em càng thấy hay.
Nhiều người đã hỏi em, sao trẻ thế mà đã thích hát chầu văn, nhưng em nghĩ, mình đam mê thì hát thôi, chứ không phân biệt tuổi tác. Chầu văn cũng là một loại hình văn hóa truyền thống. Nó còn được đưa vào văn hóa tín ngưỡng thờ đạo mẫu trong Phật giáo nữa".
Tìm cái tâm thanh thản
Trong các nghi lễ tôn giáo hiện nay, một nét mới lạ là việc người trẻ hầu đồng, tham gia hát chầu văn không hiếm. Họ tham gia công việc này chủ yếu xuất phát từ cái tâm muốn được thanh thản và làm việc có ích. Nhiều bạn trẻ tin rằng, thường xuyên tham gia các buổi hầu đồng và lên chùa sẽ có thể vượt qua mọi cám dỗ của cuộc sống.
Ly Ly (18 tuổi, ở phố Trần Quý Cáp, Hà Nội) cho biết: "Mỗi năm, nhà em làm hai lễ hầu đồng lớn vào tháng giêng và tháng 7 âm lịch để cầu mong gia đình bình an và có nhiều sức khỏe. Em cũng tham gia với bà và mẹ trong việc chuẩn bị đồ lễ.
Từ trước đến nay, em thấy mọi người hay phê phán là nhiều nơi làm lễ hầu đồng tốn kém như chuẩn bị hàng mã vài chục triệu, hay tiền bồi dưỡng cho người hầu trên các chiếu chầu. Nhưng đấy là những hình ảnh tiêu cực của một bộ phận nhỏ, chứ em nghĩ nếu mình làm từ tâm thì lễ đâu có quan trọng!".
Bác Hoàng Mai (phố Vọng - Hà Nội) chia sẻ: "Hầu đồng thực chất là một trong những tín ngưỡng văn hóa có từ lâu đời liên quan đến tục thờ Mẫu của người Việt cổ. Người Việt quan niệm có bốn thế giới tồn tại: Trên trời (Thiên Phủ), dưới đất (Địa Phủ), dưới nước (Thuỷ Phủ) và trên rừng (Nhạc Phủ). Mỗi thế giới đều do một người đàn bà cai quản gọi là các mẫu, các mẫu đều không có tên, duy mẫu Liễu Hạnh là mẫu Thượng Thiên danh tính đầy đủ.
Với mong muốn được "các ngài bề trên" che chở để con người có nhiều sức khỏe may mắn, mới có tục hầu đồng, như là cách "xin khéo" bề trên để mong mọi việc được hanh thông. Giới trẻ ngày nay cũng có người hiểu được ý nghĩa sâu xa ấy, nên nhiều người đi hầu đồng cũng không phải là chuyện quá ngạc nhiên".
Một giá đồng thực sự, hoàn toàn là sinh hoạt văn hoá mang hình thức tâm linh chứ không mang màu sắc "dị đoan". Song, đáng tiếc là những năm gần đây, một số người lạm dụng hình thức lên đồng, biến tướng thành hình thức mê tín dị đoan. Những người hầu đồng lại "mượn khẩu thần thánh" để phán xét, quở mắng, hù doạ... những con nhang, đệ tử nhằm trục lợi.
Tiếp nối và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Sau những xô bồ của cuộc sống hiện đại, con người rất cần thời gian “thiền" để sống tốt hơn. Và cách nghĩ này đang được nhiều người ủng hộ. Hiện nay, những người trẻ tìm đến với với các giá trị truyền thống ngày một nhiều.
Hầu đồng cũng là một phần của giá trị truyền thống trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Và chính giới trẻ cũng là sợi chỉ nối tiếp để gìn giữ bản sắc văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. |
Theo Lạc Thành
Đời sống & Pháp luật