Là Cosplayer cũng cần lắm - bản lĩnh!
(Dân trí) - Trong khi những kẻ ngoại đạo cho đây là trào lưu phù phiếm thì những Cosplayer có cả 1001 lí do để biện hộ bảo vệ cho trào lưu mình theo đuổi.
“Mình thích Cosplay vì nó cho mình cơ hội xinh đẹp và cá tính như trong truyện tranh” (M.T.A - thành viên CLB Cosplay HN). “Cosplay rèn cho mình tính tập thể bởi bọn mình chơi Cos theo nhóm, cùng làm trang phục, cùng lên ý tưởng, cùng trình diễn…” (Q. T - THPT Phan Huy Chú).
“Cosplay là cơ hội tốt nhất mình từng có để phát huy năng khiếu, khả năng sáng tạo, làm thời trang của bản thân, mình rất yêu thích và đang thành công” (M.T - một fan Cosplay từ ngày đầu).
Rồi Cosplay nâng cao ý thức qua hoạt động xã hội, hay Cosplay bồi dưỡng tinh thần nhân văn cao cả, hướng tới cái đẹp, làm phong phú đời sống. Nhưng dù thế nào đi nữa thì một trong những lí do quan trọng nhất, sâu xa nhất không thể phủ nhận là teen Việt đang ngày càng sống ảo hơn và chịu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài mạnh mẽ hơn. Đó là lí do vì sao Cosplay đang thâm nhập cực mạnh trong đời sống trẻ.
Cosplay là viết tắt của hai từ “costume” (trang phục) và “play” (kịch, trình diễn), được hiểu là một loại hình văn hóa ăn mặc như những nhân vật ảo của truyện tranh, phim, games…
Cosplay bắt đầu từ Nhật Bản sau đó lan nhanh sang nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Đức, Mỹ… Cosplay xuất hiện ở Nhật từ năm 1978 trong đại hội khoa học giả tưởng tại Ashinoko. Hàng năm lễ hội Cosplay lớn nhất của Nhật Bản là Japan’s World Cosplay Summit thu hút đông đảo sự tham gia của fan Nhật cũng như fan Quốc tế. Trên thế giới ước chừng hàng năm có hàng trăm festival lớn nhỏ về Cosplay. |
Thâm nhập đời sống Cosplay
Chơi Cosplay không phải dễ nên cho đến nay Cosplay chỉ mới phát triển tại các thành phố lớn với “tầng lớp” teen “chịu chơi”. Các mẫu Cosplayer rất đa dạng, phong phú. Mỗi người sở hữu một đến một vài bộ trang phục Cosplay để có thể “đổi gió”. Cosplay được làm theo đủ mọi nhân vật nổi tiếng của thế giới ảo như Kenshin, Okita shouji, Gothic Lolia…Một bộ trang phục đơn giản cũng phải có giá 300k, loại bình thường khoảng 700k, hơn nữa là hàng triệu thậm chí hàng chục triệu một bộ cũng có.
Một bộ Cosplay đầy đủ gồm trang phục và phụ kiện như tóc, vũ khí, khuyên, nhẫn, vòng, guốc…theo đúng như dạng thời trang của nhân vật đó. Các Cosplayer ít tới hiệu may đặt hàng vì không nhiều cửa hàng làm đúng được yêu cầu xa lạ của các chủ nhân teen, thậm chí cũng ít mua sẵn do không muốn “đụng hàng” nên nhiều Cosplayer tập trung công sức để tự thiết kế, vừa hợp sở thích lại đảm bảo “độc”.
Các phụ kiện và nguyên liệu làm thì có thể mua rời trên các phố, shop. Ở Hà Nội là Ninh Hiệp, Chợ Hôm, Đồng Xuân, Hàng Bồ, rồi các shop Harajuku, Death, Nute, Avatar…Ở TP.HCM là các đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi, với Juz4teen, Shark, World of cool…
Các phụ kiện này tính tổng sơ sơ cho một nhân vật thường được các Cosplayer đầu tư trên dưới một triệu. Cá biệt như anh chàng N.M.C sinh năm 1991 sở hữu bộ đồ đạt giải bạc cá nhân “Đêm hội Kim Đồng” với giá 26 triệu. Các phụ kiện và họa tiết của bộ đồ giống hệt như nhân vật. Bộ đồ này phải nhập các nguyên liệu chính gốc từ nước ngoài, đặt riêng các nghệ nhân, thợ kim hoàn tỉ mỉ khắc từng họa tiết trên khuy áo, vòng tay… Chỉ thế đủ biết Cosplay chẳng phải thú chơi tiết kiệm.
Cosplay thâm nhập vào đời sống teen Việt khi bản thân trào lưu đang bước vào giai đoạn thịnh vượng. Ở Việt Nam, trào lưu Cosplay bắt đầu du nhập vào từ năm 2003. Các thành viên của gia đình Cosplayers chủ yếu là các học sinh cấp 2 cấp 3, hiện nay có bổ sung thêm một số thành viên nhí cấp 1.
Tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng lượng fan của Cosplay ngày càng đông đảo. Các sự kiện về Cosplay cũng dần trở nên quen thuộc hơn. Chẳng hạn tại Hà Nội: Cuộc thi Cosplay lớn lần đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 10/2005 với tên là "AM Festival 2" được tổ chức tại triển lãm Giảng Võ; Năm 2006, lần đầu xuất hiện một cuộc thi Cosplay riêng mang tên "Stylish Festival"; Ngày 2/8/2008, diễn ra"Cosground" tại triển lãm Giảng Võ; Gần đây nhất, 9/2008 "Acctive Expo 2008" diễn ra ở cả 2 nơi là Hà Nội và TPHCM. Sự sôi nổi các chương trình trình diễn Cosplay chứng tỏ mối quan tâm ngày càng lớn của teen Việt với trào lưu Cosplay.
Cosplayer phải có đủ bản lĩnh
Không có gì là sai khi teen theo một trào lưu mới. Không có gì là sai khi teen muốn tìm cách thể hiện mình. Nhưng cũng như trước các trào lưu khác Cosplayer phải tự trang bị cho mình sự vững vàng về bản lĩnh.
Đừng để bản thân bị chi phối bởi văn hóa ngoại nhập mà đánh mất mình. Đừng trôi theo trào lưu và trở thành “nô lệ”. Teen phải biết làm chủ trào lưu và thể hiện mình hợp lí, đúng lúc, đúng nơi, tạo tiếng cười cho bản thân và mọi người. Khi mà những nhân vật ảo bạn coi là thần tượng kia cũng là biểu tượng của chiến thắng, chính nghĩa, trí tuệ, tình yêu cao cả… thì chính mỗi Cosplayer cần biết mình đang hướng theo điều gì trong đời sống thực.
Ngay cả cách chọn trang phục cũng có nhất thiết vô tình hay cố ý để “dân ngoại đạo” phải choáng vì độ rùng rợn hay độ hở hang đến giật mình? Khi thú chơi còn quá sức về tài chính với Cosplayer thì chi tiêu cho sở thích cá nhân cũng là bài toán cần giải bằng bản lĩnh phải không teen?
Nguyễn Mạnh Hùng