Ký ức khó quên của Thượng úy đã mai táng đồng bào qua đời vì Covid-19

Tú Như

(Dân trí) - Thượng úy Lê Hảo tới từ Tây Ninh là một trong những nhân vật được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2022.

Thượng úy Lê Hảo (Tây Ninh) sinh năm 1994, hiện đang công tác tại Phòng Chính trị thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh. 

Anh là một trong những nhân vật được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2022 vì đã có những thành tích, giải thưởng nổi bật ở lĩnh vực Quốc phòng. Ngoài ra, anh còn nhận được bằng khen và đoạt giải các cuộc thi do Quân đội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Đáng nói, Lê Hảo là một trong những chiến sĩ tự nguyện xung phong tham gia vào Tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19. 

Ký ức khó quên của Thượng úy đã mai táng đồng bào qua đời vì Covid-19 - 1

Thượng úy Lê Hảo từng đạt "Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân" năm 2021 (Ảnh: NVCC).

Nhiệm vụ đặc biệt trong Tổ công tác đặc biệt 

Khi nhận được tin Tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 được thành lập, anh đã cùng với đồng đội của mình xung phong, tự nguyện tham gia: "Lý tưởng của mình lúc ấy là quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc. 

Dù cho nhiệm vụ phía trước có khó khăn, nguy hiểm thì mình vẫn quyết tâm hoàn thành xuất sắc đến cùng". 

Anh Hảo chia sẻ những nhiệm vụ đầu tiên của anh và đồng đội khi dịch bệnh bùng phát chính là thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng về vấn đề phòng chống dịch Covid-19 đến với người dân: "Mình cùng đồng đội đã chuẩn bị và phân phát 3.000 tờ giấy gấp, 5.000 tờ rơi đến tận tay người dân, 24 bản ghi âm có nội dung về tuyên truyền phòng chống dịch ở bệnh viện, tuyến đầu... 

Ngoài ra, mình cùng đơn vị tiếp nhận, vận chuyển và phân phát hơn 1.000 tấn gạo, 2.000 thùng mì và hàng trăm nhu yếu phẩm khác như dầu ăn, muối, đường... đến các khu vực. Mình luôn hy vọng có thể lan tỏa yêu thương, tinh thần đoàn kết chống dịch đến người dân".

Tuy nhiên, khi con số tử vong do Covid-19 ngày càng tăng, anh nhận được tin một Tổ công tác đặc biệt sẽ được thành lập, nhiệm vụ là trực tiếp khâm liệm, mai táng những nạn nhân không may qua đời vì dịch Covid-19 tại nghĩa trang Chính sách Củ Chi (TPHCM). 

Ám ảnh không thể nào quên 

Chia sẻ với Dân trí, Lê Hảo cho biết khoảng thời gian ở Tổ công tác đặc biệt, anh đã có những ký ức không thể nào quên: "Mọi người hỏi mình có sợ nhiễm Covid-19 hay không? Mình trả lời, nếu sợ thì lúc ấy mình đã không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Dù mình biết khi tiếp xúc trực tiếp, mình sẽ có nguy cơ mắc rất cao. Tuy nhiên, mình cùng anh em chỉ tâm niệm cố gắng hết mình để đưa đồng bào về nơi an nghỉ cuối cùng". 

Lê Hảo tâm sự, sau khi chứng kiến những mất mát của đồng bào, các cán bộ, chiến sĩ khá sốc. Tuy nhiên, vì tính chất công việc là trực tiếp tiếp nhận, xử lý thi hài nên mọi người ở Tổ công tác đặc biệt đã nhanh chóng vực dậy tinh thần, thích ứng với hoàn cảnh và tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Trong lúc làm việc, một số người thân của đồng đội anh không may qua đời do dịch Covid-19. Tuy nhiên, họ không được phép về nhà vì họ vẫn đang thực hiện công tác đặc biệt này.

Ký ức khó quên của Thượng úy đã mai táng đồng bào qua đời vì Covid-19 - 2

Mặc dù Lê Hảo biết tính chất công việc nguy hiểm, song anh vẫn nỗ lực cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ được giao (Ảnh: NVCC).

"Mọi người đã an ủi, động viên lẫn nhau để cố gắng chăm lo cho các thi hài thật chu đáo. Vì anh em tin rằng thi hài của người thân mình cũng được lực lượng chiến sĩ khác chăm lo như vậy", Lê Hảo nhớ lại khoảng thời gian trước đây. 

Anh chia sẻ, mặc dù tâm lý có vững vàng đến đâu, nhưng khi anh nhìn thấy hình ảnh đồng đội của mình vừa đeo khăn tang vừa làm việc; họ phải gạt đi nước mắt, nén nỗi đau để tiếp tục khâm liệm, mai táng thi hài, anh không thể nào quên được.

Sau đại dịch, anh tiếp tục cùng đơn vị thực hiện các nhiệm vụ để tuyên truyền, hỗ trợ người dân trở về trạng thái bình thường mới. 

Bố mẹ luôn là hậu phương vững chắc

Lê Hảo được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội của anh là liệt sĩ. Anh luôn muốn giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình. 

"Khi nghe tin về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt, mình và đồng đội lập tức tình nguyện xung phong tham gia. Ban đầu, mình không dám chia sẻ với gia đình vì sợ ba, mẹ và người thân lo lắng. Hơn hết, công việc này trước đây chưa từng có tiền lệ và không ai biết nguy hiểm trước mắt sẽ như thế nào. 

Tuy nhiên, mình đã nói và trấn an bố mẹ vì mình biết không có công việc nào là đơn giản cả. May mắn thay, mình đã nhận được sự ủng hộ từ gia đình. 

Bố đã động viên mình: "Con đi làm nhiệm vụ phải làm hết sức mình. Con phải chăm lo chu đáo cho những nạn nhân không may qua đời do Covid-19; coi họ như người thân trong gia đình" và mình cứ thế lên đường thực hiện nhiệm vụ", Lê Hảo nhớ lại thời gian đầu khi Tổ công tác đặc biệt được thành lập. 

Ký ức khó quên của Thượng úy đã mai táng đồng bào qua đời vì Covid-19 - 3

Lê Hảo may mắn khi nhận được sự ủng hộ của gia đình trước nhiệm vụ ở Tổ công tác đặc biệt (Ảnh: NVCC).

"Mình thường hay tranh thủ những lúc rảnh rỗi gọi điện về báo cáo tình hình cho gia đình. Ngoài ra, mình cũng dặn dò bố mẹ chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc phòng chống dịch. 

Bố mẹ cũng động viên, hỏi thăm tình hình sức khỏe mình. Những tình cảm của hậu phương lúc ấy chính là động lực để những người ở tiền tuyến như mình bước tiếp, thực hiện nhiệm vụ", Lê Hảo bộc bạch tâm tư trong khoảng thời gian xa nhà. 

Với những thành tích và hoạt động mình đã tham gia, Lê Hảo có mặt trong đề cử Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2022.

Anh khá bất ngờ khi mình nằm trong danh sách đề cử này: "Mình cảm thấy vui và vinh dự khi cùng 19 gương mặt trẻ khác nằm trong danh sách đề cử. 

Mình mong rằng khi nhận được giải thưởng danh giá này, mình sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ hướng về Tổ Quốc".