Ký túc xá lúc 0h: Ngủ ngày “cày” game đêm
Ký túc xá (KTX) là nơi lưu trú của sinh viên xa quê, thế giới thu nhỏ đời sống sinh viên. Khi thành phố lên đèn, bao câu chuyện diễn ra ở KTX trong những đêm không ngủ.
KTX lên đèn
Để tìm hiểu về cuộc sống sinh viên ở KTX buổi đêm, tôi nhờ T.V.H. - người bạn cùng quê đăng ký với ban quản lý cho được ở lại trong KTX trường H. đang theo học (thuộc một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội).
Buổi tối cuối tuần, không gian KTX nhộn nhịp. Sau một ngày học tập căng thẳng, sinh viên giải trí bằng hoạt động thể thao đá cầu, bóng rổ, tập võ, bóng chuyền… Nhiều bạn tụ họp thành từng nhóm, ngồi tán chuyện dưới những gốc cây. Dưới cột đèn, với chiếc guitar, những gói bim bim, nước ngọt… một nhóm sinh viên đang tổ chức sinh nhật cho bạn cùng phòng.
Ở góc khuất không xa, dưới gốc cây xà cừ, hai nam sinh viên đánh đàn guitar và cùng nhau hát. Giọng ca trầm bay bổng, tiếng guitar đệm theo một cách điêu luyện nhịp nhàng, gây sự chú ý đặc biệt cho nhiều người đi qua.
Theo tiếng đàn hát, tôi lại gần làm quen. Trong "tiệc" có rượu. Hai chai rượu, 1 gói mì tôm sống được bóc ra đổ vào giấy A4 làm mồi nhậu. Hai người giới thiệu tên Lực và Dân, sinh viên trong trường. Vì mới chia tay người yêu nên hai người kẻ mua rượu, kẻ góp mì tôm ra … giải sầu.
Tạm biệt hai chàng trai thất tình, tôi tìm đến thư viện KTX. Trái ngược cảnh ồn ào, náo nhiệt bên ngoài, ở đây, nhiều sinh viên đang đọc sách, tìm tài liệu học bài… . Mỗi người một cách học tập khác nhau, nhưng ai cũng muốn giữ không gian chung yên tĩnh.
Nguyễn Thị Hoa, một sinh viên chia sẻ: “Phòng mình buổi tối mỗi người một việc riêng, không có không khí học tập. Thấy bạn ngồi chơi, tán chuyện với nhau mình lại mất tập trung, nên mình thường lên thư viện học bài, vừa yên tĩnh, thấy các bạn học ở đây chăm chỉ thì mình cũng cố gắng hơn”.
22h50, hồi chuông thứ nhất vang lên báo hiệu KTX sắp đóng cổng. Những sinh viên đi làm về muộn chạy bộ vào cổng, thở hổn hển. Nhiều chàng trai đi trên những chiếc xe máy, ô tô sang trọng chở người yêu là nữ sinh về kịp giờ đóng cổng. Họ tạm biệt nhau bằng một nụ hôn. Nhưng cũng có nhiều xe máy, ô tô đến đón những sinh viên nữ rời khỏi KTX lúc này.
KTX đóng cổng, tôi về phòng. Hôm nay, ngoài tôi có thêm 2 người nữa cũng ở lại qua đêm, nhưng họ không đăng ký với ban quản lý. H. kể, họ vào đây chơi game suốt, đăng ký nhiều ban quản lý không cho nên thường vào chơi là ở chui luôn.
“Cuộc chiến” bắt đầu
23h30, nhân viên ban quản lý KTX đi kiểm tra. Nhóm sinh viên đang chơi game nhanh chóng ổn định, trật tự. Hai người bạn ở chui như đã quá quen với cảnh này, người vào nhà tắm, người vào nhà vệ sinh, trèo tít lên trên tường nhà. Kiểm tra không thấy gì bất thường, ban quản lý đi về, họ lại trèo xuống tiếp tục cuộc chơi.
Không ngủ được vì lạ phòng, tôi rủ Hùng, cậu sinh viên mới quen ra hành lang hóng gió. Hùng kể, ở đây có nhiều gương sinh viên nghị lực vươn lên, học tập tốt. Hùng chỉ tôi những ánh đèn sáng bên các ô cửa sổ, nhiều sinh viên đang miệt mài đèn sách. Đi dọc hành lang các phòng, tôi thấy ánh đèn le lói hắt ra từ nhiều phòng học.
Một nhóm sinh viên đang học nhóm với nhau giữa đêm, họ cùng thảo luận những bài tập với nhau, giọng nói thủ thỉ sợ ảnh hưởng giấc ngủ các bạn khác trong phòng. Nhưng không gian yên tĩnh khiến tiếng thì thầm vang ra bên ngoài cửa sổ. Nhìn qua cửa, tôi thấy một sinh viên đang vừa học tiếng Anh, vừa ăn khoai nướng. Nhiều sinh viên học đêm chọn bữa ăn là những bắp ngô, gói mỳ tôm, bánh mỳ.
Hùng kể, KTX là môi trường tập thể nên vẫn xảy ra những chuyện trộm cắp về đêm. Có những người nửa đêm đi dọc hành lang các phòng lấy trộm đồ đang phơi trên sào trước phòng. Nhiều trường hợp đang đêm lẻn vào phòng người khác, khi bị phát hiện thì giả vờ xin mỳ chống đói, mượn đồ. Máy tính là tài sản rất lớn và dường như không thể thiếu để phục vụ học tập. Nhưng chuyện sinh viên bị lấy trộm máy tính ở đây đã diễn ra nhiều.
Là nạn nhân của những vụ trộm đêm, N.Q.Đ tâm sự: “Sinh viên ở đây thi thoảng bị những cuộc “viếng thăm” bất ngờ. Khi là sinh viên năm 2 mình đi làm thêm, tích góp tiền mua được chiếc máy tính cá nhân phục vụ học tập, dùng được hai tuần thì chiếc laptop đã không cánh mà bay.
Không dám nghi ngờ ai, mình ở lại làm thêm dịp hè để mua chiếc máy tính khác. Bây giờ rút kinh nghiệm, mỗi đêm trước khi đi ngủ bọn mình thường khóa phòng, cất đồ có giá trị như điện thoại, laptop, ví… đề phòng kẻ gian”.
Quay trở lại chuyện chơi game. Hỏi N.V.T, một người bạn mới quen, cậu cho biết: “Bọn mình chơi nhiều game, đủ các thể loại. Online, offline, từ game cổ như đế chế, halflife đến những game mới nổi trên thị trường. Nhiều bạn còn đầu tư rất nhiều trang bị như bàn phím rời, chuột để chơi game thuận tiện hơn”.
Tôi trở về phòng của bạn mình. Cậu sinh viên phòng bên gạ gẫm giao lưu game. Vội vàng thu xếp mấy chiếc áo cho vào tủ, Long, một thành viên trong phòng lục lấy máy tính và vội lôi con chuột, gọi thêm hai chiến hữu chuẩn bị chơi game thâu đêm – được gọi “văn chương” là “Những trận chiến thực sự của những người đàn ông”.
Những âm thanh phát ra từ game đế chế, những tiếng bình luận của các thành viên đan xen lẫn nhau. Chỉ khổ cho nhiều sinh viên khác trong phòng muốn học mà chẳng có không gian. Lúc này, tôi mới để ý đến L.V.N., cậu sinh viên ít nói hơn so với các bạn cùng phòng. Khuôn mặt N. khó chịu khi nhìn các bạn trong phòng chơi game.
N. tâm sự: “Muốn yên tĩnh để học tập cũng không được, nhắc nhiều rồi nhưng không ăn thua vì người chơi game nhiều hơn người học. Nên đôi khi đeo tai nghe, hoặc xuống thư viện để lại phòng cho mấy ông chúa game này vậy”.
Trong lúc cả nhóm đang chơi game, một cậu bạn lên tiếng: “Đun nước ăn mỳ chuẩn bị đánh “kèo ăn sáng”. Kèo ăn sáng là cuộc game sẽ bắt đầu từ lúc hơn 23h đêm và kéo dài đến 5-6 giờ sáng, nhiều khi còn dài hơn. Và kết thúc cuộc chơi, đội thua sẽ phải trả tiền cho bên thắng hoặc mời cả đội đi ăn sáng.
Ăn mỳ xong, tiếng leng keng lại tiếp tục kêu, cuộc chiến thâu đêm của những game thủ bắt đầu. Những cuộc chiến thâu đêm như thế này làm mất ngủ không ít người. Sẵn mối bực dọc trong người, L.V.N. to tiếng: “Các anh chơi game thì chơi chứ đừng la hét lớn thế, để em còn ngủ mai phải đi học sớm”. Nhóm bạn chỉ cười trừ, rồi lại chơi tiếp khi đồng hồ đã chỉ 2h sáng.
Những “chiến binh” ký nợ
Đêm thứ 2 ở KTX. Hôm nay mạng ở đây yếu, nên dù đã 22h, Long còn rủ tôi cùng đi với nhóm bạn xem “chém chế” (chơi game đế chế). “Thế đêm có về đây ngủ không”, tôi hỏi. Long cười bảo: “Ra chơi cho vui, yên tâm chơi đi, quán quen rồi ở đây chơi qua đêm, mệt thì ngủ thoải mái”.
Trước khi vào chơi game, cả nhóm kéo vào quán vịt nướng. Vừa vào đã nghe thấy giọng khàn khàn của một cậu sinh viên: “Ngủ mơ thế mà không trúng”. Ngồi cùng bàn, nhiều sinh viên khác cũng than hôm nay “tịt lô”, rồi cùng “nghiên cứu” mai đánh tiếp con gì để gỡ lại. Thì ra, mấy sinh viên chơi lô đề không trúng, nên ra đây uống rượu "giải đen". Ngồi một lúc, mấy sinh viên bàn tính việc đi "đá PS" (một loại game đá bóng) đợi sáng rồi về, vì KTX đã đóng cửa.
Đã gần 1h sáng, thành phố đã tắt đèn và chìm trong giấc ngủ, những quán bia, game quanh KTX vẫn nhộn nhịp. Công an phường đi tuần vừa bắt được một quán game mở muộn, lập biên bản xử lý. Những sinh viên bị đuổi ra khỏi quán, chơi chưa đã, nhiều cậu mặt tỏ vẻ bực tức. Bên ngoài cánh cửa đóng chặt để che mắt các cơ quan chức năng, nhưng thực tế các quán game ở đây thường mở thâu đêm.
3h20’ sáng, ở quán internet Long chơi lúc này nhiều “con nghiện” đã bắt đầu thấm mệt, đây chính là thời gian “ăn tiền” của những chủ quán internet. Những bát mỳ tôm trứng, thuốc lá, xúc xích, nước ngọt,.... chỉ cần gọi sau 5 phút sẽ đầy đủ theo yêu cầu.
Tôi kê chân ngủ tạm trên ghế. Tiếng game, mùi khói thuốc làm không khí phòng máy ngột ngạt. Thỉnh thoảng lại có tiếng thét thất thanh trong đêm vì thua game. 5h sáng, tôi đang say giấc thì Long gọi dậy về KTX ngủ.
Khi bước ra bàn thanh toán tôi ngỡ ngàng về mức giá mà ông chủ đưa ra: “70.000 mỗi đứa. Tiền thuốc, nước, ăn đêm, tiền máy…”. Long đáp lại: “Anh ghi sổ lại cho em. Sắp cuối tháng rồi em đưa luôn thể”.
Nhìn qua những con số trong cuốn sổ ghi nợ tôi hiểu phần nào tại sao Long luôn chọn quán này. Long nói: “Ở đây họ cho nợ, với lại thoải mái, nên cứ chơi khi nào có tiền thì trả sau”.
Theo Phan Anh
Tấm gương/Tiền phong