Kỷ niệm Tết chẳng thể phai mờ của những nữ sinh xinh đẹp

(Dân trí) - Đối với Phạm Khánh Linh, Phương Uyên và Trần Ngọc Châm, Tết không chỉ là những niềm vui rộn rã, mà còn chứa đựng các kỷ niệm xúc động, đáng nhớ và khó quên.

Phạm Thị Khánh Linh – Á khôi 2 Nữ sinh duyên dáng Việt Nam 2014

 
Kỷ niệm Tết chẳng thể phai mờ của những nữ sinh xinh đẹp
 

Dịp Tết lên 10 tuổi đã để lại trong lòng của Khánh Linh một ấn tượng, niềm xúc động khó phai. Năm đó, Khánh Linh được bố mẹ cho về quê ăn Tết cùng ông bà. Cô bạn cho biết, Tết ở quê nhộn nhịp không kém gì thành phố, nhà nhà tất bật chuẩn bị tân trang lại nhà cửa. Từ ngõ nhỏ đi vào, Linh đã trông thấy rực rỡ cờ hoa.

 

Với cô bé 10 tuổi khi đó, dường như đã bị cuốn theo dòng chảy đấy, hoà cùng không khí rộn ràng mà quên đi cảm giác nhớ nhà. Điều Linh thích nhất là được cùng ông bà gói bánh chưng.
 

“Đó là lần đầu tiên mình gói bánh chưng. Từng chiếc bánh vuông vắn, xanh mượt được bàn tay khéo léo của bà và Linh gói ra. Đó là sự tự hào và vui sướng vì thành quả đã có hình hài.

 

Sau khi làm xong bánh, lại là cảm giác háo hức mong chờ nồi bánh chưng chín. Linh nhanh tay bóc chiếc bánh mình gói ăn thử, thấy bánh ngon và thơm đến lạ thường! Có lẽ là do bản thân gói nên cảm giác vậy chăng?”, Linh chia sẻ.
 
Kỷ niệm Tết chẳng thể phai mờ của những nữ sinh xinh đẹp

 

Không chỉ vậy, Linh còn cùng ông trang trí cây đào đã được trồng cẩn thận trong chậu. Và cuối cùng, đêm giao thừa Linh mong chờ nhất cũng đã đến, khoảnh khắc đồng hồ điểm số 12.

 

“Khi ấy, lòng mình trở nên xốn xang, và xen lẫn đó là cảm giác nhớ nhà, nhớ bố mẹ, em gái vô cùng. Những cảm xúc vui, buồn đan xen lẫn lộn. Linh nhớ, giờ này những năm trước bản thân đang được bố mẹ dắt đi xem pháo hoa. Còn ở quê, không bắn pháo hoa như vậy, chỉ là những tràng pháo nổ rộn ràng”.

 

Trong ký ức của Linh, vẫn còn nguyên hương pháo đã xông vào, khiến cả nhà đầy ắp mùi vị Tết đến. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới dường như ngắn lại, lòng người cũng đọng lại những cảm xúc hỗn tạp.

 

Linh đã chạy thật nhanh đến bên chiếc điện thoại, bấm số gọi về nhà. Chỉ sau 3 tiếng tút dài, đầu máy bên kia đã vang lên giọng nói nhẹ nhàng của mẹ. “Lúc này cảm xúc của Linh bỗng vỡ oà, cổ họng đắng ngắt lại, chầm chậm nói trong tiếng nấc. Mẹ cũng vậy, cũng rất nhớ Linh.

 

Sau cuộc nói chuyện ngắn giữa hai mẹ con, Linh đến bên ông bà, tận hưởng trọn vẹn mùi vị của Tết. Đó là kỉ niệm đẹp mà mỗi dịp Tết đến xuân về mình không thể nào quên, luôn trở về trong kí ức của Linh, theo từng bước chân trưởng thành”, Linh bộc bạch.

 

Trần Thị Ngọc Trâm - Miss bình chọn Nữ sinh Duyên dáng Việt Nam 2014

 
Kỷ niệm Tết chẳng thể phai mờ của những nữ sinh xinh đẹp
 

Là cô gái hiếu động, dịp Tết ngày còn bé, Ngọc Trâm chơi pháo hoa đã từng làm cháy hết tóc của mình, khiến ngoại hình trông cực kỳ nham nhở, thảm hại.

 

“Mẹ khó tính nên mình rất sợ, không dám về nhà. Mình phải trốn dưới nhà bác tới tận tối, khiến mẹ giận, cầm theo roi đi tìm.

 

Khi mẹ đang bừng bừng cơn giận, lại thấy tóc con cháy xém như thế, lại càng bực hơn nên đã đem mình về nhà cắt luôn mái tóc. Bố can ngăn nhưng không được, nên kể từ đó mình để kiểu tóc ca sĩ Mỹ Linh, cho đến năm lớp 8 mới nuôi tóc dài”.

 

Đó là trò nghịch ngợm của Ngọc Trâm khi còn thơ bé mà giờ đây, khi trưởng thành, nhớ lại vẫn còn muốn cười. Tuy nhiên, bên cạnh kỷ niệm vui, cô gái cũng có không ít ký ức buồn và xúc động.

 
“Trước đây, gia đình mình rất khó khăn. Cứ Tết đến, bạn bè có quần áo mới nhưng nhà
 

“Trước đây, gia đình mình rất khó khăn. Cứ Tết đến, bạn bè có quần áo mới nhưng nhà  mình không đủ điều kiện để sắm sanh cho con cái, phải xin lại trang phục từ những người khác.

 

Nhìn bạn bè xúng xính váy áo mới đẹp, mình cũng tủi thân, nhưng không nói ra. Nhiều lần mình ngồi trong nhà tắm xả nước rồi khóc, không để bố mẹ phát hiện”, Trâm nói.

 

Là con cả trong một gia đình thiếu thốn vật chất, Ngọc Trâm trưởng thành nhận thức khá sớm. Với Trâm, những năm gần đây, điều kiện kinh tế trong nhà được cải thiện nhưng mỗi dịp Tết đến, hai mẹ con lại không khỏi bồi hồi, xúc động, thậm chí rơi nước mắt khi kể chuyện ngày xưa.

 

Lê Phương Uyên - Hoa khôi Sư phạm TP. Hồ Chí Minh 2013

 
“Trước đây, gia đình mình rất khó khăn. Cứ Tết đến, bạn bè có quần áo mới nhưng nhà
 

Với Phương Uyên, ngoài những niềm vui sum họp và đi chơi, Tết còn gắn liền với những lần xông đất đêm Giao thừa. 15 phút trước khi đồng hồ điểm thời khắc giao thoa năm cũ và năm mới, gia đình Phương Uyên sẽ cử đại diện xông nhà, mang theo bao lì xì và những lời chúc cho các thành viên còn lại.

 

Nhưng kỷ niệm khiến nữ sinh Sư phạm duyên dáng này cảm thấy ngại ngùng, ấn tượng nhất phải kể đến Tết ngày thơ bé, khoảng lớp 3,4. Hồi bé, mỗi dịp Tết đến, như nhiều bạn bè cùng lứa tuổi khác, Uyên đều được mẹ mua quần áo mới. Bộ nào đẹp nhất, Uyên để dành để mặc vào ngày mồng 1 đầu năm.

 

“Uyên còn nhớ, từ sáng sớm, mình đã thức dậy, vô cùng háo hức lấy ra trong tủ bộ đẹp, thậm chí chuẩn bị tươm tất với đủ phụ kiện như: băng đô, vòng tay, giày mới… Vì còn bé, mẹ thường sửa soạn cho Uyên, nhưng lúc đó quá nôn nóng nên đã tự mình thực hiện hết. Khi mẹ ngủ dậy đã thấy con gái điệu đà nên rất ngạc nhiên”, Uyên bày tỏ.

 
“Trước đây, gia đình mình rất khó khăn. Cứ Tết đến, bạn bè có quần áo mới nhưng nhà
 

Phương Uyên đã vô cùng tự hào khoe thành quả lần đầu tiên “làm đẹp” và hối hả giục mẹ sửa soạn để đi chúc Tết mọi người. Lúc này mẹ cô bạn mới phì cười hiểu ra và giải thích cho Phương Uyên rằng hôm đó mới là sáng 30 Tết.

 

Uyên chia sẻ: “Sau đó, mẹ có kể với cả nhà, làm mình bị cười một trận. Hóa ra, chỉ vì quá háo hức muốn nhận lì xì và diện quần áo mới mà mình có một phen vừa mừng hụt vừa mắc cỡ nhưng lại đặc biệt ngọt ngào, khó quên”.

 

Hoài Thư