Kỷ niệm biển đảo thiêng liêng của tác giả bộ ảnh ấn tượng về Trường Sa
(Dân trí) - Chuyến đi Trường Sa giúp chàng trai Vũ Tuấn Anh (1984) có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống của người dân, chiến sĩ, để cảm nhận tình người và cả sự thiêng liêng trong giờ phút cầu siêu, gắn kết cộng đồng…
Từ ngày 18 – 26/4/2014, chàng trai Vũ Tuấn Anh may mắn có mặt trên con tàu HQ 571. Đây là chuyến thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 dành cho đoàn kiều bào tiêu biểu, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải Quân tổ chức.
“Trường Sa là một nơi khó để đi, không phải ai cũng có cơ hội nên ngoài việc muốn khám phá cảm giác lênh đênh trên biển, đến những nơi xa, mình rất tò mò ngoài ấy như thế nào, con người, chiến sĩ sinh hoạt ra sao”, Tuấn Anh chia sẻ.
Chuyến đi của chàng trai này vào tháng ba (âm lịch) thế nên trời yên, biển lặng. Do chưa khỏi ốm nên khi lên tàu anh đã ngủ một giấc, sáng mai dậy “thấy đại dương mênh mông xanh ngắt một màu, rất là đẹp. Lúc đó cảm giác thích thú lắm vì lênh đênh giữa một không gian rộng lớn, còn nhìn thấy cá heo, cá chuồn là là trên mặt nước”. Thời gian trên tàu rất nhiều, nên anh cho biết, hằng đêm, mọi người chia thành các nhóm nhỏ giao lưu, làm quen, tụ tập, ca hát…
Tuấn Anh kể, lúc tàu thả neo ở vị trí cách đảo Gạc Ma khoảng 7 dặm để làm tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa, không chỉ anh mà mọi người đều rưng rưng nước mắt.
“Mình nhớ chi tiết thú vị lúc thả hoa đăng xuống biển. Ban đầu sóng to thổi tắt nến nên mọi người tiếp tục thả thêm rất nhiều. Sau khi thả xong, tất cả đứng từ trên tàu nhìn xuống, trông thấy những chiếc đèn hoa đăng nối đuôi nhau xếp thành hình chữ S trôi về phía đảo Gạc Ma. Đoán là do hướng gió nhưng hình ảnh ấy khiến lòng anh có cảm giác lạ lắm”, anh bày tỏ.
Tình người nồng ấm của quân, dân trên đảo
Anh cho biết, ấn tượng đầu tiên của mình khi lên đảo chính là thấy mấy con chó ở đảo chìm sủa lên khi thấy tàu cập cảng, thậm chí có con bơi hẳn xuống nước. “Khi mình gọi, nó chạy lại ngay, rất thân thiện. Chó ngoài Trường Sa lớn thậm chí còn giơ chân trước ra bắt tay với anh. Có lẽ đây là những điều bất ngờ không nằm trong hình dung trước đó nên mình cảm thấy bất ngờ và thích thú”.
Hay trong một lần giao lưu, anh thấy vô cùng thiêng liêng khi chiến sĩ đứng lên hát bài Đất Việt - tiếng vọng ngàn đời mang âm hưởng hào hùng. “Điều này đã khiến ai có mặt cũng lặng đi vì xúc động. Thậm chí có những kiều bào đã khóc và về sau, mọi người nắm tay nhau cùng hát. Lúc đó tất cả gắn kết với nhau, đều chung một dòng máu, một dân tộc”.
Anh kể, ban đầu tưởng đảo to nhưng thực tế là rất nhỏ. Được coi là khách nên cả đoàn được các chiến sĩ tiếp đón rất chu đáo, dành những thứ tốt đẹp nhất. Không chỉ chiến sĩ, người dân trên đảo cũng rất thật thà, chân tình. “Ở đây, họ không quá thiếu thốn về vật chất mà chủ yếu là tinh thần, nhất là vắng bóng phụ nữ nên đoàn văn công lên được hưởng ứng rất nhiệt tình”.
Sự lo lắng và ý thức hơn về trách nhiệm chính mình
Trở về từ chuyến Trường Sa, sau khoảng nửa tháng, lại có vụ việc Trung Quốc đưa trái phép dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, Tuấn Anh cũng bày tỏ những lo lắng cho đất nước và các chiến sĩ đang ngày đêm cầm súng biển trời Tổ quốc.
Từng nhìn thấy và không kìm được nước mắt khi thấy hai ngôi mộ của chiến sĩ mới ngoài hai mươi tuổi ở ngoài đảo Trường Sa lớn. “Lúc ấy mình có suy nghĩ rằng, khi bản thân đang ở trong đất liền với điều kiện đầy đủ, thì họ, chỉ bằng hoặc ít hơn tuổi mình lại sống khắc nghiệt, thiếu thốn, luôn phải đối mặt với những thế lực thù địch, thậm chí chiến đấu và hy sinh như vậy.
Thế nên mình thương và khâm phục các chiến sĩ rất nhiều. Qua đó, cá nhân cũng có ý thức, trách nhiệm hơn với chính bản thân. Trân trọng, biết ơn để sống có ích hơn”. |
Hoàng Dung