Kỳ nhông - thú yêu mới của giới trẻ Hà thành

(Dân trí) - Trước nay, có lẽ ít ai ngờ tới con vật có bề ngoài xù xì, thậm chí gớm ghiếc như kỳ nhông lại trở thành một thú yêu của rất nhiều bạn trẻ. Giá của loài bò sát này trên thị trường cứ tăng lên vùn vụt theo đà háo hức đi sưu tập kinh nghiệm chăm nuôi kỳ nhông!

Thú chơi thời thượng

 

Thích có một con kỳ nhông lắm rồi, bác nào có thì để lại cho em nuôi. Không có mà biết chỗ nào bán thì chỉ chỗ cho iem cũng được”, những lời nhắn gửi dạng này đang xuất hiện nhan nhản trên khắp các diễn đàn dành cho giới trẻ.

 

Lý giải cho điều này, Tạo “kỳ” (số 2 Thái Hà), một cao nhân mới nổi trong giới chơi kỳ nhông Hà thành, với thành tích chăm sóc cùng lúc 4 con kỳ nhông đủ loại màu sắc cho hay: “Ưu thế đầu tiên cho việc “đầu tư thời gian, tiền của” nuôi kỳ nhông là lạ. Trong khi thú chơi tao nhã như nuôi chim, nuôi cá đang dần được liệt là thú chơi của “các cụ” thì kỳ nhông với vẻ ngoài ghê ghê khiến những ai chơi con này có thể ngẩng cao đầu tự hào là đồ độc”.

 

Nói về cái duyên kỳ ngộ với thú chơi mới, M - một người đã có thâm niên nuôi kỳ nhông từ khi Hà Nội còn chưa có nổi một quán thịt kỳ nhông đúng nghĩa cho biết: “Đợt đó đang là sinh viên, mấy thằng rủ nhau sang Lào du lịch, đến vùng Thượng Lào thấy người ta thịt từng con phải hàng cân, xỏ qua que, đã chặt đầu rồi nướng nhỏ lửa bằng củi khô… phải lột sạch, làm sạch bóp muối ớt rồi nhồi vào ống tre, đem nướng.

 

Khi về Hà Nội một lần dạo chơi ở chợ Đồng Xuân, thấy một chủ hàng gạ mua mấy con kỳ nhông đang ế, thế là vác về nuôi rồi “yêu” từ lúc nào không hay”.

 

Có lẽ cũng vì yêu quá nên hiện giờ gia tài kỳ nhông của gã này đã lên tới con số 6, trong đó đặc biệt có một kỳ nhông cảnh thuộc diện “xách tay” từ Nga (?). “Hôm rồi có mấy thằng ở Hải Phòng lên gạ em 3 triệu con này, em đuổi thẳng cổ. Mua tận gốc đã 2 trăm đô rồi”.

 

Theo nhận xét của dân chơi kỳ nhông chuyên nghiệp, ưu điểm của vật nuôi này là sạch sẽ, dễ nuôi, không bị hôi như nuôi chim hay một số loài khác. Tuy nhiên, nắm bắt được nhu cầu về thú chơi mới, giá kỳ nhông cũng “leo thang” một cách không thương tiếc.

 

Theo bật mí một chủ hàng kinh doanh thú nuôi tại chợ Đồng Xuân, nhu cầu chơi kỳ nhông của giới trẻ Hà Nội đang vào thời kỳ cực “thịnh”. Nguồn hàng từ một số tỉnh miền núi phía bắc Hà Nội không đáp ứng được nhu cầu. Để có đủ hàng cung cấp cho thị trường, nhất là những loại có vẻ ngoài lạ, càng ghê ghê càng tốt người chơi thường phải đợi từ 3-5 ngày hàng từ phía trong đưa ra. Tất nhiên khi đó giá cũng sẽ khác đôi chút.

 

Theo đúng quy luật cung cầu, giới hậu sinh chơi kỳ nhông tại Hà Nội đang phải đương đầu với chuyện “giá lên sàn” của kỳ nhông.

 

Kỳ nhông tăng giá

 

Kinh nghiệm “chăm” kỳ nhông:

 

Kỳ nhông là loài rất ham nước nên thường xuyên trong lồng phải để sẵn một âu nước lớn nhỏ tuỳ theo kích thước “em nó”.

 

Chuyện ăn uống cho kỳ nhông khá đơn giản, mùa đông thì không cần phải cho ăn nhiều, chủ yếu là giữ ẩm và thỉnh thoảng cho ăn một quả trứng chim cút (khoảng 2 tuần 1 quả), nếu bắt thêm được con gián nào thì “bồi bổ” thêm. Mùa hè thì cho ăn nhiều hơn một chút, thức ăn phong phú hơn nhiều: chuối, nho, xoài, mít (loại chín hơi nẫu).

 

Đến một thời kỳ nào đó kỳ nhông sẽ lột da (giống như rắn). Lúc đó kỳ nhông sẽ cựa mình vào thành lồng, thành bể, da tróc từng mảng lớn, kiếm cho nó một khúc gỗ sần sùi hoặc một hòn đá ráp thật to để chúng có bàn nhám lột da.

 

Sau khi lột da, nên cho chúng ăn nhiều rau xanh như cải bắp hoặc rau chân vịt sẽ thấy kỳ nhông lớn lên trông thấy.

Chị Thu, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp kỳ nhông tại chợ Đồng Xuân, tiết lộ: “Cả khu kinh doanh vật nuôi, thú nuôi của chợ Đồng Xuân chỉ có vài ba cửa hàng chuyên cung cấp kỳ nhông. Người mới chơi thường chọn mua con có kích thước nhỏ trưởng thành, màu mẽ sặc sỡ và giá tiền cũng không cao lắm, chỉ khoảng 70-80 nghìn một con bao gồm cả lồng sắt”.

 

Nhắc đến chuyện giá cả, Tạo “kỳ” thở dài thườn thượt, trước đây giá trung bình một con kỳ nhông tại Hà Nội chỉ chừng 40-50 nghìn, nếu mua tại Hoà Bình, Hà Tĩnh thì gần như được cho không với cái giá quá “mùn củi”. “Nếu bây giờ muốn mua được con kỳ nhông xách tay, người chơi phải trả tiền triệu mà nhiều khi vẫn gặp phải loại “xách tay” ở Hà Nội.

 

Theo “mách nước” của một số dân chơi kỳ nhông có kinh nghiệm, người mới chơi kỳ nhông thường dễ bị người bán “luộc” bằng cách đưa cho hàng thải loại, bị sứt móng, gẫy đuôi hay chột mắt. Khi đi mua kỳ nhông nhớ chọn con nào đứng nghển cao đầu bằng hai chân trước vì đó là những con khoẻ mạnh, sau đấy kiểm tra một lượt toàn bộ móng, đuôi, nên lấy con nào sừng lưng dài một chút vì đó là con trưởng thành, sức chịu đựng cao hơn

 

Dịch vụ trọn gói cho kỳ nhông

 

Chẳng thể ngờ con vật có bề ngoài “cá sấu” như thế lại được chăm sóc bằng hàng loạt những dịch vụ làm cảnh rất đa dạng. Bây giờ không chỉ nuôi kỳ nhông bằng những loại thức ăn quen thuộc như: rau, cỏ, gián, thạch sùng mà còn có hẳn những cửa hàng cung cấp châu chấu món ăn khoái khẩu của những chú kỳ nhông.

 

Hiện ở Hà Nội có khá nhiều địa điểm cung cấp không giới hạn châu chấu: bên cạnh chi nhánh ngân hàng công thương 46 Tăng Bạt Hổ; chợ Hàng Da, lối đi tắt ra Phùng Hưng; góc ngã tư Giảng Võ-Đê La Thành. Giá cả khá “bèo”: 1 nghìn đồng/gói hơn 20 con. Theo lời mách của người bán, chỉ cần bỏ tủ lạnh cũng “tươi” được một tuần, nhưng theo kinh nghiệm thương đau của không ít dân chơi kỳ nhông, chỉ để được chừng 3 ngày là châu chấu bị oải, kỳ nhông chê và … “em nó” ăn vào dễ có nguy cơ bị đường ruột!

 

Cũng đã “xưa rồi” cái thời nuôi kỳ nhông để bắt rán bắt muỗi trong nhà, nuôi kỳ nhông bây giờ còn làm vật trang trí, chứng tỏ cái tôi của chủ nhân nên vì thế “sweet home” của kỳ nhông cũng được dân chơi chăm chút không biết mệt.

 

Cũng như những thú chơi từng oanh liệt một thời như nuôi chim, nuôi cá cảnh, cũng có loại “bình dân” và cao cấp. Chỉ cần bỏ ra một vài nghìn thùng các - tông cũ là chủ nhân có thể tự chế ngôi nhà yêu dấu cho vật yêu của mình. Một số người bỏ ra vài trăm nghìn là có được một bể kính ưng ý. Tuy nhiên, cũng có không ít người sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để làm bể xịn.

 

Có những bể kỳ nhông được ốp sát tường, chiều dài đến trên 3 mét, cao 1,5-1,8m, nhằm gây thiện cảm với người ngoài. Bên cạnh đó, những phụ kiện đi kèm như cây gỗ, sỏi, đèn, bộ sưởi cũng phong phú đa dạng về mẫu mã, giá cả... 

 

Hải Thành, một tay nuôi kỳ nhông có hạng ở Hà Nội cho biết: “Giới trẻ thường cả thèm chóng chán, dễ chạy theo thị hiếu, cho dù xu hướng chơi kỳ nhông mới chỉ bắt đầu nhưng bọn mình đã nghĩ đến những hình thức quy tụ dưới dạng một CLB những người có cùng sở thích. Điều này sẽ sớm trở thành hiện thực thôi”. Chờ xem! 

Phúc Hưng - Thái Sơn