“Kiếm được” từ nhím kiểng
Khi “cơn sốt” nuôi chuột Hamster, cá La Hán đã lắng xuống, giới trẻ tại TPHCM lại chuyển sang nuôi nhím kiểng (nhím cảnh, theo cách nói của người miền Bắc). Với vẻ ngoài ngộ nghĩnh, loài thú cưng có tên gọi Hedgehog này đang giúp nhiều cô, cậu chủ vừa thỏa mãn thú chơi, vừa kiếm được tiền.
Xù xì nhưng đáng yêu
Nguyễn Đăng Huy (người nuôi và kinh doanh nhím kiểng ở đường Thoại Ngọc Hầu, Q. Tân Phú) cho biết: “Mình kinh doanh nhím được gần 2 năm nay. Thời gian trước, loài này không được chú ý lắm. Nhưng vài tháng trở lại đây, có rất nhiều bạn trẻ tìm đến hỏi mua nhím. Có ngày cao điểm, chỉ trong buổi sáng, mình bán được trên 50 con”.
Trên mạng xã hội, các bạn trẻ chia sẻ rất nhiều hình ảnh chụp chung với những chú nhím dễ thương, góp phần làm bùng “cơn sốt”. Trương Thị Huyền Trang (trường CĐ Phát thanh Truyền hình II, một “tín đồ” mới chơi nhím kiểng) khoe: “Lúc trước, mình đến chơi nhà người bạn, thấy có nuôi một chú nhím tí hon. Mình bị cuốn hút ngay bởi thân hình tròn trịa, mũm mĩm và dễ thương của nó. Từ đó, mình cũng tìm mua một “em” về nuôi. Đến nay, “trại” của mình đã gây được 5 “em” nhím rồi”.
Tuy hình dáng của loài nhím kiểng giống như loài nhím thường, với gai nhọn trên lưng nhưng nhím kiểng lại là một loài thuộc họ chuột chù. Nhím kiểng có cái miệng nhỏ, nhọn đặc trưng, chân ngắn và khá chậm chạp. Thức ăn chủ yếu của chúng là côn trùng. Tuy nhiên, nhím cũng thuộc loài ăn tạp và có thể ăn bất cứ thứ gì phù hợp.
Anh Nguyên (người kinh doanh nhím kiểng lâu năm tại quận 5) cho biết về xuất xứ của loài nhím này: “Thời gian đầu, nhím kiểng được nhập từ Pháp và Mỹ nhưng sau đó, hàng được nhiều chủ tiệm nhập từ Thái Lan, vì giá rẻ hơn và thích nghi nhanh hơn về khí hậu. Mỗi chú nhím kiểng nhập khẩu đều đã được các bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe. Điều đặc biệt là tuy có lông xù trông nguy hiểm nhưng nhím cảnh không có khả năng gây thương tổn cho người nuôi”.
Thú chơi dễ kiếm tiền
Nuôi nhím kiểng không cần phải có nhà rộng. Phạm Minh Nghĩa (một bạn trẻ nuôi nhím kiểng ở quận Tân Phú) cho biết: “Chỗ nuôi nhím nhà mình rộng chưa tới 4 m2, nhỏ vậy nhưng mình cũng nuôi được tới 200 con nhím”.
Hơn một năm trước, Nghĩa được một người bạn thân ngoài Hà Nội gửi tặng một đôi nhím để nuôi thử. Nghĩa đặc biệt thích thú với vật nuôi này nên nhờ người bạn mua thêm vài cặp nữa. Mới nuôi khoảng 4 tháng thì cặp nhím của Nghĩa đẻ lứa đầu tới 5 con.
Anh bạn kể: “Vì nuôi chơi không cần nhiều đến thế nên mình rao bán trên mạng. Không ngờ, có rất nhiều người quan tâm, hỏi mua. Thấy nuôi nhím kiểng cũng khá đơn giản, không mất nhiều thời gian và công sức nên mình quyết định đầu tư kinh doanh”.
Khác với cách kinh doanh trên mạng và bỏ mối cho các cửa hàng sinh vật cảnh của Nghĩa, Nguyễn Bảo Toàn (năm thứ ba, trường ĐH Công nghiệp TP. HCM) lại có một cách kinh doanh nhím kiểng khác lạ.
Toàn hay lang thang ở các trại nhím kiểng tại TP. HCM và các tỉnh lân cận để săn lùng những chú nhím cảnh có màu sắc độc đáo, rồi về bán lại. Với mỗi chú nhím như thế, trừ các chi phí, cậu bạn bỏ túi từ 50.000 – 70.000 đồng.
Toàn “bật mí”: “Nhím có màu lông lạ là nhím bị đột biến gen. Rất hiếm mới có một con dạng này nên giá thường rất cao, có khi gấp đôi, gấp ba nhím kiểng bình thường, vốn chỉ có màu trắng, sô cô la, muối tiêu. Các con có màu lông hiếm là màu hồng, màu cam, hay lông trắng đốm đen, giống như bò sữa”.
Sắp tới, Toàn sẽ lập ra một câu lạc bộ, quy tụ các bạn sinh viên kinh doanh nhím kiểng để cùng chia sẻ kinh nghiệm về thú chơi.
Theo Vinh Sơn – Hà Chi
Sinh viên Việt Nam