Quảng Trị:

Không đi xuất khẩu lao động, thanh niên được hỗ trợ khởi nghiệp

Đăng Đức

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không thể đi xuất khẩu lao động, 8 thanh niên có ý tưởng nổi bật được xét duyệt, hỗ trợ 800 triệu đồng để khởi nghiệp.

Khởi nghiệp từ chăn nuôi gà

Hơn 2 năm trước, khi dự định đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Đức Bảo (trú ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) đã tham gia học tiếng Hàn và chuẩn bị các thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm gián đoạn ý định ra nước ngoài làm ăn.

Không đi xuất khẩu lao động, thanh niên được hỗ trợ khởi nghiệp - 1

Mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao của anh Nguyễn Đức Bảo.

"Tôi có nhiều năm làm công nhân của một công ty cao su, rồi nghỉ việc để làm thủ tục ra nước ngoài lao động. Trong thời gian này, gia đình cũng chăn nuôi gà để nâng cao thu nhập. Năm 2019, tôi học xong nhưng xảy ra dịch bệnh nên kế hoạch xuất khẩu lao động bị gác lại", anh Bảo cho hay.

Với kinh nghiệm sẵn có, năm 2020 anh Bảo vay vốn ngân hàng và người thân để lập trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao. Ban đầu, anh xây dựng trang trại khoảng 400 m2, sau đó mở rộng quy mô thêm 300 m2.

Trang trại của anh Bảo nuôi theo hình thức gia công. Tất cả các khâu từ nguồn giống, thức ăn đến sản phẩm đều được công ty bao tiêu toàn bộ. Hiện trang trại của anh Bảo đang nuôi khoảng 8.000 con gà.

Nhận thấy mô hình chăn nuôi gà của anh Bảo mang lại hiệu quả, Xã đoàn Cam Chính đã giới thiệu và hỗ trợ anh đăng ký để nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ khởi nghiệp của Tỉnh đoàn Quảng Trị. Sau quá trình tuyển chọn, trang trại của anh Bảo lọt vào 8 mô hình được xét duyệt và hỗ trợ 100 triệu đồng.

"Được sự quan tâm, hỗ trợ về nguồn vốn của Tỉnh đoàn, tôi sẽ cố gắng phát triển chăn nuôi, làm ăn hiệu quả ngay trên quê hương", anh Bảo tâm sự.

Tương tự, đề án làm cơ khí tổng hợp của đoàn viên Hoàng Kim Long (ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng) cũng được xét duyệt, hỗ trợ nguồn vốn 100 triệu đồng để khởi nghiệp.

Không đi xuất khẩu lao động, thanh niên được hỗ trợ khởi nghiệp - 2

Mô hình cơ khí tổng hợp của anh Long (xã Hải Khê, huyện Hải Lăng) được xét duyệt hỗ trợ vốn.

"Đây là số tiền không nhỏ đối với các đoàn viên, thanh niên. Nguồn vốn ấy giúp chúng tôi có điều kiện để xây dựng cơ sở và mở rộng sản xuất. Không đi xuất khẩu lao động, nhưng mình làm ăn hiệu quả ngay trên quê hương, tạo được công việc cho nhiều đoàn viên khác cũng rất ý nghĩa", anh Long nói.

Hỗ trợ 8 mô hình 800 triệu đồng

Nhằm hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên xuất khẩu lao động bị gián đoạn do dịch Covid -19, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn - Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức ký kết trực tuyến, hỗ trợ các sáng kiến về chuyển đổi việc làm, phát triển kinh tế cho thanh niên.

Theo Ban tổ chức, đây là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa Tỉnh đoàn và Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương, thuộc "Dự án giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương" do Quỹ dân số Liên hợp quốc và Chính phủ Nhật Bản tài trợ nhằm hỗ trợ sinh kế và cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe, kỹ năng sống cho thanh niên xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Qua quá trình triển khai, chương trình đã lựa chọn từ 27 sáng kiến gửi về để lấy 8 sáng kiến khởi nghiệp, chuyển đổi việc làm của thanh niên tại huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 800 triệu đồng. Qua đó, cũng hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho gần 100 thanh niên xuất khẩu lao động bị gián đoạn do dịch Covid-19.

Không đi xuất khẩu lao động, thanh niên được hỗ trợ khởi nghiệp - 3

Tỉnh đoàn Quảng Trị ký kết hỗ trợ vốn cho thanh niên.

Được biết, 8 sáng kiến được hỗ trợ lần này hết sức gần gũi, trong đó có sáng kiến về: Xưởng mộc mỹ nghệ, trang trại gà lai, xưởng cơ khí, xưởng sửa chữa xe máy…

Theo chị Trần Thị Thu, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, do dịch bệnh nên nhiều thanh niên tại Quảng Trị có ý định đi xuất khẩu lao động đã vay tiền để học tiếng và hoàn thiện thủ tục. Nay mọi việc bị đình trệ, nhiều bạn vừa gặp khó khăn trong việc trả nợ, vừa mơ hồ trong định hướng công việc.

"Việc hỗ trợ của dự án sẽ giúp thanh niên giải quyết các khó khăn về nguồn vốn, máy móc sản xuất, con giống, quy trình kỹ thuật... hoàn thiện, phương án sản xuất, xây dựng mô hình bền vững, hiệu quả, giúp thanh niên gắn bó lâu dài phát triển kinh tế trên quê hương và tích cực tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn", Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết.

Đặc biệt, số tiền hỗ trợ này không có lãi suất, không cần hoàn lại, mà chỉ cần những người được hỗ trợ quyết tâm, thực hiện đúng những cam kết đặt ra, như mở rộng nhà xưởng sản xuất, trang bị máy móc, tạo việc làm cho thanh niên địa phương... 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm