Khởi nghiệp ở chợ cá

Trong con hẻm khu chợ Tân Mỹ (Q7, TPHCM), một chàng trai dáng thư sinh, hiền lành mời khách mua cá. Khách lựa cá xong, chàng thoăn thoắt dao kéo làm cá, đóng gói cho khách mang về, cùng lời cảm ơn và nụ cười trên môi.

Đó là Phan Văn An (sinh năm 1990, học ngành Tự động điều khiển, khoa Điện – Điện tử, trường ĐH Tôn Đức Thắng).

 

Trong khi nhiều bạn trẻ chọn công việc làm thêm khác nhau, An lại khởi nghiệp tại một ngôi chợ ngoại thành. Chúng tôi đến cửa hàng Hải sản Bình Ba của An, nghe tiếng càm ràm của người thuê chung mặt bằng với An vì… mùi cá. An chỉ cười hiền, lo lau chùi cho sạch.

 

Anh chàng chia sẻ: “Kinh doanh là lúc mình phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như tìm thuê mặt bằng, cạnh tranh, chi phí hàng tháng. Cộng với việc nhận hàng, giao hàng, xử lý hàng đóng gói, mình làm việc quay cuồng, không kịp ngoái lại”.

 

Ra chợ bán cá, thì đã sao?

 

Khi nghe An trình bày ý tưởng kinh doanh hải sản lấy nguồn hàng từ đảo Bình Ba ở quê nhà Cam Ranh (Khánh Hòa), gia đình An ai cũng ngăn. Cha mẹ, anh chị đều mong An học xong làm việc liên quan đến ngành Điện – Điện tử. Bán cá tôm đâu cần phải học đại học, lại là việc của phụ nữ. Đã được học đại học mà quay trở lại bán tôm cá thì khác gì… thất bại.

 

An phải giải thích với gia đình: Ở Sài Gòn, mua cá tươi sạch, được bảo quản tốt không dễ. Nếu cung cấp nguồn hàng đảm bảo tươi ngon, dù mắc hơn chút ít, vẫn có lượng khách ổn định. Gia đình đã nghe và trở thành đầu mối cung cấp hải sản cho An. Mẹ và chị An lấy hàng, còn anh trai đóng thùng đá giao hàng theo xe vào Sài Gòn. An sẽ nhận hàng tại bến xe.
 
Phan Văn An bên cửa hàng Hải sản Bình Ba ở chợ Tân Mỹ, TP.HCM.
Phan Văn An bên cửa hàng Hải sản Bình Ba ở chợ Tân Mỹ, TP.HCM.

 

Từ nhỏ, An đã theo cha đi biển. Gia đình An cũng như nhiều ngư dân bám biển đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản nên anh chàng hiểu rõ cuộc sống dân biển. Kinh doanh hải sản Bình Ba quê nhà là cách An tìm đầu ra cho hải sản Cam Ranh, đồng thời, quảng bá cho du lịch ở Bình Ba, một điểm đến lý thú cho du khách.

 

Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương là điều mà An muốn hướng tới. Những kiến thức kinh tế và triết lý kinh doanh sáng tạo học được trong sách đã được An thử nghiệm ngay ở đời thực.

 

Từ “chợ mạng” đến “chợ thật”

 

Dự án kinh doanh hải sản Bình Ba đã được triển khai khi An còn là sinh viên năm thứ hai. An tìm cách để khi khách hàng “search” từ khóa “hải sản an toàn” trên Google thì tìm thấy thương hiệu của mình đầu tiên.

 

Anh chàng xông pha vào các trang: 5 giây, Vật giá, Làm cha mẹ… để tìm nguồn khách hàng. Đồng thời, An lập “Fanpage” Hải sản Bình Ba trên Facebook để quảng bá. Nhờ giữ được chữ “tín” khi kinh doanh online, từ chỗ vài khách hàng lác đác, An đã có một lượng khách quen gần con số trăm.

 

Ban đầu, mặt hàng của An là tôm hùm. Mỗi ký hàng giao tận nơi, An lời khoảng 10 – 20%. Nhờ đó mà đến năm thứ tư đại học, An đã tích cóp được một khoản tiền nhỏ. Anh chàng xin hỗ trợ thêm từ cha mẹ.

 

An nói: “Cha mẹ cho mình tiền mua xe máy đi làm. Nhưng mình xin tạm dùng số tiền đó để tập trung thuê mặt bằng. Mình muốn có một địa chỉ để dù bán online, khách hàng cũng tin tưởng hơn và có thể xem hàng tận nơi.

 

Mua bán online không phải bỏ tiền đầu tư nhiều. Còn thuê mặt bằng như mình cũng tốn 4 triệu đồng/tháng. Kinh doanh trong chợ cũng có cái lợi của việc “buôn có bạn bán có phường”.

 

Tuy nhiên, mặt hàng hải sản mà lại bán trong chợ giá bình dân thì nếu khách không tinh ý sẽ có sự phân biệt. Trong vài tháng đầu kinh doanh, có những ngày rầu thúi ruột vì khách vắng teo. Do vậy, mình vẫn phải duy trì bán ở chợ thật và chợ trên mạng song song để hỗ trợ lẫn nhau”.

 

Vui buồn bên tủ cá

 

Trong một mặt tiền nhỏ, An phải loay hoay một mình, vừa nhận hàng, vừa trả lời khách trên mạng, vừa giới thiệu hàng ở tủ cá. Nếu khách mua thì An làm cá tôm đóng gói cho khách mang về luôn. An bảo, khởi nghiệp là phải chấp nhận vất vả. Nếu sợ khổ, An đã không dám mở rộng kinh doanh và làm nhiều việc như thế.

 

“Có những lúc nản lắm, như khi hàng nhận bị hỏng, do chuyển từ Cam Ranh vào Sài Gòn, xe bị chậm, hay nhân viên nhà xe không cẩn thận làm hải sản dập nát. Lúc đó, mình đành chịu lỗ và thất tín với khách hàng chứ không để chất lượng sụt giảm. Có những đêm, bạn bè vui chơi, ngồi cà phê hóng mát, mình vẫn hì hụi trong góc làm cá, người dính đầy vảy cá tanh ngòm…”, An kể.

 

Niềm vui lớn của An là khách quay lại mua tiếp và phản hồi tích cực. An cười tươi: “Bây giờ các loại hải sản quê nhà, loại nào bán chạy là mình lấy hàng. Có đợt giao hàng, mình khuyến mãi cho khách chai nước chấm quê nhà hay đồ lưu niệm nhỏ.

 

Mới đây, có người muốn làm tiệc đặt hàng trăm ký hải sản cùng lúc. Mình giật mình. Tuy không đáp ứng được cùng lúc theo yêu cầu nhưng mình hiểu, nếu gắng sức việc này sẽ có triển vọng. Mình phải dần mở rộng quy mô kinh doanh hơn nữa.

 

Có lần, khách từ TP. HCM ra Nha Trang du lịch, ăn hải sản không an tâm, khách gọi điện cho mình. Vậy là mình đón xe buýt từ Cam Ranh ra Nha Trang vài chục cây số chỉ để giao cho khách vài ký cá tôm. Dù giao một hai con tôm con cá, lời không nhiều nhưng được khách hàng tin tưởng là mình vui!”.

 

Theo Xuân Huy

Sinh viên Việt Nam