“Khóc thét” với những kẻ chỉ thích “ăn chùa”

Đi nhậu không uống bia thì không phải đóng tiền, đi karaoke không hát thì không phải gánh góp…

Câu chuyện thanh niên đòi tiền nhậu cho bạn gái với lý do, là con gái thì không phải góp tiền ăn khiến dân mạng xôn xao suốt ngày 28/9.


Không phải ai cũng vui vẻ với quy định cam-pu-chia chi phí của các cuộc nhậu (ảnh minh họa)

Không phải ai cũng vui vẻ với quy định "cam-pu-chia" chi phí của các cuộc nhậu (ảnh minh họa)

Những tưởng, tình huống khiến dân mạng “cạn lời” này là chuyện “hiếm có khó tìm”, ngàn năm có một. Nào ngờ, sau khi câu chuyện được lan truyền rộng rãi, rất nhiều người cùng cảnh ngộ đã chia sẻ hoàn cảnh trớ trêu mình gặp phải, xung quanh chủ đề đi ăn – chia tiền. Trong đó, không ít người ngậm ngùi than trời bởi, không may gặp phải những “thánh” thích “ăn chùa”.

Không hát thì không phải trả tiền

Tuấn Khanh (Hà Nội) từng gặp tình huống tương tự. Khanh kể, cách đây không lâu, anh và một nhóm bạn đi nhậu, trong đó, có một cặp đôi bận việc nên đến muộn khoảng một tiếng đồng hồ. Đến nơi, cả hai cười xòa nói chỉ uống nước ngọt và ngồi lai rai cho vui chứ không nhậu.

Nói là “lai rai” nhưng Khanh để ý, cả hai vẫn ăn như “chiến hạm”, thậm chí còn chủ động gọi thêm đồ. Đến lúc tính tiền, cặp đôi trẻ hồn nhiên giải thích: “Chúng tớ không uống lại chỉ ăn đồ dang dở nên không cần góp tiền đâu nhỉ? Cần thì tụi tớ trả tiền nước ngọt”.

Khanh và nhóm bạn méo mặt nhưng vì không muốn mất vui nên “ngậm đắng nuốt cay” trả cả phần tiền của cặp đôi kia.

“Nhưng từ sau đó thì cạch mặt họ luôn, ngu gì mà đi nhậu với kiểu người ấy nữa. Lạ đời, ai bắt họ uống ước ngọt, ai mượn kêu thêm đồ, ai bảo đến muộn, đến khi tính tiền lại biện đủ lý do…”, Khanh bức xúc.


Nhiều người cố tình xù tiền nhậu bằng cách cố tình đến muộn hoặc về sớm (ảnh minh họa)

Nhiều người cố tình xù tiền nhậu bằng cách cố tình đến muộn hoặc về sớm (ảnh minh họa)

Không đến muộn nhưng nhiều thanh niên "ăn chùa” vẫn xù được tiền ăn bằng cách cố tình về sớm. Trà My (25 tuổi) nhiều lần cay cú vì trong nhóm bạn có một thành viên thường xuyên dùng cách đó.

Nhóm bạn của My có bốn nam, hai nữ. Vì nam giới chiếm phần đông lại muốn tỏ vẻ ga lăng nên thường giành trả tiền, nhiều lần như vậy My thấy ngại nên chủ động đặt ra quy định: “Kể từ nay bữa nhậu hết vài chục nghìn cũng cam-pu-chia”.

Thế nhưng, cô bạn gái còn lại trong nhóm lại luôn khéo léo “lách luật” bằng cách lẻn về trước. Trà My kể, hễ gần tàn cuộc, cô bạn kia lại bỏ về với những lý do rất hợp lý như: “Muộn rồi xóm trọ đóng cửa”, “Bạn đợi ở nhà”…

Một lần, nhóm đi hát karaoke, mình tìm mọi cách giữ bạn đó ở lại đến cùng. Tính tiền chia ra mỗi người hết vài trăm nghìn gì đấy thôi, thế mà nó mắt tròn mắt dẹt, kêu hát có tí mà hết bao nhiêu tiền. Rồi nó bảo, nó không hát, không uống nên sẽ đóng góp ít hơn. Ơ, thế ai trả tiền hoa quả, ai trả tiền chỗ ngồi, ai trả tiền cho niềm vui của nó…”, My nói.

My và bốn bạn nam còn lại lẳng lặng góp tiền thanh toán, kể từ đó, nhóm bạn của cô chỉ còn năm người.

Con gái có quyền được “ăn chùa”?

“Có những cô gái quan niệm, mình có quyền được “ăn chùa” dù đối phương không phải là người yêu và cuộc nhậu đó không phải là cuộc hẹn hò”. Đó là điều Dương Đức (27 tuổi) rút ra sau một vài lần đi ăn cùng cô em đồng nghiệp.

Anh và cô gái đồng nghiệp gần nhà nhau nên đi làm về hay rủ rê đi ăn rồi cà phê. Nhưng lạ một điều, cô gái kia chưa bao giờ mở lời đề nghị “share tiền” (chia tiền) hay trả tiền bữa ăn. Lần thứ nhất, thứ hai, Đức cho đó là bình thường bởi, con gái đi ăn cùng con trai những lần đầu thì có quyền được bao.


Đức nhiều lần hết hồn với cô em chỉ thích ăn, không thích chi (ảnh minh họa)

Đức nhiều lần "hết hồn" với cô em chỉ thích ăn, không thích chi (ảnh minh họa)

Tuy vậy, ở những bữa ăn sau, Đức bắt đầu thắc mắc, dù không chia tiền sòng phẳng thì cũng phải người này trả tiền ăn, người kia trả tiền cà phê. Đằng này, dẫu cho anh có cố tình nán lại việc thanh toán thì cô gái kia vẫn cứ ngồi rung đùi chờ đợi, đến khi anh trả tiền xong xuôi mới đứng dậy ra về.

Anh chàng 27 tuổi đồ rằng, cô gái kia nghĩ anh đang tán tỉnh nên việc ga lăng trả tiền ăn là chuyện bình thường. “Kể cả từng có ý định cưa cẩm thì sau vài lần thế này mình cũng bỏ cuộc. Mình không thích các cô gái hồn nhiên vác miệng đi ăn chùa như thế. Ít thì cũng phải đôi lần đề nghị chia tiền, dù người con trai có thể từ chối. Đó là phép lịch sự”, Đức nói.

Nhắc đến chuyện đi ăn - chia tiền, T.T (23 tuổi) lại nhớ đến kỷ niệm “xương máu” với người yêu cũ. Cô từng “muối mặt” với bạn bè vì anh người yêu keo kiệt, chỉ biết ăn của người.

T. kể, hôm đó, anh người yêu nói muốn mời bạn bè của cô đi ăn. Cô vui vẻ thông báo đến các bạn, còn dặn họ đem theo “file đính kèm” (người yêu) bởi trước đó, “gấu” của họ cũng từng mời cô và người yêu đi ăn nhiều lần.

Thế nhưng, khi thanh toán, người yêu cô lại chỉ bỏ ra đúng phần tiền của mình rồi lẳng lặng đứng dậy đi lấy xe. Cô xấu hổ, định trả hết phần còn lại nhưng bạn bè biết ý nên đề nghị chia tiền. Nghĩ đến những buổi nhậu nhẹt trước, người yêu mình ngồi nhìn người yêu bạn trả tiền, T.T vừa ngại ngần vừa ấm ức.

Theo Hạ Nhiên

Dân Việt