Khổ sở muốn “giữ mình” nhưng bị… đòi bằng được
(Dân trí) - Nhiều cô gái đang yêu gặp phải tình huống khó xử: muốn giữ mình đến cùng nhưng bị bạn trai đòi hỏi, nói từ chối thì xung đột tình cảm, thậm chí “không cho sẽ bị chàng bỏ”.
Yêu đi liền dâng hiến?
Bố mẹ rất nghiêm khắc, lại biết được những hậu quả không hay của việc “ăn cơm trước kẻng” nên khi bước vào ngưỡng cửa yêu đương, Vân, kế toán một công ty nội thất ở Q. Gò Vấp (TP.HCM) quyết tâm “giữ mình tận cùng”. Sự nghiêm túc của Vân với bạn bè cùng lứa cũng là điểm thu hút với chàng trai. 21 tuổi, Vân chính thức yêu Tùng, chàng trai Sài Gòn hơn cô 4 tuổi.
Nhiều bạn gái hết sức khó xử trước đòi hỏi của người yêu (Ảnh minh họa).
Thất tình gần hai năm, Vân đến với Khương, quê ở Bình Dương. Việc cũ lặp lại, Khương cũng yêu cầu Vân chứng minh tình yêu bằng “chuyện đó” nhưng không thành. “Sau nhiều tháng đấu tranh, cuối cùng anh ấy im lặng… và đến với một cô gái khác, hiện giờ họ đang sống cùng nhau”, Vân cho hay. Bạn bè của Vân biết chuyện cũng cho rằng… lỗi là ở cô vì “Yêu thời này mà còn giữ, bị bỏ là đúng” làm cô gái hết sức hoang mang.
Cũng quyết tâm giữ đến ngày cưới, nhưng cuối cùng Th, 22 tuổi, ngụ ở phường Thạnh Lộc (Q.12) lại đành… buông xuôi để giữ chân bạn trai. Yêu nhau gần hai năm nhưng… chỉ gặp gỡ ở chốn đông người, tình yêu của hai người thay cho những ngọt ngào là sự cãi vã, xung đột mà quanh đi quẩn lại cũng từ chuyện “bạn trai đòi, Th từ chối” mà ra.
Khi thấy bạn trai ngày càng giãn ra với mình, có ý định tìm hiểu một cô gái khác, Th vô cùng bối rối vì cô thật sự yêu và không muốn mất anh. Khi biết nhiều người bạn gái của mình cũng “cho” để chứng minh tình yêu, Th gật đầu với suy nghĩ đế giữ người yêu bên mình.
“Anh ấy luôn đòi em phải chứng minh tình yêu bằng “chuyện đó”. Em từ chối thì anh nghi ngờ em không yêu anh. Tình yêu của chúng em rồi sẽ tan vỡ mất. Em yêu anh ấy và không muốn mất anh ấy, em không biết mình có thể “giữ” đến bao giờ?”, lo lắng của Nguyệt, SV trường trường ĐH Sài Gòn
Nói "không" cũng cần kỹ năng
Từng hoạt động đoàn hội, thủ lĩnh trong đời sống sinh viên, Khánh, cựu sinh viên trường ĐH Ngoại Thương hiểu rõ hậu quả của việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trong các mối quan hệ, ngay ở giai đoạn tìm hiểu, Khánh sớm bộc lô quan điểm của mình về vấn đề này với đối phương để thống nhất, nếu đòi hỏi cô sẽ chủ động... chia tay. Biết thực tế xa với với lý thuyết, sau này yêu Thắng, những lúc thích hợp cô vẫn thường xuyên nhắc nhở anh chuyện này để “phanh” ngay từ đầu.
Theo Th.S Nguyễn Hữu Long, chuyên viên tư vấn trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM để nói “không” với bạn trai sao cho hiệu quả cần phải có kỹ năng. Nhiều cô gái thiếu kỹ năng nói “không”, thậm chí còn gây tác dụng ngược. Khi từ chối, con gái thường thể hiện hai thái độ: ỡm ờ hoặc thách thức mà không biết rằng đó lại là con đường ngắn nhất dẫn đến việc “ăn cơm trước kẻng”.
Các bạn gái muốn giữ mình mà vẫn giữ được tình yêu thì trước tiên phải cho bạn trai thấy được thái độ nghiêm túc, dứt khoát của mình. Phải “xóa” các môi trường thuận lợi như tâm sự chỗ vắng vẻ, chung trong một phòng trọ…
Bên cạnh đó, bạn gái cần chủ động “lái” sự quan tâm của người yêu sang các lĩnh vực khác như học tập, công việc, hoạt động xã hội, vui chơi giải trí lành mạnh… Ngoài ra, hai người nên thường xuyên chia sẻ, trao đổi về cuộc sống để tăng thêm tinh thần trách nhiệm cho nhau.
Chyên gia Nguyễn Hữu Long chia sẻ, gặp được những cô gái giữ mình đến cùng các chàng trai sẽ rất trân trọng. Anh chàng nào bỏ người yêu chỉ vì không được đáp ứng “chuyện đó” thì bạn gái cũng không cần phải tiếc nuối mà nên mừng vì thật ra anh ta không yêu mình và cũng không xứng đáng với mình.
Hoài Nam