Khi teen học thói đua đòi
Vì sự đua đòi không biết điểm dừng nhiều bạn trẻ đã “trượt dốc không phanh” trong học tập, rơi vào tệ nạn xã hội, vướng vào vòng lao lí…
Thích thể hiện?
Nguyễn Ngọc Thanh Tuấn (SN 1996) là con trai duy nhất trong gia một đình giàu có tại Hà Nội. Quen với thói tụ tập bạn bè, bù khú với những cuộc chơi của các “cậu ấm cô chiêu”, Tuấn xao nhãng việc học hành và thi trượt đại học.
Bố mẹ khuyên cậu chăm chỉ học hành để năm sau tiếp tục thi lại nhưng Tuấn nằng nặc đòi đi du học giống như nhóm bạn. Vì cưng chiều con, không muốn xấu mặt với hàng xóm, bố mẹ cậu đã tìm mọi cách cho chàng quý tử sang nước ngoài, mặc dù trong lòng phấp phỏng lo âu, không dám chắc chắn con trai mình sang đó có học tập được gì hay chỉ đi chơi cho thỏa tính hiếu kì và đua đòi với bạn bè.
Mới lên lớp 10, Hoàng Anh Thư (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lên tiếng yêu cầu bố mẹ mua xe máy riêng và điện thoại di động xịn, trong khi bạn bè cùng lớp đi học bằng xe đạp hoặc người nhà đưa đón.
“Tôi không đồng ý cho mua xe máy, con bé bỏ nhà đi gần một tuần, gọi điện thoại không nghe, tìm thì chẳng biết con đi đâu. Chỉ đến khi tôi nhắn tin về nhà sẽ mua xe thì nó mới chịu về”, chị Lê Như Nguyệt, mẹ của Hoàng Anh Thư phân trần.
Sau khi được mua xe máy, đi được vài hôm đến trường, Anh Thư bị công an bắt phạt vì chưa có bằng lái xe và chưa đủ tuổi điều khiển xe dung tích lớn. Cô gái quay trở lại đòi bố mẹ mua xe đạp điện mới, mặc dù cô đã có đến hai chiếc xe để đến trường.
Cô gái Hạ My (SN 1995) nổi tiếng là một “chân dài”, da trắng, khuôn mặt xinh xắn, nhiều bạn trai để ý. My yêu từ khi học lớp 8, đến nay, cô đã có “tình trường” gần 5 năm.
Tiêu chuẩn bạn trai của My là những chàng trai hay những người đàn ông nhà giàu, có đủ tiền để đưa cô đi chơi đến những điểm ăn chơi hàng ngày. Lao vào những cuộc ăn chơi trác táng, càng ngày kết quả học tập của My càng đi xuống.
Hậu quả khôn lường
Để có tiền ăn chơi, đua đòi với bạn bè hay thỏa mãn thói chơi bời, mua sắm, nhiều bạn gái đã tìm cách “cặp” với những người đáng tuổi cha, chú. Sau một thời gian quan hệ qua lại với “đại gia” bằng tuổi bố, Hạ My bị vợ của “người tình” phát hiện và đến tận nhà mắng nhiếc cho cả hàng xóm biết. Sợ hãi trước ánh mắt của mọi người, trong khi “người tình” chẳng quan tâm đến nữa. My rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Nhà nghèo nhưng Vũ Mạnh Cường (SN 1994) lại rất thích ăn chơi. Tuần nào Cường cũng cùng nhóm bạn vào vũ trường nhảy múa, hút shisha, uống rượu mạnh. Cường kiếm tiền bằng cách hàng ngày ghi lô đề, đánh đề cá độ bóng đá. Đã nhiều lần bố mẹ của cậu đã muối mặt chạy vạy cả trăm triệu đồng để “chuộc” con trai từ tiệm cầm đồ.
Thực tế, trong các vụ án về những đường dây gái gọi hay mua bán sử dụng chất ma túy tổng hợp gần đây có khá nhiều người còn đang là học sinh, sinh viên. Mặc dù đến từ nhiều nơi nhưng tất cả cùng chung một đặc điểm là thích đua đòi. Hậu quả của căn bệnh đua đòi là teen bỏ bê học hành, tiêu tốn tiền của cùa gia đình, tự đánh mất bản thân, vi phạm pháp luật.
Chuyên viên tư vấn Vũ Thị Lan Anh cho rằng, nguyên nhân cơ bản đầu tiên dẫn đến trẻ đua đòi phải kể đến sự nuông chiều con của các bậc phụ huynh. Trong mỗi gia đình, người lớn trong gia đình cần phải điều chỉnh cách ứng xử sao cho phù hợp.
“Phụ huynh cần quan tâm đến giáo dục, cho trẻ tham gia các phong trào Đoàn, Hội, sinh hoạt tập thể lành mạnh để tiếp thu, trau dồi thêm lí tưởng sống và rèn luyện bản lĩnh vững vàng không bị lôi kéo, đua đòi theo những thói hư, tính xấu”, chị Lan Anh nói.
Theo Lê Dung
Tuổi trẻ thủ đô