Khi tân sinh viên… “thể hiện mình”

(Dân trí) - Mới vào nhập học chưa đầy một tuần mà số tiền 3 triệu đồng của Hải Nam, tân sinh viên trường ĐH Huế đã… không cánh mà bay theo những cuộc bài chinh phạt, cà phê bóng đá và những buổi ăn nhậu canh khuya.

Hải Nam, quê ở Thanh Hóa thuộc gia đình khá giả. Trước khi vào nhập học bố mẹ Nam đã chuẩn bị cho con rất đầy đủ, trang bị “từ đầu đến chân”, từ áo quần, thuốc thang, chăn màn cho đến giày dép và ngay cả đến túp đánh răng.

 

Trước đó, bố mẹ Nam cũng đã nhờ người quen liên hệ chỗ trọ trên đường An Lăng và lẽ dĩ nhiên mới vào học, xa nhà không thể không có “đạn để bắn: “Con mang in ít trong người thôi, nhỡ mất đỡ xót của, nếu vào đó hết con cứ gọi về mẹ sẽ chuyển khoản ngay cho!”.

 

Thế nhưng 3 “băng đạn” mà Nam mang vào Huế nhập học chưa đầy một tuần đã… không còn vỏ! Sáng đi ăn, uống cà phê với mấy anh trong xóm trọ để ra mắt; chiều đi ra quán nhậu thịt nai cùng anh người quen; tối về nhà lại đi xem rồi… bắt đá bóng cùng mấy anh bạn học.

 

Mỗi lần đi như vậy người chủ chi không ai khác là tân sinh viên: “Em mới vào nên cũng phải “làm sao đó” để mấy anh, mấy chị không chê là dân quê chứ!” và kết quả của những lần chi đó là hầu bao nhẵn túi. Nam phải đi ăn quán bụi ký nợ với mấy đàn anh trong khi chờ tiền nhà gửi vào.

 

Nhưng Nam vẫn chưa phải là tân sinh viên chịu chi nếu so với Hà Hoàng, một tân sinh viên Kinh tế. Là dân kinh tế nên có vẻ như chàng tân sinh viên rất biết chi tiêu và tính toán. Mới 3 ngày đầu mà đã hết gần 5 triệu. Sáng ngồi đánh bài, hết nằm mo, tứ hùng, liêng… lại xóc đĩa. Có hôm đánh bài thua cả gần 1 triệu. Ngồi lâu cũng “tê mông” nên Hoàng lại rủ cả nhóm đi ghi đề ăn may. Nhưng may đâu chả thấy chỉ thấy tiền cứ mỗi lúc một vơi.

 

Tháng 9 là quãng thời gian mà các tân sinh viên bước chân vào chốn giảng đường. Không phải là môi trường phổ thông quen thuộc, phần lớn đều xa nhà nên không có bố mẹ quản lý trong khi nhà trường lại không thể kiểm soát hết mọi việc, không ít tân sinh viên muốn thể hiện mình, muốn chứng tỏ mình không phải là “dân quê”, “cù lần” nên không ngần ngại ném tiền qua… cửa ăn nhậu, bài bạc. Thêm vào đó một phần cũng chịu ảnh hưởng không tốt của các bậc đàn anh, đàn chị sinh viên đi trước đã rủ rê, lôi kéo.

 

Thanh Niềm ở quê vốn không biết rượu chè, cờ bạc là gì vậy mà mới vào trọ cùng với anh họ trên đường Trần Quý Cáp, TP Huế chưa tròn một tuần đã thông thạo các quán ăn nhậu, các địa điểm đánh bài, bắt bóng đá, ghi số đề. Chiếc xe máy bố Niềm mới mua nhân dịp đỗ đại học cũng “gửi” người giữ hộ với mỗi ngày chục ngàn. Mới ở xóm trọ mà các anh chị trong xóm cũng đã phải… “chắp tay vái cụ” vì cách tiêu tiền không thương tiếc của cậu! 

 

Văn Phúc ở cùng với chị gái, mặc dù bị chị quản rất chặt, thậm chí tiền bố mẹ cho mang vào cũng bị tịch thu với lý do: “Tiền cứ để chị chi, đưa em phá hết rồi bố mẹ lại mắng, bảo chị không biết quản lý, làm hỏng em. Cần mua gì cứ nói, chị mua cho, em mới vào “lớ ngớ” bị mua “hớ” đó, ở nhà cho quen ra đường ít thôi…”.

 

Tuy nhiên, Phúc có vẻ như đã lường trước được sự việc trước khi vào nên cũng đã “dựng” cho mình một khoản “quỹ đen”  mà chị gái không hề hay biết. Song nó cũng chỉ cầm chừng được vài hôm vì cậu mê tỉ số. “Hôm qua kết thằng Man quá thế là đi mất mấy xị cuối cùng. Tối nay về xin chị không biết chị có cho tiền mua quần áo nữa không?” 

 

Cuộc sống sinh viên không đơn giản chỉ lo cơm áo gạo tiền mà còn có rất nhiều khoản phát sinh “tự dưng”. Mong rằng các tân sinh viên sẽ không vì tính tự kiêu hay thể hiện mình mà sẽ ném những đồng tiền mà bố mẹ ở quê phải một nắng hai sương vất vả dành dụm mới có được vào những thú chơi vô bổ.

 

Bá Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm