Khi nữ sinh yêu thực dụng
Thúy Ng. năm thứ 3, ĐH Hà Nội, tâm sự: “Là con gái, khi yêu mình phải được chiều chuộng, tội gì yêu những chàng SV phải chạy ăn từng bữa, không có tiền để nuôi tình yêu”.
Tủi phận trai nghèo
Mỗi khi một nữ sinh trong KTX hay xóm trọ có người yêu, lập tức bị bạn bè “chất vấn” về đối tượng mới. Thúy Ng. năm thứ 3, ĐH Hà Nội, tâm sự: “Là con gái, khi yêu mình phải được chiều chuộng, tội gì yêu những chàng SV phải chạy ăn từng bữa, không có tiền để nuôi tình yêu”.
Dạo qua các KTX ở Hà Nội vào dịp cuối tuần, hiếm khi thấy cảnh nam sinh đón bạn gái bằng xe đạp, hầu hết bằng xe máy xịn và cũng không ít xế hộp hạng sang.
“SV nghèo như tụi mình đâu dám mơ có người yêu. Nếu có, thường chỉ vài tháng là kết thúc một phần vì không sẵn tiền”, Vũ Văn H., ĐH Thủy lợi, quê Thái Bình, than vãn.
Quen và yêu nhau được vài tháng rồi bị người yêu bỏ không thương tiếc vì không có tiền mua cho nàng con gấu bông nhân dịp 20/10. Thay vì tìm kiếm tình yêu mới, Hùng chuyên tâm học hành và làm phục vụ bàn cho quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi để kiếm thêm tiền và cố quên chuyện tình buồn.
“Đôi khi thấy người ta đưa đón người yêu đi chơi bằng xe xịn cũng thấy tủi thân, nhưng phận nghèo đành chịu phòng không thế này thôi”, Hùng bộc bạch.
Bảo Lam (năm 3, trường ĐH KHXH & NV Hà Nội) kể: “Mình được một cậu bạn giới thiệu cho nữ sinh cùng trường học sau một khóa, nhưng ngay sau lần hẹn hò đầu nàng đã biến mất vì mình đi dép lê, cưỡi xe đạp cà tàng”.
Dãy trọ lụp xụp trong ngõ 8, Phùng Khoang (Trung Văn, Hà Nội) ai cũng biết chuyện tình của Nguyễn Văn H. với nàng Hồng V. (ĐH KHXH & NV). Nhà nghèo xơ xác, nên vào ĐH, H. phải đi làm thêm. Tính hiền lành, thân thiện lại điển trai nên H. được nhiều nàng trong lớp chú ý.
Tuy nhiên, người H. phải lòng lại là Hồng V, tiểu thư Hà thành. H. tìm mọi cách thể hiện sự quan tâm, săn sóc đặc biệt với V., nhưng cô nàng vẫn không để ý. Không ít bạn bè khuyên chớ có trèo cao mà ngã đau, nhưng H. vẫn theo đuổi.
Tiền không có, để thể hiện tình yêu, suốt mấy tháng, H. đã “hạn chế ngủ” để gấp được 1.000 con hạc và ngôi sao bằng giấy với hi vọng sẽ chinh phục được trái tim cô gái Hà thành.
Ngày 8/3 vừa qua, H. đánh liều tỏ tình với V. trước sự chứng kiến của bạn bè trong lớp, nhưng nàng thẳng thừng từ chối và còn nặng lời với chàng SV nghèo. Tủi hổ và vỡ mộng, H. gục xuống. Hiện H. đã bảo lưu kết quả học tập một năm và lao vào kiếm tiền.
SV ĐH Kiến trúc (Hà Nội) nhiều người biết Nguyễn Đình Ch. (quê Phú Thọ) vốn là chàng trai nghèo nhưng nhiều tài lẻ nên lọt mắt xanh cô con gái độc nhất của một đại gia bất động sản có tiếng ở Hà Nội.
Ngày về ra mắt gia đình người yêu, sau khi biết gia cảnh của Chung, bố mẹ nàng không tiếc lời xỉ vả rằng Ch. lợi dụng con gái mình để trục lợi. Lòng tự trọng bị tổn thương và không kiềm chế được, Chung đã gây thương tích cho bố mẹ người yêu và hiện đang ngồi tù.
Thế N. (quê Hà Tĩnh), tốt nghiệp ĐH ngành tâm lý giáo dục đã nhiều năm, qua nhiều lần nhảy việc vẫn chỉ là tư vấn viên bán cây cảnh cho một trang web với mức lương 3 triệu đồng/tháng. N. tâm sự rằng đã cai yêu từ hồi ra trường vì nghèo. N. ít khi tụ tập mà thường cọc cạch với chiếc xe đạp đi về nơi xóm trọ và không biết lúc nào mới có nổi mảnh tình vắt vai.
Tìm kiếm bạn trai giàu
Trong quán cà phê Z ở một góc nhỏ trên đường Kim Liên mới (Hà Nội), Lương Thùy D. (SV năm cuối trường Học viện Ngân hàng) vừa ngồi xếp chân đánh bài với 3 cô gái trẻ khác vừa buông lời tục tĩu chê bai một chàng trai nghèo rớt vẫn cứ bám theo cô.
Chân không dài, nhưng có gương mặt xinh xắn, lại là gái thành thị nên D. đặt ra tiêu chí chọn bạn trai: Có nhà Hà Nội, có ô tô, đẹp trai, biết chiều người yêu... Tuy nhiên, ngoài mối tình đầu từ năm thứ nhất đến nay, D. vẫn đi về lẻ bóng.
D. không ngồi im để chờ đợi, buổi tối, D. và nhóm bạn lại trang điểm, ăn mặc sexy rồi tới các quán bar để tìm bạn trai hội đủ các tiêu chí trên. “Chỉ có ở đó mới có trai chịu chơi và có tiền”, D. nói vẻ từng trải. Có lần Minh, chàng trai thua tuổi khóa dưới tỏ vẻ si mê D., nhiều lần bắn tin mời đi uống nước cô đều không hồi âm.
Chỉ đến khi hội bạn rủ rỉ, D. mới đồng ý. Sau cuộc hẹn, D. tuyên bố: “Đi xe Wave cà tàng, ăn mặc đã biết là nhà quê, mời vào cái quán cà phê rẻ tiền, 5 người mà trả hết hơn 100.000 đồng. Lần sau đừng đi, mất giá”.
Hương G. (quê Hải Dương, SV ĐH KHXH&NV) cũng tự nâng đẳng cấp chọn người yêu của mình nhờ đôi chân dài và dăm ba sô diễn ở các CLB người mẫu.
Ở KTX, G. nổi lên như cồn khi nhiều người chứng kiến cảnh cô vứt nguyên bó hoa của chàng SV nghèo xuống chân và giẫm nát kèm theo lời cảnh cáo: “Đũa mốc đừng chòi mâm son”. G. trở thành đối tượng cá cược của một nhóm chàng trai chịu chơi khiến nàng nhiều phen nếm trái đắng.
Theo chuyên gia tâm lý Phan Bích Thủy, đang có một bộ phận giới trẻ sống thực dụng, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ trong xã hội. Khi đi dạy lớp học yêu và tiền hôn nhân, chị nhận thấy hầu hết thanh niên trưởng thành, có tư tưởng cầu tiến, tự lập, tự tin vào tình yêu.
Chị Thủy nói, lớp trẻ thực dụng, coi trọng giá trị vật chất thường có thể xuất thân trong gia đình giàu có, bố mẹ chỉ biết cho con nhiều tiền, không có thời gian dạy con quý trọng tình người dẫn đến con cái lấy vật chất làm thước đo mọi giá trị; hoặc những bạn trẻ đó xuất thân từ hoàn cảnh quá nghèo khó, muốn một phút đổi đời.
Ngoài ra, không ít người được coi là thuộc giới showbiz, người của công chúng lại lên báo tung hê cuộc sống giàu sang là do dựa lưng đại gia, đã tác động đến một bộ phận không nhỏ tuổi mới lớn lười biếng, thích ăn sẵn. Phải khẳng định, giá trị vật chất không phải do mình gây dựng nên thì không bền vững., chuyên gia Phan Bích Thủy khẳng định.
Theo Nguyễn Hà - Duy Ngợi
Tiền phong