Khi người Việt viết sai tiếng Việt

Khi lỡ viết sai một câu tiếng Anh, tiếng Pháp, nhiều người cảm thấy bứt rứt, mang nặng mặc cảm dốt nát. Trong khi viết sai tiếng Việt, thậm chí sai một cách trầm trọng, thì họ lại xem đó là chuyện bình thường...

Nói về chất lượng của những người được gọi là có bằng cấp hiện nay, giám đốc một công ty cung ứng nguồn nhân lực cho biết: Qua đánh giá những người được công ty ông phỏng vấn thì... phần lớn là quá yếu. Nhiều người nói tiếng Anh “rôm rốp”, nhưng lại viết sai tiếng Việt, phổ biến nhất là viết câu què, câu cụt. Và ông ta không hiểu vì sao những người đó lại tốt nghiệp được trung học, rồi đại học?

 

Vấn đề làm sao để viết cho đúng tiếng Việt vẫn được giới chức giáo dục giảng dạy ra rả trong nhà trường, nhưng rồi các vị ấy chỉ biết chau mày, lắc đầu mỗi khi đọc một bài văn, bài tập có vô vàn lỗi chính tả. Trong đời sống hàng ngày, người Việt Nam gần như chấp nhận phải “chung sống” với tiếng Việt viết sai.

 

Lạ lùng thay, ngay từ trên ghế nhà trường, từ mẫu giáo, lớp 1 đã thường xuyên có những giờ chính tả. Nhưng khi trưởng thành, đi làm việc, công tác... thì lỗi chính tả lại không được xem là một giá trị cần phải giữ gìn.

 

Với người Việt sinh sống lâu năm hoặc thế hệ người Việt sinh ra ở hải ngoại thì chuyện viết sai tiếng Việt càng là việc “hà rầm” hơn.

 

Trong thực tế, khi lỡ viết sai một câu tiếng Anh, tiếng Pháp, nhiều người cảm thấy bứt rứt, mang nặng mặc cảm dốt nát. Trong khi viết sai tiếng Việt, thậm chí sai một cách trầm trọng, thì họ lại xem đó là chuyện bình thường, ngụy biện cho những cái sai của mình là “phong cách” hay “sự sáng tạo”. Điều đó dẫn đến thói quen coi thường văn bản, xem nội dung “đại khái” quan trọng hơn ngôn ngữ. Họ cho rằng chỉ cần người khác hiểu được đại khái ý chính là được!

 

Việc viết sai tiếng Việt còn do ảnh hưởng của những thói quen, tập quán của từng vùng miền. Vì thế, ngay chính trên quê hương của tiếng Việt việc nói và viết sai tiếng mẹ đẻ vẫn xảy ra như cơm bữa.

 

Ví dụ: Người miền Bắc, do có sự lầm lẫn các những phụ âm đầu bằng tr - ch, gi - d, l - nh, s - x... - nên nói, thậm chí viết : “ông giời” (ông trời), “mặt giăng” (mặt trăng), “uống riệu” (uống rượu), “giồng cây ăn chái” (trồng cây ăn trái), “phong chào chanh đấu” (phong trào tranh đấu), “nhọ nhem” (lọ lem)...

 

Nguời miền Trung thì không phân biệt dấu hỏi - dấu ngã...

 

Người miền Nam cũng ít chú trọng phân biệt dấu hỏi ngã, có nhiều lẫn lộn chính tả ở một số phụ âm đầu:

- v - d: “dội dàng đi dề” (vội vàng đi về)

- tr - ch: “ông chời” (ông trời)

Lẫn lộn chính tả ở một số phụ âm cuối:

- t - c: “dủ nhao chơi cúc bắc” (rủ nhau chơi cút bắt)

- au - ao: “chời mưa như trúc” (trút)...

 

Tuy vậy, người Việt Nam ba miền nói chuyện với nhau đều hiểu nhau cả! Với những người Việt xa quê hương quá lâu không được nói, viết tiếng Việt hàng ngày thì việc viết sai chính tả, lủng củng, dùng từ không chính xác, phải “mượn” ngoại ngữ để diễn đạt... tiếng Việt... có lẽ nên được du di thông cảm bỏ qua.

 

Tuy nhiên, gần đây, cùng với trào lưu “chat chit” trên internet thì bây giờ nhan nhãn thứ “tiếng Việt cách tân”, xuất hiện đầy rẫy các từ Việt bị uốn éo, vặn vẹo: “sẹo” (sạo), “trùi” (trời), “thui” (thôi), “rùi” (rồi), “cí” (ký, cái), “đê” (đi), “thía” (thế), “wé” (quá), “wừn” (quần)....

 

Không phải đến thời đại truyền thông kỹ thuật số hôm nay thì tiếng Việt mới bước vào con đường bị viết sai một cách bi đát như vậy. Tác giả Nguyễn Gia Kiểng nguyên là một GS ĐH Sài Gòn trước 1975 hồi tưởng: “Năm 1974,tôi nhận dạy kinh tế cho một trường đại học tại Sài Gòn. Trước khi bắt đầu, tôi hỏi một số giáo sư dạy kinh tế cho tôi xem những bài đã được chấm đậu những năm trước.

 

Mục đích của sự tham khảo này chỉ là để xem trình độ tiếp thu của sinh viên về môn kinh tế như thế nào. Nhưng tôi lại khám phá ra một sự kiện khác, kinh khủng hơn nhiều. Các sinh viên ở năm cuối cùng, sắp tốt nghiệp, hoàn toàn không biết viết tiếng Việt. Họ viết những câu rất dài và luộm thuộm, sai văn phạm, sai chính tả, sai cả nghĩa của từ ngữ. Bực bội quá tôi phải dọa các sinh viên là sẽ không chấm những bài viết sai tiếng Việt.

 

Rồi tôi đặt ra một qui luật có thể là hơi quá đáng: mỗi bài sẽ được chấm trên 20 điểm, 10 điểm trên ngữ pháp, 10 điểm về nội dung, nhưng nếu bài không đủ 5 điểm về ngữ pháp thì sẽ không được chấm phần nội dung nữa. Biện pháp quá khích đó có lẽ đã có tác dụng làm các sinh viên coi trọng Việt văn hơn”.

 

Nhìn tới ngó lui, nhìn xuôi ngó ngược... mới thấy thực trạng viết sai tiếng Việt chẳng phải là chuyện gì mới mẻ, chắc nó đã có từ khi... có tiếng Việt! Tuy nhiên, viết chính xác tiếng mẹ đẻ vẫn là điều cần phấn đấu để đạt được. Người Việt dù trong nước hay ở hải ngoại đều cần giữ gìn tiếng Việt, vì đó là cái hồn của dân tộc, không thể nào có một dân tộc Việt mà không biết nói, viết hoặc toàn nói, viết sai tiếng Việt.

 

Theo Người Viễn Xứ