Khi người trẻ phượt với… tử thần!

Du lịch mạo hiểm phát triển mạnh nhưng hầu như tự phát. Các chuyến đi đánh đu với tử thần đã biến nhiều “phượt tử” trở thành những kẻ du lịch liều lĩnh

Thú vui liều mạng

 

Phượt được hiểu là du lịch mạo hiểm tới những vùng đất hoang vu, xa xôi để khám phá khả năng của bản thân, chinh phục những vùng đất xa lạ. Trào lưu này đang lan nhanh trong giới trẻ. Cộng đồng các bạn trẻ có chung niềm đam mê với phượt đông đảo tới mức họ được gọi là “phượt tử”.

 

Những người bắt đầu đam mê du lịch mạo hiểm thường phấn khích khi được khám phá những chân trời mới. Sau cảm giác thích thú, các “phượt tử” trẻ có xu hướng lập “chiến tích để đời” nhằm chứng tỏ bản thân hay khoe mẽ với các “phượt tử” khác.

 

Nguyễn Ngọc Nam (24 tuổi), tự nhận là một “phượt tử” có “số má”, nói: “Đi phượt phải chấp nhận hiểm nguy. Trên hành trình đi phượt, tôi thường tự ném mình vào những tình huống khó khăn để tự xoay xở vượt qua.

 

Chẳng hạn lần phượt xuyên đêm từ Điện Biên qua Lai Châu để sang Sa Pa. Khi đi qua đèo Ô Quy Hồ, tôi bị ngã xe mấy lần vì sương mù dày đặc, chỉ cách 1 m cũng không nhìn thấy đường. Đó là cung đường với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Tất nhiên, chạy xe máy buổi đêm thì cả trăm cây số đường rừng không có lấy một bóng người”.

 

Nhiều đoàn phượt đi đông người bất chấp luật giao thông khi chụp ảnh giữa đường
Nhiều đoàn phượt đi đông người bất chấp luật giao thông khi chụp ảnh giữa đường

 

Chuyện dân phượt đi xuyên rừng, qua những chặng đường núi nguy hiểm trong đêm tối giờ không có gì đáng khoe. Những người không dám mạo hiểm ngay lập tức bị chê là quá “non” hoặc chưa đủ tuổi để phượt.

 

Nhàm chán phượt đêm, nhiều đoàn phượt rủ nhau du lịch vào mùa mưa hay qua những con đường chưa ai chinh phục để thỏa mãn thú vui mạo hiểm. Thậm chí, không ít bạn trẻ sẵn sàng đi xe máy dưới trời mưa qua những con đèo từ Bắc Kạn lên Cao Bằng. Nếu bất ngờ có sạt lở, lũ ống, lũ quét trên những cung đường ấy thì họ sẽ phải trả giá rất đắt.

 

Đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương với độ cao 3.143 m, là một trong những địa điểm phượt ưa thích nhất của giới trẻ. Theo quy định, những người leo Fansipan phải đăng ký mua tour của một công ty du lịch được phép cung cấp dịch vụ dẫn đoàn chinh phục đỉnh núi này. Tuy nhiên, đa phần dân phượt tìm cách đi chui.

 

Theo anh Nguyễn Quang Vinh, phụ trách lữ hành của Công ty Du lịch Viễn Dương (Lào Cai), trốn vé đi chui tức là các bạn trẻ không được bảo hiểm và phải tự chịu rủi ro nếu thiếu người hướng dẫn kinh nghiệm.

 

Giá tour cho đoàn từ 10 người trở lên để chinh phục Fansipan vào khoảng 1,8-2 triệu đồng/người. Nếu đi chui, dân phượt chỉ phải bỏ ra 200.000-300.000 đồng để thuê một người bản địa dẫn đường. Phạm Ngọc Ánh, người mất tích trên đỉnh Fansipan mới đây, cũng là một tay leo núi chui.

 

“Những bạn trẻ đi phượt trốn vé khi leo Fansipan khá phổ biến. Việc này rất nguy hiểm. Khi tai nạn xảy ra, chúng tôi không thể kiểm soát vì địa bàn vườn quốc gia quá rộng”, ông Ninh Anh Vũ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, lo ngại.

 

Cần khuyến cáo, cảnh báo

 

Anh Nguyễn Quốc Cường, một thành viên lâu năm của diễn đàn phượt, nhận xét: “Đi phượt có rất nhiều mục đích tốt đẹp, giúp bạn trẻ học hỏi thêm nhiều điều, đương đầu với những thử thách trên hành trình. Thế nhưng, dù bất kỳ lý do gì thì mạo hiểm mạng sống của mình cũng quá dại dột”.

 

Theo Cường, “phượt tử” phải tự biết bảo vệ bản thân vì phượt là cách khám phá cuộc sống không theo một hành trình nhất định nên chưa có công ty nào bán tour hay bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu có ý thức về sự an toàn của bản thân và những người xung quanh, bạn trẻ đi phượt phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, các dụng cụ cá nhân cần thiết và quan trọng nhất là phải đặt an toàn tính mạng lên hàng đầu. 

 

Ông Nguyễn Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam), nhận định lĩnh vực du lịch mạo hiểm khá tiềm năng bởi nhiều địa phương có cảnh quan kỳ thú để phát triển leo núi, khám phá hang động, chinh phục những vùng đất hiểm trở...

 

Theo Vụ Thị trường du lịch, cách du lịch mạo hiểm kiểu tự phát và ngẫu hứng của giới trẻ cũng mang đến nguồn lợi không nhỏ cho du lịch của các địa phương. Thậm chí, nhiều vùng đất rất xa xôi mà chỉ những đoàn phượt với khả năng vượt núi, băng rừng mới tìm đến. Nhiều bạn trẻ khi đi phượt với mục đích tốt đẹp còn tặng quà cho những người dân bản địa nghèo khó.

 

Theo ông Nguyễn Nam, ngành du lịch địa phương và ban quản lý các khu du lịch mạo hiểm phải khuyến cáo, lắp đặt những biển cảnh báo, thậm chí cắt cử người túc trực ở những địa điểm nguy hiểm để trợ giúp các đoàn phượt, nhất là các địa điểm thu hút đông người tới như Fansipan, thác Bản Giốc…

 

Theo một kiểm lâm viên ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên, ý thức tự bảo vệ mình của người nước ngoài rất cao dù họ thích mạo hiểm hơn người Việt. Anh Nguyễn Tùng, người có 4 lần kinh nghiệm leo Fansipan, cho biết đã có người nước ngoài ngã xuống vực, bị thương nhưng họ đều được công ty tổ chức tour thanh toán bảo hiểm.

 

Những cái chết nghiệt ngã

 

Ngày 14/8, trên đường chạy xe máy về Hà Nội sau chuyến phượt dài ngày ở Lào Cai, Chu Hồng Đăng (SN 1977), một “phượt tử” lão luyện có hơn 15 năm kinh nghiệm du lịch mạo hiểm, đã thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Tay phượt này rất nổi tiếng vì thường xuyên cứu hộ, trợ giúp nhiều đoàn chẳng may gặp nguy hiểm trên hành trình.

 

Tháng 7/2012, một nữ sinh 21 tuổi người Đồng Nai bị kiệt sức và tử vong trên hành trình chinh phục cực Đông - Mũi Đôi (bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).

 

Giữa năm 2010, 2 “phượt tử” đầy kinh nghiệm với cả chục chuyến đi vùng cao bị lũ cuốn trôi khi đi phượt ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Lũ bất ngờ ập về đã cướp đi mạng sống của Nguyễn Thu Hiền (SN 1983) và Nguyễn Khánh Nguyên (SN 1982). Thu Hiền bị lũ cuốn khi xuống suối chụp ảnh, Khánh Nguyên nhảy xuống cứu cũng mất mạng vì lũ dữ...

 

Theo Mạnh Duy

Người lao động