Khi người trẻ nhìn đời tiêu cực
Choáng trước cảnh nhà Việt Thanh có quầy bar, phòng karaoke, hồ bơi… bạn bè của cậu bèn đồn nhau là bố mẹ Thanh hoặc là buôn lậu, hoặc là “bòn rút” tiền của Nhà nước. Trước tình cảnh đó, cậu chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: “Chẳng lẽ nhà tôi khá giả là có tội? Không lẽ tôi phải từ quê lên Sài Gòn trọ học mới là ngoan hiền?”
Ở Sài Gòn, nếu đi hai người bước vào (bất kể nam hay nữ) bất cứ quán karaoke nào thuộc hệ thống Nice, bạn đều nhận được những cái lắc đầu từ chối với lý do “Hết phòng”. Đơn giản, họ sợ bạn sẽ làm điều gì bậy bạ khi vào phòng karaoke. Một cái nhìn đầy tiêu cực và nạn nhân là người trẻ. Nhưng, chính người trẻ cũng có cái nhìn như thế trong cách nhìn nhận sự việc của mình.
Người trẻ hiện tại rất “quái”, thấy cái gì bất thường hoặc nổi bật một chút là lập tức nghĩ ngay đến tiêu cực. Giả như thấy anh cảnh sát giao thông đang lập biên bản một chiếc xe máy do phạm luật. Lập tức nghĩ, cứ tuồn ra vài chục nghìn là xong hết. Hay thấy anh chàng nào đó, ăn mặc sành điệu, xài điện thoại đắt tiền, đi SH là sẽ chép miệng: “Thằng đấy học hành gì, chắc suốt ngày lông bông đi tán gái thôi”.
Có lẽ, trong mắt người trẻ không còn có chuyện anh cảnh sát giao thông gương mẫu, hoặc anh học giỏi thì tất phải đi xe đạp, nhịn ăn sáng để đến giảng đường. Người trẻ đang mắc bệnh gì thế nhỉ? Đơn giản, họ thiếu niềm tin vào cuộc sống.
Có hàng tỷ chuyện tốt để giới trẻ có thể soi mình vào đó. Nhưng người trẻ thường hay lờ đi. Ngược lại, chỉ vài cái nhìn xấu là họ có thể “quơ đũa cả nắm”...
Như chuyện ông thầy tống tình nữ sinh viên. Ngay tại quán cà phê cóc trước ĐH KHXH &NV TPHCM đã có sinh viên buột miệng: “Ông thầy nào mà chẳng thế”. Vậy thì không hiểu những người thầy khác đã giúp cậu sinh viên ấy có thể ngồi trên ghế giảng đường hôm nay đã đi đâu mất rồi sao.
Việt Thanh, SV ĐH Quốc tế, nhà thuộc loại có cỡ ở Sài Gòn, kể một chuyện hài hước đáng chán của Thanh rằng: Có lần Thanh rủ vài người bạn cùng lớp đến nhà mình chơi. Căn nhà nằm ở khu nhà liền kề đường Sư Vạn Hạnh, rất lớn và đầy đủ tiện nghi. Có thể, những người bạn Thanh bị choáng trước cảnh nhà gì mà có quầy bar, phòng karaoke, hồ bơi, bèn đồn nhau là bố mẹ Thanh hoặc là buôn lậu, hoặc là “bòn rút” tiền của Nhà nước.
Cáu quá, Thanh tuyên bố là đừng có ai đến nhà mình nữa. Cũng chẳng vừa, bạn bè tiếp tục tung tin: “Thằng đấy chắc suốt ngày đi vũ trường lắc liếc thôi”. “Chẳng lẽ nhà tôi khá giả là có tội? Không lẽ tôi phải từ quê lên Sài Gòn trọ học mới là ngoan hiền? Biết thế, chẳng mời ai đến nhà từ đầu là được rồi. Chỉ muốn kết thân với nhau. Ai ngờ chán đến mức độ đó”.
Chuyện của Thanh cũng thường thôi. Có cô đi chơi với người yêu, anh chàng hơi già một chút so với cô ấy mà phải lén lút như đi buôn lậu. Đơn giản, nếu để bạn bè thấy, họ sẽ đồn lên rằng cô ấy cặp với đại gia nào đó vì tiền. Mà trong chuyện này, giới truyền thông là một trong những nguyên nhân chính cung cấp những suy nghĩ ấy trong giới trẻ.
Không hiểu họ nhặt đâu được vài cái chuyện cô SV X cặp với đại gia Y, chu cấp mỗi tháng vài triệu, sắm xe xịn cho X… Đổi lại, X phải chấp nhận “già nhân ngãi, non vợ chồng” với đại gia đấy. Sao không thử đặt ra giả thuyết: “Họ yêu nhau thật lòng”? Tình yêu không phân biệt tuổi tác, họ không tin vào điều đó sao? Phim ảnh, TV cũng vậy, cứ cậu bé nào hư hỏng thì y như rằng đó là con của một ông giám đốc tham ô nào đó.
Trước đây, Mai Lan cựu SV ĐH KHXH &NV chạy cái xe cà-tàng đi học thì chẳng có gì. Đến khi cô đổi chiếc tay ga giá vài chục triệu, thì có chuyện. Bạn bè đồn rằng cô cặp với đại gia của một hãng cà phê siêu lớn. Chính mắt họ thấy cô với đại gia ấy đi chơi ở đâu, đi ăn ở đâu. Cho đến khi ra trường, Lan cũng chẳng thanh minh về điều đó.
Ngày cưới Lan, chú rể chỉ là anh chủ tiệm cắt tóc thời trang ở quận 5. “Người trăm năm của tôi đấy. Chẳng đại gia, đại khái gì đâu”, Lan vừa cười vừa giới thiệu với những người bạn của mình.
Hay như cái chuyện người trẻ nghĩ du học sinh tự túc đều là một đám phá gia chi tử, thừa tiền mà chẳng biết làm gì. Họ không biết được rằng trong những “phá gia chi tử” ấy, vẫn có một cô bé bị suy thận nặng. Nhưng không có tiền chữa trị. Vì tiền làm thêm được bao nhiêu đều dành cho sinh hoạt thường ngày. Làm thêm ở Singapore bị cấm tuyệt đối, vừa làm vừa sợ bị đuổi về nước nếu bị phát hiện.
Nguyện vọng của cô chỉ là tốt nghiệp, kiếm được việc làm để phụ giúp gia đình. Còn cái bệnh thận có thể làm cô vô sinh sau này cũng chẳng quan trọng. Đâu ai biết được rằng, gia đình cô đã phải bán nhà kiếm tiền cho cô đi học. Sao chúng ta lại không trân trọng điều tốt đẹp ấy? Mà khi nghĩ đến du học sinh toàn là nghĩ đến rượu Tây, những cuộc ăn chơi thác loạn, cái đầu nhuộm xanh đỏ…
Đem chuyện cái nhìn tiêu cực của người trẻ tán với anh bạn đang làm giám đốc của một công ty nhỏ. Anh ta lập tức cau có: “Tôi cũng là nạn nhân của trò này đấy”. Vừa rồi, anh với cô bạn gái đi Vũng Tàu chơi bằng xe máy. Xui xẻo chiều ấy mưa, sợ chạy về Sài Gòn thì nguy hiểm. Cả hai quyết định ở khách sạn đợi đến sáng mai về thành phố lại.
“Mình ở thì ở phòng hai giường. Mỗi người một giường. Vậy mà mấy thằng tiếp tân cứ nhìn mình là cười hí hí. Làm như mình vào đấy chỉ là để làm chuyện ấy hay sao ấy. Họ nhìn vấn đề tệ quá. Sao không nghĩ là mình ở khách sạn chỉ vì nguyên nhân khách quan”, anh thở dài.
Đơn giản nhất như là cái chuyện thấy mệt mỏi cần xông hơi xoa bóp chẳng hạn. Bước ra khỏi phòng massage, lập tức nhận được những cái nhìn mỉa mai của những người khác. Chẳng lẽ, ai vào phòng massage cũng chỉ làm những trò vớ vẩn thôi sao. Bi hài nhất là có anh bạn sụt gần 5 kg do vừa ốm dậy, đi học lại lập tức bị dòm ngó khá kỹ. “Người nào biết thì thôi. Người không biết có khi cho tôi là thằng hút xì-ke cũng không chừng”, anh tâm sự.
Giống chuyện bước vào bar người ta sẽ nói mình “lắc”; hai đứa con trai cặp kè với nhau suốt ngày bị cho là gay; ca sĩ nổi tiếng nhanh bị cho là do tạo scandal giỏi…
Theo Hoa Học Trò