Khi người trẻ bị “ẩm IC”
Học hành, thi cử, làm thêm… khiến giới sinh viên phải chịu nhiều áp lực. Điều đó dẫn đến chứng đau đầu, giảm trí nhớ, khó ngủ… và giới sinh viên thường nói đùa là “ẩm IC”.
Thực ra đây không còn là chuyện đùa nữa mà đã trở thành vấn đề đáng nói của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Q. Chi là sinh viên ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn TPHCM. Ngoài 5 tiết buổi sáng, 3 tiết buổi chiều, cô còn tranh thủ dạy kèm và học thêm ngoại ngữ buổi tối. Thời gian học bài thường bắt đầu sau 22 giờ.
Ngày thứ Bảy, Chủ nhật, thay vì xả hơi, Chi lại chúi mũi vào thư viện. Năm cuối, ráo riết nạp “nhiên liệu” thi tốt nghiệp nên người cô nàng gầy như cây sậy… biết đi.
Ban đầu là… bệnh nhầm! Như đợt kiểm tra Lịch sử văn minh thế giới cổ đại, Chi nhớ nhầm địa chỉ, thế là bê nguyên xi phần văn minh Ai Cập sang văn minh Hi Lạp dù đã học bài khá kỹ. Kết quả sau trận “tẩu hỏa nhập ma” ấy là con số 2 điểm cong gầy như cô.
Rối rắm gỡ mớ công việc hỗn độn khiến Chi mất ngủ, thể trạng suy sụp, chán nản. Cuối cùng là Chi… vào bệnh viện tâm thần khám.
Còn Ng. Minh (ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM) đang khổ sở về chứng lo sợ vô cớ của mình. Minh vừa đi học vừa làm thêm cho một công ty phần mềm có tiếng tại TPHCM. Từ một sinh viên dạy kèm, giờ nghiễm nhiên trở thành lập trình viên với mức lương 300 USD/tháng, Minh luôn phấn đấu để lập nhiều “chiến tích” phát triển công ty.
Làm gì khi “ẩm IC”? Nguyễn Hiến Đông, SV khoa Tâm lý, trường ĐHDL Văn Hiến: Tôi thường cho phép mình xả hơi sau mỗi mùa thi như: Đi đâu đó thưởng ngoạn với đám bạn. Đầu tư một chiếc tai nghe thưởng thức những bài hát mình ưa thích. Âm nhạc vốn làm dịu tan muộn phiền và nhắc nhở bạn là ai đấy!”. Lê Nguyễn Quỳnh Nga, SV khoa Ngữ văn - Báo chí, ĐH KHXH&NV TPHCM: Cười! Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ mà! Sinh viên cần có óc khôi hài và học cách mỉm cười. Kinh nghiệm cho thấy, khi đầu óc căng thẳng thường dẫn đến sự việc không trơn tru như mình mong muốn. Vì thế, cách tốt nhất là tôi cố gắng nhìn mọi chuyện dưới góc độ nhẹ nhàng hơn. |
Ngoài việc học, Minh phải ăn… máy tính, ngủ… máy tính sao cho chạy kịp chương trình. Tuy nhiên, lương cao đồng nghĩa áp lực. Cuối cùng, anh phải nhờ đến bác sĩ tư vấn tâm lý vì chứng lo sợ vô cớ của mình: Sợ không hoàn thành tốt công việc được giao, sợ gặp sự cố dù chưa hề xảy ra lần nào.
Giáo sư - Tiến sỹ Nh., Hiệu trưởng một trường đại học kể: Có cô sinh viên khá xinh, khi đến trường là phóng xe vụt thẳng xuống hầm, không cho bảo vệ ghi giấy giữ xe. Sau nhiều lần như thế, phòng bảo vệ kiến nghị trường xử lý. Cộng thêm tình trạng học hành thiếu nghiêm túc, thất thường của sinh viên này, Hội đồng kỷ luật xem xét buộc thôi học…
Với vai trò là Hiệu trưởng, TS Nh. phải cân nhắc, nên đã cử người đến chỗ nhà trọ sinh viên này tìm hiểu… Chị ruột sinh viên này cũng đang là sinh viên cho biết, do áp lực của việc học tại trường; rồi việc học thêm, làm thêm bên ngoài… gần đây em gái mình có dấu hiệu không bình thường.
Và cuối cùng, Hiệu trưởng đã quyết định cho sinh viên này lưu ban và động viên gia đình cho cô đi khám và trị liệu tâm lý. Đây cũng là một vấn đề cần đặt ra nghiêm túc khi phát hiện người thân mình có dấu hiệu không bình thường về tâm lý.
Theo kết quả khảo sát tại Bệnh viện tâm thần TPHCM, trong số 765 bệnh nhân đến khám thì có 222 trường hợp có triệu chứng lo âu trầm cảm. Đa số là học sinh, sinh viên.
Theo bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc bệnh viện: “Mọi người vẫn thường nghĩ tâm thần phải là điên dại. Thế nhưng rối loạn cảm xúc là biểu hiện của tâm thần. Trong cuộc sống, học tập, sinh viên không thể tránh khỏi những căng thẳng. Khi thấy các triệu chứng như: rối loạn hành vi, tác phong và xúc cảm, thay đổi mới lạ trong cách ăn nói, giấc ngủ, sinh viên cần đi khám ngay. Nghỉ ngơi, giải trí để xả căng đầu óc”.