Khi nam sinh viên đi làm “trợ lý”
Tại cửa Trung tâm Thương mại Parkson, TPHCM, những chiếc xe hơi sang trọng, có cảnh sát dẫn đường, đỗ xịch. Các chàng trai mặc vest đen, cà vạt lịch sự nhanh nhẹn bước xuống. Họ mở cửa xe rồi theo chân các vị khách...
Các chàng trai đi phía sau, cạnh vị khách của mình, kiên nhẫn chờ đợi mỗi khi người đó dừng lại chọn lựa và nhanh nhẹn xách đồ nếu vị khách mua được một món hàng ưng ý. Họ luôn tỏ ra lịch thiệp, ân cần, cởi mở và sẵn sàng tư vấn khi vị khách hỏi họ điều gì.
Gần 1 giờ hộ tống đoàn khách mua sắm trước sự ngạc nhiên, tò mò của nhiều người, 8 chàng trai tay xách nách mang bước về phía đoàn xe chờ sẵn, mở cửa cho khách hàng của mình bước vào xe, cất đồ vào cốp rồi nhanh nhẹn mở cửa xe và ngồi lên phía trước, những chiếc xe lại vội vã lao đi...
Chúng tôi đã liên lạc với Quang Huy, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ, một trong những trợ lý xuất hiện trong đoàn khách chiều hôm đó.
Huy cho biết, tất cả các bạn trong vai trò trợ lý khách hàng đều đang là sinh viên và đó là một trong những công việc làm thêm của họ cho Công ty S. Trước khi được đảm nhận vai trò trợ lý cho những khách hàng đặc biệt quan trọng của công ty, những nam SV này phải qua một vòng thi tuyển rất khắt khe để loại hơn 60 “đối thủ” khác.
Không chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn về ngoại hình (cao 1,7 m trở lên), họ phải trải qua các buổi huấn luyện về ứng xử, giao tiếp, tác phong, cũng như phải nắm tường tận chương trình để có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào của khách và trong suốt chuyến đi họ phải luôn tỏ ra lịch thiệp, nhiệt tình để làm vui lòng khách.
Hầu hết những trợ lý sinh viên này đều tỏ ra vui vẻ và tự hào với công việc làm thêm của mình.
Dương Kha, sinh viên năm thứ 2 khoa quản lý nhà hàng khách sạn Trường Trung cấp Mai Linh, cho biết đây là lần thứ 2 bạn làm trợ lý khách hàng cho những công ty khác nhau.
Kha tâm sự: “Làm công việc này tôi được gặp những vị khách đặc biệt, có cả những người nổi tiếng mà tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ được gặp. Tôi học được rất nhiều điều, đặc biệt là cách giao tiếp, ứng xử. Đây là những cơ hội tốt để tôi có thêm kinh nghiệm cho công việc của mình sau này”.
Còn Hoàng Phúc, sinh viên năm thứ nhất khoa công nghệ thông tin Trường ĐH GTVT, cho biết: “Mỗi khi đi làm về, tôi lại “khoe” với bạn bè những nơi sang trọng mà mình được đến. Công việc này giúp tôi có thêm sự hoạt bát và tính kiên nhẫn”.
Hầu hết nam sinh viên từng làm công việc trợ lý khách hàng mà tôi gặp đều cho biết, họ làm thêm không chỉ để kiếm tiền. Hoàng Phúc tâm sự: “Cuộc sống gia đình tôi khá đầy đủ, có điện thoại, xe máy... Tôi làm thêm chỉ để có thêm tiền trang trải những chi phí cá nhân mà không làm phiền đến ba mẹ”.
Còn Quang Huy cho biết: “Ba mẹ lúc đầu biết tôi đi làm thêm rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến việc học, ba mẹ không yêu cầu tôi phải kiếm tiền, nhưng khi nghe tôi nói về công việc của mình, ba mẹ đã ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có vài lần ba mẹ đến tận công ty để “kiểm tra” xem có đúng là tôi đang làm thêm hay không”.
Trong quá trình làm trợ lý, những chàng trai trẻ này gặp không ít tình huống “đớ” người. Khi gặp những khách hàng khó tính, không muốn trò chuyện nhiều, không biết làm cách nào để chiều lòng khách, họ gợi ý vài lời nhưng không thấy đáp lại nên đành ngồi yên.
Quang Huy kể, có không ít lần những nhân viên bán hàng thấy các anh đẹp trai, ăn mặc lịch sự mà lại đi theo một người nào đó chỉ để... xách giỏ, họ liền đến hỏi thăm.
Sau chút ngại ngùng, không biết nói sao cho họ hiểu công việc của mình, Huy bèn nói cho qua chuyện: “Bọn anh theo giám đốc đi mua sắm ấy mà”.
Còn Hoàng Phúc, vẫn nhớ lần cùng một khách hàng nữ đi mua sắm, gặp người quen, họ cứ trố mắt nhìn, Phúc đành nói ngắn gọn: “Tớ đang làm vệ sĩ”, rồi đi thẳng.
Có những lúc chờ khách hàng ăn tiệc hay spa cả giờ đồng hồ, mệt và đói, các bạn phải chạy đi đâu đó tìm thức ăn, xong tìm một góc ngồi chờ đến giờ lại đưa khách đi.
Hoàng Phúc cho biết: “Có những chương trình phải dậy từ 4 giờ sáng, đi cùng khách cả ngày, đến khoảng 22 giờ đưa khách về tận nhà, tôi cảm thấy “đuối” lắm rồi nhưng vẫn phải tỏ ra vui vẻ. Hay những chương trình dự kiến sẽ có ăn cơm trưa, nhưng đến giờ ăn mải lo cho khách, khi xong việc chỉ biết gặm bánh mì”.
Một ngày đi làm trợ lý, các nam sinh viên này được trả khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Khi không làm trợ lý, bất cứ công ty nào gọi đi làm, các bạn cũng sẵn sàng phân bổ thời gian để làm thêm, nếu không vướng vào mùa thi...
Theo Thùy Vinh
Người Lao Động