Huế:

Khi giới trẻ “xông pha” mùa đại học

(Dân trí) - Mùa thi Đại học đang trở thành khoảng thời gian tuyệt vời để nhiều bạn trẻ tận dụng kiếm thêm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm sống.

Kiếm tiền không dễ

Đối với nhiều bạn trẻ, muà hè không phải là mùa nghỉ ngơi mà là thời gian các bạn bắt tay làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống sinh viên.

Những ngày thi ĐH, CĐ là thời điểm bận rộn nhất. Khắp các hội đồng thi cả nước, đâu đâu cũng thấy bóng dáng người trẻ tuổi cầm trên tay sấp báo, tờ rơi,… đi mời chào người mua.
 
Nhiều người không hiểu có thể thấy khó chịu vì sự làm phiền này, nhưng xét cho cùng đây vẫn là một công việc chính đáng giúp sinh viên kiếm thêm thu nhập.

Bạn trẻ Huế đi bán đáp án thi ĐH
Bạn trẻ Huế đi bán đáp án thi ĐH

Bạn Nguyễn Thu Hà, quê ở Quảng Trị, sinh viên năm 3 trường ĐH Kinh tế Huế quyết định năm nay nghỉ hè không về quê như mọi khi mà chọn ở lại Huế để làm thêm, vừa kiếm thêm thu nhập vừa tích lũy vốn sống.

Công việc của Hà khá bận rộn khi đi làm từ sáng đến chiều. Vào những ngày diễn ra kì thi đại học, Hà còn kiêm thêm chân chạy bán báo và phát tờ rơi. Hà chia sẻ: “Mình làm ngày 2 buổi, mỗi buổi khoảng 30 phút là phát xong tờ rơi rồi. Bán báo thì có thể lâu hơn khoảng 1-2 tiếng. Trung bình sau mỗi buổi thi mình kiếm được từ 80 – 100 ngàn”.

Hà tâm sự bán báo, phát tờ rơi trong dịp này kiếm được nhiều tiền nhưng cũng có nhiều khó khăn. Để lấy báo phải thức dậy từ sáng sớm tinh mơ nhận báo và đem bán. Dậy càng sớm thì càng bán được nhiều báo hơn. “Phát tờ rơi mặc dù nhanh và khỏe nhưng lại dễ bị mắng vì làm phiền người khác.” Hà ngầm ngùi nói.

Tuy vậy dù bán báo, phát tờ rơi Hà cũng khá cương quyết về “đạo đức nghề nghiệp” của mình: “Có người bán tờ giải đáp án cho phụ huynh nhưng mình không bán cái đó. Tờ giải rất đơn giản mà đôi khi đắt gấp đôi tờ báo. Bình thường thì các báo cũng có lời giải đáp kèm theo rồi nên mấy tờ rơi lời giải nhỡ sai, ẩu chẳng khác nào lừa dối mọi người”.

Đi bán báo cho phụ huynh đang chờ thí sinh

Đi bán báo cho phụ huynh đang chờ thí sinh (ảnh: Ngô Văn)

Ngoài bán báo phát tờ rơi, một số khác chọn cho mình công việc chạy xe ôm để đưa đón thí sinh. Nhóm xe ôm “I like” vừa thành lập cách đây không lâu đã rất nhanh chóng được các tình nguyện viên TSMT ở Huế tin tưởng nhờ giúp đỡ vì mức giá “sinh viên” và sự tận tâm hỗ trợ đối với các thí sinh.

Bạn Nam một thành viên chạy xe ôm trong nhóm cho biết: “Bọn mình vừa tiếp sức mùa thi vừa làm thêm kiếm thu nhập. Khi khách hàng là sĩ tử và người nhà đi xe ôm bọn mình sẽ giảm giá mạnh”

Hàng ngày các bạn trẻ trong nhóm túc trực ở bến xe phía Nam và bến xe phía Bắc từ 6h đến 20h với hành khách bình thường sẽ lấy nguyên giá gốc: 5 nghìn đồng/km. Với sĩ tử đến Huế dự thi sẽ giảm 20%.

SV có mặt trên nhiều nẻo đường mùa thi ĐH để tích lũy kinh nghiệm sống và kiếm thêm thu nhập
SV có mặt trên nhiều nẻo đường mùa thi ĐH để tích lũy kinh nghiệm sống và kiếm thêm thu nhập

Nam cười cho biết: “Muốn chạy xe ôm yên thân không hề dễ dàng, Nói là túc trực ở các bến xe nhưng bọn mình thường phải đứng ra xa chứ chẳng dám đến gần vì ở đó là địa bàn của những người chạy xe ôm lâu năm. Tuy làm thêm có thu nhập nhưng cũng thường xuyên bị ăn chửi”.

Tích lũy vốn sống

Nhiều sinh viên tận dụng thời gian làm thêm mùa thi vì mục đích mưu sinh nhưng cũng có nhiều bạn đi làm với mục đích tích lũy kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề nghiệp.

Bạn Ngô Văn – sinh viên năm 3 khoa báo chí ĐH Khoa Học Huế cho biết: “Mùa thi ĐH, thông tin nóng nhất là viết về tuyển sinh và thí sinh. Chỉ 2 tuần thôi nhưng đó là khoảng thời gian “vàng” để sinh viên báo chí bọn mình đi tìm kiếm đề tài hay, viết bài gởi các báo”

Cầm theo ba-lô, laptop, máy ảnh, máy ghi âm. Những sinh viên báo chí tỏ ra rất chuyên nghiệp khi tác nghiệp trước các cổng trường đại học. Họ ghi lại những khoảnh khắc mùa thi đắt giá để chuyển tới các tờ báo trên toàn quốc.

Tác nghiệp để gửi bài cho báo kiếm nhuận bút

Tác nghiệp để gửi bài cho báo kiếm nhuận bút

Văn chia sẻ về công việc của mình: “Mình thích ghi nhận những gương người tốt việc tốt, những thí sinh tật nguyền giàu nghị lực hay những thí sinh lớn tuổi vẫn quyết tâm đeo đuổi con chữ. Cộng đồng và xã hội luôn rất quan tâm đến những tấm gương sáng vượt khó học tập này.”

Đối với người trẻ, thu nhập kiếm thêm khá quan trọng nhưng cái quan trọng và cần thiết hơn là tìm thấy công việc phù hợp năng lực và sở trường của mình. Việc học hỏi bổ sung kiến thức từ đời sống thực tế sẽ là hành trang giúp các bạn trẻ tự tin trong công việc sau khi ra đời.

Anh Việt – Đại Dương 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm