Khi Facebook biến thành nơi “cãi vã”

Không chỉ là nơi để chia sẻ trạng thái, giao lưu, kết bạn… nhiều cô nàng còn tận dụng Facebook và biến nó trở thành nơi để “tố tụng”, công khai cãi vã, “dìm hàng” bạn mình khi xảy ra mâu thuẫn.

Nghìn lẻ kiểu cãi vã

 

Trong quan hệ bạn bè, những hiểu nhầm, thói quen xấu, bất đồng ý kiến… đều có nguy cơ làm rạn nứt tình bạn. Thay vì việc giải quyết riêng tư với nhau, nhiều bạn trẻ hiện nay lại chọn Facebook làm nơi công khai  những vụ cãi cọ đó.

 

Mục đích của người “khơi mào” cho cuộc chiến Facebook là: giúp mọi người biết rõ “bộ mặt thật” của đối phương, để đối phương không còn nơi nào giấu mặt, ai ai cũng xa lánh. Và cũng từ đó, những vụ tố tụng bắt đầu sôi nổi trên Facebook khi người tung, kẻ đáp trả bằng những comment dài loằng ngoằng, những ghi chú “nói xấu” nhau nghìn nghịt chữ, dài tận vài trang A4.
 

Thu Anh và Tú Giang (đều 20 tuổi) vốn là bạn thân từ ngày còn học phổ thông. Tình bạn này càng trở nên thắm thiết khi cả hai cùng đỗ vào một trường đại học ở Hà Nội. Thế nhưng vì một vài mâu thuẫn nho nhỏ (do lỗi của Tú Giang) dẫn đến cãi vã, Thu Anh đã không ngần ngại viết ngay một ghi chú trên Facebook kể tội của Tú Giang rồi tag lần lượt tất cả bạn bè của cả hai vào.

 

Và thế là câu chuyện về “bộ mặt thật” của Tú Giang (theo như Thu Anh nói) được đông đảo mọi người (cả quen và không quen với hai người) biết đến. Những người bạn chơi thân với cả hai được phen sửng sốt khi chuyện tế nhị con gái lại được công khai ở một nơi có tốc độ lan truyền thông tin chóng mặt như Facebook. Chỉ với một vài comment hỏi thăm, nhiều người hồi hộp chờ đợi xem vụ việc sẽ diễn ra theo chiều hướng nào.

 

Khi Thu Anh làm dữ, Tú Giang im lặng không phản kháng, không bình luận nên càng khiến cô nàng kia điên tiết. Nhiều người ngoài biết chuyện hỏi thăm Thu Anh về nguyên nhân của sự rạn nứt thì được cô nàng xin email rồi gửi hẳn cho một file word dài gần 10 trang nói rõ về sự việc trong đó vạch rõ lỗi của bạn mình kèm theo lời nhắn gửi “hãy tránh xa Tú Giang ra vì đó là con người không tốt”.

 

Trong phi vụ này, mặc dầu ai cũng nhận ra người có lỗi là Tú Giang song cách hành xử của Thu Anh cũng khiến nhiều người nghi ngại. Một tình bạn kéo dài suốt 5 năm chẳng lẽ chỉ vì một chuyện không bé nhưng cũng chưa hẳn đến mức nghiêm trọng bị tan vỡ hoàn toàn?

 
Khi Facebook biến thành nơi “cãi vã”  - 1
Cãi cọ công khai trên Facebook (Ảnh minh hoạ)
 

Có phải cách hành xử thông minh?

 

Trần Hà (Viện ĐH Mở Hà Nội) cũng rơi vào một vụ “tố tụng” tương tự. Vì Hà ở cùng xóm trọ với một người bạn cấp 3 nên đôi khi cũng xảy ra xô xát. Tuy nhiên, sự việc chỉ thực sự nghiêm trọng khi trong một lần cãi vã, lên trên Facebook, Hà thấy chuyện này được cô bạn cùng phòng đăng tải trên Facebook cá nhân với một vài chi tiết đã được “làm mới” theo hướng “vạch tội” Hà.

 

Nội dung chủ yếu là nói rõ sự bực dọc của cô bạn kia khi phải ở chung với một người ích kỷ, chây lười. Khi có người quen vào comment, mọi câu chữ đại loại như “chơi với nó bấy nhiêu lâu, không ngờ nó ích kỷ đến thế”, rồi “tao đã cố nhịn vài lần nhưng đến mức này thì không thể chịu đựng được nữa”… của cô bạn kia được tuôn ra ồ ạt.

 

Trong một phút nóng nảy, Hà cũng nhảy vào comment, phân trần và thế là vụ cãi vã bỗng trở nên vô cùng kịch tính khi cả hai đều cố gắng biện minh cho riêng mình. Bạn bè thân quen của cả hai cũng chỉ biết ố á khi mỗi người nói một kiểu và ai cũng có… lý.

 

Dần dà những comment của những bạn khác thưa thớt dần rồi “lặn” hẳn vì họ là người ngoài cuộc, chỉ nghe hai người kể lại nên không rõ thực hư câu chuyện thế nào và cũng không biết nên bênh ai. Cuối cùng chỉ còn lại Hà và cô bạn tiếp tục cuộc hỗn chiến bằng những comment dài lê thê.

 

Chuyện bạn bè xung đột, xích mích không phải hiếm gặp song nếu cứ hễ cãi vã là lại lên Facebook để vạch tội, phân trần theo kiểu này không chỉ khiến hai người bạn về sau khó nhìn mặt, nghiêm trọng hơn nó còn khiến đối phương bị tổn thương sâu sắc, thậm chí coi nhau là kẻ thù.

 

Như trường hợp của cô bạn Hà nói trên, sau vụ scandal cãi cọ ầm ỹ trên Facebook, họ không còn ở chung phòng. Việc không ở cùng nhau khiến cả hai dần nguôi ngoai và nhận ra vụ cãi cọ dạo trước cả hai cùng có lỗi. Hà thành thật: “Giờ có muốn nối lại tình bạn cũng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Tại chúng mình đã khiến nó ầm ỹ hơn mức cần thiết”.

 

Có thể thấy, việc cãi cọ xung đột cá nhân vốn là những việc rất riêng tư và người trong cuộc dù có bức xúc đến đâu thì cũng không nên hành động nông nổi, dùng Facebook để “vạch áo cho người xem lưng”.

 

Dẫu có ai đúng, ai sai song khi cãi cọ công khai thì cả hai đều đã trở thành mục tiêu để người khác đánh giá và soi xét. Đương nhiên đó không bao giờ là cách thông minh bởi cãi cọ kiểu này rất khó có cơ hội hàn gắn.

 

Theo Thu Thu

Vietnamnet