Khi “em út” trong công ty là 9X năng động
Đó là các 9x, vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng cũng đã là nhân viên chính thức trong các công ty.
Những 9X năng động
Nguyễn Cao Quỳnh Như (sinh năm 1993, sinh viên khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM) khiến nhiều bạn bè nể phục khi là “tay viết” nữ duy nhất và nhỏ tuổi nhất của một tờ danh tiếng.
Quỳnh Như bắt đầu “bén duyên” với báo từ khi đạt giải Ba cuộc thi “Nếu tôi là Tổng biên tập” năm bạn học lớp 12. Sau gần 2 năm cộng tác, số tiền nhuận bút mà bạn ấy kiếm được mỗi tháng ở mức khoảng 3 triệu đồng.
Còn Âu Thanh Thùy Dương (SV năm 3, ĐH KHXH và NV) thì đang là PR manager của một công ty truyền thông với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Trong một lần tìm thấy thông tin tuyển dụng của một công ty truyền thông, người bạn thân trong lớp đã “lôi” Dương đi phỏng vấn và kết quả là Dương đậu và người bạn kia… rớt.
Từ khi đi làm, Dương thay đổi hẳn, từ một cô bạn ít nói, ghét đám đông, Dương hoạt bát và tự tin hơn rất nhiều. Vì đang còn đi học nên cô bạn được công ty thông cảm khi không bắt buộc lên cơ quan mỗi ngày mà chỉ cần đảm bảo được tiến độ công việc. Hiện tại, công việc của Thùy Dương là quản lí PR và phụ trách về tổ chức sự kiện, quảng cáo.
Cô bạn hớn hở: “Vui nhất là lần tổ chức sự kiện cho một công ty Trung Quốc bên Campuchia. Mình chịu trách nhiệm về việc chụp hình những khách hàng đến tham dự và giao hình đúng mặt người khách đó.
Tuy nhiên, hôm đó khách hàng quá đông và người nói tiếng Trung Quốc, người tiếng Campuchia nên tụi mình bị “loạn” ngôn ngữ. Khi giao hình, người phiên dịch bận thì mình… tự xử, múa máy một hồi thế mà có người vẫn hiểu được. Cuối cùng thì mình cũng hoàn thành tốt công việc và coi như có một chuyến đi du lịch ngắn hạn”.
Nguyễn Thị Phước - cô sinh viên năm cuối trường ĐH Hutech đã có thâm niên làm ở một công ty BĐS được 2 năm. Bén duyên với công ty từ một người bạn lớn tuổi, “khi anh gọi điện nói công việc làm sales ở đây rất hợp với mình, tò mò, mình cũng chạy xe ngang qua, thấy công ty hoành tráng quá nên… mê, nộp đơn và được nhận”, Phước kể.
Trải qua rất nhiều khó khăn như lần đầu gọi cho khách hàng, bị hiểu lầm là dân lừa gạt rồi thì danh sách khách hàng không có, mới là sinh viên nên không có nhiều mối quan hệ với những người có nhu cầu mua nhà, đất, Phước không nản chí.
Sau hai tháng thử việc, cô bạn bán được 4 đất nền (tạo nên kỉ lục ở công ty vì không phải ai cũng bán được như vậy). Tiền lương của Phước dao động từ 4 triệu đến 11 triệu. Nhỏ tuổi nhất công ty nhưng khi công ty có đợt tuyển nhân sự mới, Phước còn được cử làm hướng dẫn cho các anh chị ứng cử viên 8x nữa.
Trong thời buổi hiện nay, ra trường và kiếm được cho mình một công việc ổn định đã khó, huống chi là trở thành nhân viên chính thức khi còn đang đi học. Nhưng chuyện này không phải là không thể, nếu bạn có bí quyết.
Làm việc ở mảng thể thao quốc tế thường xuyên chênh lệch múi giờ, Quỳnh Như trở thành một chú “cú đêm” chính hiệu. Mỗi lần phải tường thuật trận đấu là một lần cô bạn này thức thâu đêm. Như nói đùa rằng sinh hoạt của mình giống như là của nghệ sĩ vậy.
“Người ta làm thì mình ngủ, lúc mọi người ngủ thì mình làm. Mình không phiền chuyện thức khuya, chỉ có vấn đề là đôi khi ảnh hưởng đến giờ lên lớp, với lại da mặt ngày càng xấu đi. Mình chấp nhận nó như một hệ quả tất yếu của việc đi làm sớm”, Như cười.
Còn Thùy Dương, đi làm khi còn ngồi trên ghế nhà trường và là người nhỏ tuổi nhất trong công ty nên cũng gặp phải nhiều khó khăn. “Hồi mới bắt đầu đi làm, mình gặp nhiều khó khăn với gương mặt… non quá, khó tạo được sự tin cậy cho khách hàng.
Nhưng khó khăn lớn nhất của mình là chưa có kinh nghiệm. Có nhiều kiến thức mình chưa được học thế là mình phải tự học từ trên mạng, từ các anh chị trong công ty. Mình trưởng thành hơn, chín chắn và khả năng giao tiếp tốt hơn rất nhiều.
Vì thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài nên khả năng ngoại ngữ của mình cũng được “cải thiện” đáng kể. Việc đi làm sớm với những kinh nghiệm thực tế còn bổ trợ thêm cho mình rất nhiều trong việc học”.
Từ khi đi làm, cô bạn có thể tự lo cho bản thân mà không cần “nhận lương” hàng tháng của ba mẹ nữa. Vừa rồi, cô bạn còn tích cóp và “tậu” cho mình một “em” xe máy mới toanh. Dương nói bí quyết của mình chính là sự cố gắng.
Mặc dù không đủ tiêu chuẩn: chưa có bằng tốt nghiệp ĐH-CĐ, không có một chút xíu kinh nghiệm gì về bất động sản nhưng Phước vẫn được nhận vào công ty. Không phải tự dưng đâu nhé! Chẳng qua là cô bạn đã rất tự tin khi ứng tuyển và tự tin khi kể ra các kinh nghiệm của mình như: đi bán yến, đi viết báo, phụ kế toán… Điều đó đã tạo điểm cộng cho nhà tuyển dụng.
Phước “bật mí” bí quyết để xin được việc, thứ nhất là… liều, thứ hai là thật tự tin, khả năng cảm thấy phù hợp thì cứ xin vô. “Có thử mới biết mình được hay không chứ”.
Theo Tuyết Hường – Xuân Hường – Hồng Thơ
Mực Tím