Khi em là tân binh

Em làm tân binh trong quân đội đã hơn một tháng. Một tháng không điện thoại, không Internet, không bia rượu... Một tháng hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài.

Em 18 tuổi. Em ham chơi hơn ham học. Nhiều tối mẹ cũng chờ cửa đến 1 giờ đêm. Sáng, em ngủ đến giữa trưa. Ở nhà, em không đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì. Hễ ai động đến em, trách mắng em là em gân cổ lên sừng sộ. Em luôn ích kỷ và nghĩ về bản thân mình hơn bất cứ điều gì. Vậy mà...

 

Bây giờ, em ngồi trước mặt chị. Rám nắng. Vui tươi. Và em hào hứng kể về những công việc mới và những người bạn mới. Ở đây em ăn tập thể, ở tập thể và luyện tập, làm việc cũng tập thể nốt! Em bảo: “Bởi thế, làm việc gì cũng phải cân nhắc thật kỹ chị à! Nếu mình làm một điều gì sai phạm, đều ảnh hưởng đến gần 30 người cùng một trung đội”. Em kể, có một bạn nhớ nhà quá, đêm nọ liền lẳng lặng trốn doanh trại. Đến giờ ngủ, trung đội trưởng tới điểm danh không thấy, thế là nguyên một trung đội bị phạt, phải mặc quân phục chỉnh tề, ra ngoài sân đứng hết đêm chỉ để... chờ bạn ấy về!

 

Những chủ nhật chị đến thăm em, chị có rất nhiều niềm vui. Điều chị vui nhất là em đã biết nghĩ đến người khác. Bởi lần nào cũng vậy, quanh chị em mình đều có những cậu bạn khác của em bao vây. Là do em gọi họ đến, ngồi nói chuyện cho vui, là vì em biết, họ không có người nhà đến thăm vào mỗi cuối tuần, nên em muốn chia sẻ cảm giác này với họ. Mẹ biết ý, nên ngoài những vật dụng gửi riêng em, mẹ cũng chuẩn bị rất nhiều bánh kẹo, trái cây... để bạn và em liên hoan, để họ cũng có cái gọi là “quà”.

 

Hôm nay, lên thăm em, tự dưng em hỏi về những biến động ngoài xã hội. Em bức xúc về việc công ty nọ đã đầu độc một dòng sông. Em phẫn nộ khi nhắc đến các sản phẩm sữa có chứa chất melamine gây sạn thận cho trẻ. Rồi em ngậm ngùi: “Sao họ ích kỷ thế Sao họ vì lợi nhuận, vì đồng tiền mà bất chấp tất cả. Chẳng bù ở nơi em, bóc một vỏ kẹo cũng không dám xả bừa bãi, bởi vì sợ một chút rác nhỏ nhoi ấy có thể sẽ khiến một trung đội phải chạy vòng quanh sân mấy chục vòng mệt lử”.

 

Rồi em thở dài: “Giá ai cũng biết nghĩ về người khác, về tập thể, về cộng đồng một chút nhỉ? Giá như có khung hình phạt đích đáng, xử lý nghiêm như tụi em ở đây thì chắc họ cũng chột dạ mà sợ chứ!”.

 

Đông Minh

Theo Người Lao Động